MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công

Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cần phải chủ động, thực hiện sớm để có thể giải ngân từ những ngày đầu năm 2023.

Năm 2023, áp lực giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn khi kế hoạch được Quốc hội thông qua có tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng - tăng khoảng 140.000 tỉ đồng (25%) so với kế hoạch năm 2022. Sức ép từ việc giải ngân trên 700.000 tỉ đồng đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt, căn cơ để giải quyết tình trạng "có tiền không tiêu được" những năm gần đây.

Tăng tốc ngay từ những ngày đầu năm

Áp lực năm 2023 là rất lớn khi năm vừa qua, dù Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công song kết quả đến hết năm vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tính thanh toán từ đầu năm 2022 đến ngày 31-1-2023 là 539.276,51 tỉ đồng, đạt 80,63% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 78,08% kế hoạch).

Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng của năm 2023, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định. Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn bảo đảm khả thi.

Năm 2023, đầu tư công tiếp tục là động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-2, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn cho các dự án, công trình là nhiệm vụ quan trọng với các bộ, ngành, địa phương lúc này để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (TP Hà Nội) giai đoạn 2 đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023 Ảnh: HỮU HƯNG

Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị đã quyết liệt triển khai phân bổ, giao chi tiết tổng số vốn trên 94.000 tỉ đồng năm 2023 cho các chủ đầu tư. Ông Thái cho biết Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, để các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện từ đầu năm. Ngoài ra, có sự giám sát chặt chẽ của bộ để sớm tháo gỡ vướng mắc cũng như đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Để tăng tốc giải ngân vốn trong năm nay, nhiều dự án giao thông đã thi công xuyên Tết. Thủ tướng Chính phủ đã thị sát, kiểm tra và có nhiều chỉ đạo "nóng" để thúc tiến độ các dự án ngay từ dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Từ những ngày đầu năm, một số dự án trong 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã sôi động thi công. Tại Hà Nội, dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) được khởi công tháng 1-2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 62,5% kế hoạch vốn. Dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Dự kiến, tháng 9-2023, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, giảm áp lực cho giao thông ở thủ đô.

Thống kê của Bộ Tài chính đến hết tháng 1 cho thấy tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỉ đồng, đạt 90,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Về phía địa phương, Vĩnh Phúc năm nay có gần 9.000 tỉ đồng đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh. Vĩnh Phúc đang phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công cho từng nhiệm vụ, dự án theo quy định của pháp luật.

Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng đến khâu thực hiện, từ đó mới bảo đảm tiến độ giải ngân.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đánh giá nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn với trên 700.000 tỉ đồng. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh cần bám sát nhiệm vụ, triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Quốc Phương, năm 2022 đã nhận diện, chỉ ra các bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, năm 2023 cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, đây là yếu tố quan trọng để công tác này được nhanh hơn. Mặt khác, các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát, ghi nhận ý kiến phản ánh của các bên liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. "Các dự án cần đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện" - ông Phương nhìn nhận.

Theo Nghị quyết 01, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh vấn đề hoàn thiện cơ chế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc vừa qua Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tự hạ bậc thi đua vì thành phố giải ngân vốn đầu tư công thấp đã tạo tiền lệ tốt khi người đứng đầu nhận trách nhiệm vì địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thì việc Quốc hội phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công trên 700.000 tỉ đồng cho thấy quyết tâm rất cao trong việc đầu tư các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia, nhất là các dự án đường cao tốc đã được thông qua có tính liên kết vùng, tạo động lực, lan tỏa và giữ đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.

"Cử tri mong muốn nguồn vốn này sẽ được giải ngân hết trong năm 2023, qua đó tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Khải nhấn mạnh.

Hà Nội và TP HCM có tỉ lệ giải ngân cao

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 27.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý đạt 4.200 tỉ đồng - bằng 3,1% kế hoạch năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 22.800 tỉ đồng - bằng 4,2% kế hoạch năm, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ quan thống kê nêu rõ Hà Nội và TP HCM có tỉ lệ giải ngân cao nhất trong tháng 1-2023, khi lần lượt đạt hơn 2.698 tỉ đồng và 1.638 tỉ đồng.


Ông TRẦN VĂN KHẢI, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Khắc phục sự yếu kém trong tổ chức thực hiện

Để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương phải khắc phục cho được căn bệnh trầm kha là sự yếu kém trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, khắc phục tình trạng "sợ trách nhiệm", đặc biệt là ở người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực vì lợi ích chung của đất nước. Cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ, khẩn trương từ những ngày đầu năm 2023 để nhanh chóng đưa các dự án, công trình trọng điểm quan trọng quốc gia vào khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:

Phân cấp, phân quyền với cơ chế rõ ràng

Những chồng chéo trong pháp luật về đầu tư công hiện nay gây ra tâm lý e ngại, sợ sai, làm việc cầm chừng ở một bộ phận cán bộ. Hoạt động đầu tư công hiện nay liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…, đối chiếu với quy định ở luật này thì đúng nhưng với quy định ở luật khác thì vướng mắc, dẫn đến nhiều nơi cán bộ lo lắng, không dám làm. Công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị nên để đẩy nhanh tiến độ là rất khó.

Đây là bất cập cần giải quyết để tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với cơ chế rõ ràng để các cấp yên tâm làm việc.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên