Áp lực học hành khủng khiếp, số lượng thiếu niên Trung Quốc làm điều dại dột tăng vọt, các chuyên gia kêu gọi chiến dịch đặc biệt để ngăn chặn
Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các vụ tự tử trong giới trẻ những năm gần đây.
Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, số trẻ từ 5-14 tuổi tử vong vì tự sát đã tăng gần 10% mỗi năm từ 2010 đến 2021. Con số này trên những người từ 15-24 tuổi đã giảm 7% trong năm 2017 nhưng tăng gần 20% trong 4 năm tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu nói rằng mức tăng này là nhỏ nếu so về số lượng tuyệt đối nhưng điều đáng quan ngại là nó đánh dấu một sự đảo ngược. Trong cùng giai đoạn, số ca tự tử ở Trung Quốc trên tất cả các lứa tuổi giảm 5,3% hàng năm. Chương trình sức khỏe tâm thần toàn quốc của Trung Quốc được cho góp phần tạo ra mức giảm này.
Nói về sự gia tăng số ca tự tử trên thanh, thiếu niên, các nhà nghiên cứu cho rằng áp lực học hành khủng khiếp ở trường học là nguyên do. Theo một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2022, một nửa số người mắc chứng rối loạn trầm cảm ở Trung Quốc là sinh viên.
Đã từ lâu, thanh, thiếu niên Trung Quốc phải gia nhập cuộc đua học hành khốc liệt để có thể được nhận vào các trường tốt hay kiếm được việc làm thu nhập cao sau khi tốt nghiệp. 3 năm đại dịch ở Trung Quốc đã làm xáo trộn nhiều thứ, trong đó có việc một số lượng kỷ lục thanh niên thất nghiệp, tạo áp lực lớn lên giới trẻ.
Hồi đầu năm, một vụ tự sát của học sinh nội trú tên Hu Xinyu đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Trước khi làm điều dại dột, cậu bé 15 tuổi đã bày tỏ lo lắng về điểm số của mình. Tuy nhiên, cách cảnh sát thực hiện cuộc điều tra của họ mới là điều khiến dư luận dậy sóng.
Từ bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi Chính phủ ưu tiên triển khai các chương trình nhằm mục tiêu đến trẻ em và thanh, thiếu niên nhằm xác định sớm hành vi tự tử.
Năm 2021, Trung Quốc đã công bố một “cuộc đại tu” với lĩnh vực giáo dục của đất nước. Họ cấm các hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phàn nàn rằng áp lực thuê gia sư riêng khi con của họ không thể học thêm cũng gây nhiều căng thẳng.
Thế nhưng, CDC Trung Quốc chỉ trích niềm tin phổ biến của các phụ huynh và cả giáo viên về điểm số, cho rằng điểm cao quan trọng hơn bất cứ gì khác, có nguy cơ che lấp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, vốn đang gây khó chịu cho trẻ em.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống Thị trường