Áp lực đẩy mạnh cho vay tín chấp
Nếu không giải tỏa tâm lý bị hình sự hóa các ngân hàng sẽ rất rụt rè cho vay nhất là cho vay tín chấp
- 03-01-2018Doanh nghiệp nhỏ được vay tín chấp lớn
- 20-03-2017Làm sao thúc đẩy cho vay tín chấp doanh nghiệp vừa và nhỏ?
- 27-06-2016Nên công khai điều kiện vay tín chấp
Nhu cầu thực
Theo nhận định của TS. Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cùng với đẩy mạnh cổ phần hóa, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ các DN có khả năng sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn. Đơn cử làm thế nào để DNNVV tiếp cận vốn tín dụng nhiều hơn trong bối cảnh tài sản đảm bảo hạn chế. Đây cũng là vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam đang rất băn khoăn.
| |||
Lãnh đạo một ngân hàng đưa ra một thực tế, hiện nay mỗi năm nước ta thành lập 125-130 nghìn DN, cùng với đó là kế hoạch chuyển đổi 1 triệu hộ sản xuất thành DN. Với số lượng DN lớn như vậy rõ ràng là cơ hội cho ngành Ngân hàng cung cấp sản phẩm dịch vụ. Nhưng ngược lại, cầu vốn tăng cao cũng tạo sức ép lớn trong việc cung cấp vốn và nguy cơ rủi ro tăng là hiện hữu.
“Mâu thuẫn ở đây là chúng ta muốn cung cấp vốn nhiều hơn, nhanh hơn với giá rẻ hơn cho người dân và nền kinh tế. Nhưng phải kiểm soát được tốt rủi ro trong hoạt động tín dụng ngân hàng là công việc rất khó khăn”, vị này đặt vấn đề và cho biết thêm, bài học tín dụng tăng trưởng nóng, cho vay dễ dãi vẫn còn những hậu quả nhãn tiền.
Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng khác tỏ ra lo ngại khi cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP tăng 40% trong vòng 3 năm qua. Nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng nóng, mà người vay không có khả năng trả nợ, nợ xấu có thể bùng phát trong giai đoạn tiếp theo. Đó chính là nguồn gốc phát sinh nợ xấu của giai đoạn trước đây mà các ngân hàng đang phải vất vả xử lý trong mấy năm qua.
Vấn đề khó khăn nữa đang đặt ra đối với các ngân hàng là áp lực đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay theo quản lý dòng tiền. Về bản chất, cho vay tín chấp rủi ro hơn cho vay thế chấp. Bởi cho vay tín chấp là không có tài sản đảm bảo nên khi nợ xấu phát sinh, mọi người thường nghĩ rủi ro sẽ cao hơn. Nhưng thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Bởi khi cho vay tín chấp, ngân hàng thường chọn những DN nào có báo cáo tài chính tốt, được kiểm toán chặt chẽ, thị phần tốt, sức khỏe tài chính, lợi nhuận cao mới cho vay. Mà một khi DN nào có được nền tảng tài chính DN tốt như vậy thì các ngân hàng sẽ cảm thấy an toàn khi cho vay tín chấp.
Nhưng không dễ làm
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với DN Việt Nam, nhất là DNNVV việc vay vốn tín chấp không dễ dàng. Không phải từ phía ngân hàng gây khó, không muốn cho vay mà bản thân DN không thể đáp ứng điều kiện để có thể được vay tín chấp. Đó là nhận xét của TS. Hiếu và ông cho biết thêm, ở bên Mỹ điều kiện để vay vốn tín chấp rất chặt chẽ. Ngoài sức khỏe tài chính, trong hợp đồng tín dụng còn có thêm một số quy định như cung cấp tỷ lệ an toàn thanh khoản của DN trong mỗi quý, mỗi năm…
Nếu kỳ vay tiếp theo DN vẫn hội tụ đủ các điều kiện ngân hàng đưa ra thì mới được tiếp tục vay tín chấp, nếu không sẽ phải chuyển cho vay dưới hình thức thế chấp. Như vậy, để được vay tín chấp, các DN phải đáp ứng đủ các quy định rất khắt khe của ngân hàng.
Tất nhiên, ở Việt Nam, không thể đòi hỏi được quá nhiều yêu cầu đối với DN như Mỹ nhưng, vị chuyên gia làm việc lâu năm ở nước ngoài cho biết, DN Việt cũng phải đáp ứng những điều kiện tối cần thiết như báo cáo tài chính minh bạch có đánh giá của công ty kiểm toán uy tín, sức khỏe tài chính tốt…
Dù quy định có giảm bớt nhưng thực tế ít DN Việt Nam đáp ứng được điều này. Các DN thành lập thường không có vốn tự có, không có tài sản, năng lực sản xuất kinh doanh tài chính chưa được kiểm chứng… vì vậy, nếu yêu cầu ngân hàng cho vay tín chấp thì quả là thách thức. Lãnh đạo một ngân hàng còn đưa ra mối lo khác đó là DN có quyền mở tài khoản ở nhiều ngân hàng, vay nhiều ngân hàng nên kiểm soát dòng tiền không hề đơn giản. Nếu ngân hàng không tỉnh táo có thể gặp rủi ro cả về pháp lý và tín dụng.
Trước thực tế này, việc đẩy mạnh cho vay tín chấp khó trở thành thực tế. Nhất là áp lực tâm lý trách nhiệm đè nặng cùng với mối lo hình sự hóa quan hệ kinh tế thì chắc chắn các ngân hàng sẽ rất hạn chế cho vay tín chấp. Tháo gỡ nút thắt này, theo đề xuất của một số chuyên gia ngân hàng, cần có các quy định rõ ràng hơn thế nào là trách nhiệm thương mại, thế nào là hình sự để bóc tách, quy trách nhiệm dễ hơn khi xảy ra sự vụ.
Đơn cử, nếu khoản vay rơi vào tình trạng có nguy cơ bị mất vốn do môi trường kinh doanh không thuận lợi, khách hàng không bán được hàng, thị phần sụt giảm… thì đưa vào trách nhiệm thương mại ngân hàng chịu. Còn nếu nhân viên ngân hàng cố tình gian lận, lừa đảo, vô trách nhiệm trong thẩm định cho vay… thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Còn với DN, theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng phụ trách mảng tín dụng chia sẻ: điều đầu tiên khi DN muốn nhận được sự ưu đãi và được cung cấp vốn ưu đãi thì phải tăng cường sức khỏe tài chính. Nhưng về phía ngân hàng, cũng cần phải thay đổi tư duy. Hiện nay các ngân hàng vẫn tư duy theo kiểu “tiệm cầm đồ” là dựa nhiều vào tài sản thế chấp thay vì giám sát, theo dõi dòng tiền ra vào, thu nhập tương lai DN ổn định hay không.
đó, vị lãnh đạo này nhấn mạnh đến việc thay vì xem tài sản thế chấp là ưu tiên số một trong quan hệ tín dụng, các ngân hàng nên coi trọng nguồn trả nợ là doanh thu, dòng tiền ra - vào của DN. Khi nguồn này không ổn định, khó đảm bảo khả năng trả nợ thì ngân hàng mới tính đến nguồn thứ hai là tài sản thế chấp của DN.
Một kênh quan trọng khác là các hiệp hội, nhất là DNNVV đứng ra bảo lãnh cho các DN không có đủ điều kiện vay vốn theo hướng chia sẻ trách nhiệm trả nợ cho khách hàng cũng như tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - DN lan tỏa rộng trên khắp cả nước thay vì chỉ tập trung ở một số thành phố lớn…
Thời báo ngân hàng