MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực biểu tình Hong Kong, CEO hãng Cathay Pacific từ chức

17-08-2019 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

Ông Tang Kin Wing Augustus, 60 tuổi, CEO của Công ty bảo trì và kỹ thuật Haeco, được bổ nhiệm thay thế ông Hogg.

Giám đốc điều hành Cathay Pacific Rupert Hogg, 56 tuổi, đã từ chức vì phải chịu nhiều áp lực sau một tuần đầy biến động của hãng hàng không hàng đầu Hong Kong này, đài CNN đưa tin.

"Đây là thời điểm nghiêm trọng và quan trọng đối với các hãng hàng không của chúng ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, uy tín và thương hiệu của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn. Đặc biệt là ở thị trường quan trọng của Trung Quốc đại lục" - ông Hogg viết một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên đã được chia sẻ cho CNN Business.

Áp lực biểu tình Hong Kong, CEO hãng Cathay Pacific từ chức  - Ảnh 1.

Ông Rupert Hogg. Ảnh: CNN

Ông Hogg trở thành CEO của Cathay Pacific Airways, hãng hàng không lớn nhất Hong Kong , từ tháng 5-2017 và là một nhân viên kỳ cựu của Tập đoàn Swire Pacific, cổ đông lớn nhất của Cathay Pacific, từ năm 1986.

Ông Tang Kin Wing Augustus, 60 tuổi, CEO của Công ty bảo trì và kỹ thuật Haeco, được bổ nhiệm thay thế ông Hogg. Haeco cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Swire Pacific.

"Đó là vinh dự của tôi khi lãnh đạo Tập đoàn Cathay Pacific trong ba năm qua. Tôi tin tưởng vào tương lai của Hong Kong với tư cách là trung tâm hàng không quan trọng ở châu Á. Tuy nhiên, đây là những tuần đầy thách thức đối với hãng hàng không và đúng là Paul và tôi chịu trách nhiệm với tư cách là lãnh đạo của công ty" - ông Hogg nói trong một tuyên bố.

Cũng trong cùng sự việc, ông Paul Loo, Giám đốc thương mại của hãng hàng không, cũng được biết đang từ chức . Loo sẽ được thay thế bởi Ronald Lam, người đứng đầu HK Express, một công ty con của Cathay.

"Cả hai người từ chức để nhận trách nhiệm trên vai trò lãnh đạo của công ty sau những sự việc gần đây" - một thông cáo cho biết.

Công ty này đã bị cuốn vào một cơn bão chính trị vì các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hong Kong đã khiến Bắc Kinh tức giận. Hoạt động kinh doanh và giá cổ phiếu của công ty cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề, với hàng trăm chuyến bay bị hủy chuyến, khi có hàng ngàn người tập trung tại sân bay để biểu tình.

Chính phủ Trung Quốc hôm 9-8 cấm hãng này sử dụng các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình trên các chuyến bay tới hoặc qua không phận đại lục. Các công ty nhà nước cũng kêu gọi tẩy chay Cathay Pacific, cấm nhân viên sử dụng dịch vụ của hãng này.

Cathay sau đó cảnh báo có thể sa thải những nhân viên tham gia biểu tình bất hợp pháp. Hôm 14-8, công ty cho biết họ đã sa thải hai phi công mà không tiết lộ lý do. Một nguồn tin nói với CNN rằng các phi công đã bị sa thải vì có liên quan đến các hoạt động biểu tình đang diễn ra.

Hôm 12 và 13-8, khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Hong Kong, chiếm giữ các quầy làm thủ tục, khiến Cathay Pacific đã phải hủy hơn 270 chuyến bay. Cổ phiếu của hãng này cũng đã giảm 24%, xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên