MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực lãi suất có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm

Áp lực lãi suất có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm

Theo ông Minh, áp lực lạm phát và lãi suất có thể đạt đỉnh, hạ nhiệt dần về cuối năm, song nhà đầu tư vẫn cần theo dõi kỹ diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu lửa và cả chuỗi cung ứng hàng hóa.

Số liệu công bố mới đây, lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua. Lạm phát tăng cao vượt dự báo dấy lên lo ngại về việc Fed buộc phải "diều hâu" hơn trong chính sách điều hành và từ đó tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Lạm phát tiếp tục leo thang khiến giới đầu tư thêm lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay tăng lãi suất trên mức 0,75%. Quan điểm của anh ra sao? 

Lạm phát ngày càng "nóng" được cho sẽ là căn cứ để Fed tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt để "hạ nhiệt" nền kinh tế và giá cả. Theo một số nguồn khảo sát, có đến 78% người dự báo Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy trên 0,75% trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7. Điều này cho thấy nhiều người đã chuẩn bị tâm lý cho việc Fed có thể mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất, bất chấp những phát biểu trước đó của Fed là chỉ tăng 0,5%-0,75%. 

Tuy con số chính thức phải chờ đợi những cuộc họp chính thức, song với tình trạng lạm phát như hiện tại khả năng tăng lãi suất trên 0,75% là rất có thể xảy ra. Theo đó, hai kịch bản có thể xảy ra (1) Fed sẽ tăng lãi suất mạnh trong một lần để kiềm chế lạm phát, những đợt sau sẽ tăng nhẹ hoặc dừng tăng (2) tăng như kịch bản trước đó ở mức 0,75%.

Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Liệu kịch bản suy thoái có xảy ra? 

Kịch bản suy thoái có khả năng xảy ra. Nhìn vào đường cong lợi suất đang bị đảo ngược và giảm về mức rất thấp. Theo thống kê lịch sử, mỗi khi đường cong lợi suất đảo ngược có 6 đợt suy thoái kinh tế, trong đó có 2 đợt dẫn đến khủng hoảng vào năm 2000 và 2007. Hiện tại, chưa thể kết luận được suy thoái có dẫn đến khủng hoảng, song khả năng cao suy thoái có thể xảy ra.

Tuy nhiên cần lưu ý bản chất suy thoái là tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. Do sức tiêu dùng yếu, khả năng hai quý tới sẽ ghi nhận tăng trưởng âm. Song nhiều tổ chức tài chính vẫn kỳ vọng nền kinh tế Mỹ chỉ suy thoái tạm thời chứ không xảy ra khủng hoảng. Điều này đến từ kỳ vọng năm 2023 nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Dữ liệu lạm phát chủ yếu là do giá xăng cao trong tháng 6, song hiện giá xăng cũng đang có xu hướng hạ nhiệt. Theo dự báo của anh, liệu đây đã là mức đỉnh của lạm phát? 

Lạm phát có mối tương quan đặc biệt với giá hàng hoá, song điểm đặc biệt cần chú ý trong đợt lạm phát lần này là tốc độ tăng lạm phát nhanh hơn giá hàng hoá. Điều này cho thấy không chỉ tác động từ giá hàng hoá mà còn tác động các chi phí khác như chi phí logistic, giá thuê nhà,...

Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát leo thang vẫn là do giá xăng tăng mạnh. Hiện tại, giá dầu đang có xu hướng hạ nhiệt phát đi những tín hiệu tích cực cho lạm phát. Bởi thông thường khi giá hàng hoá giảm lạm phát giảm thì lạm phát sẽ có xu hướng tạo đỉnh trong một tháng sau đó. Cá nhân tôi cho rằng áp lực lạm phát và lãi suất có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi kỹ diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu lửa và cả chuỗi cung ứng hàng hóa.

Chỉ số chứng khoán Mỹ có vẻ như dự báo cả việc lạm phát tăng vượt dự báo nên phản ứng khá nhẹ nhàng. Đối với Việt Nam, kịch bản nào cho VN-Index khi lạm phát Mỹ leo thang? 

Ảnh hưởng của lạm phát không còn quá tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi mọi thứ rõ ràng. Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng không tiêu cực thì rất có thể là ảnh hưởng của thông tin đã yếu đi. Nội tại Việt Nam vẫn ổn định, điều nhà đầu tư cần quan tâm tới đây là những quyết định tăng lãi suất của Fed. Nếu Fed vẫn thực hiện đúng lộ trình tăng lãi suất lên 0,75% thì có thể không tác động quá mạnh đến thị trường chứng khoán bởi đã được dự báo trước đó.

Đặc biệt, theo thống kê trên thị trường Mỹ, từ năm 1900 đến nay có 15 lần chỉ số Dow Jones giảm trên 10% trong 6 tháng đầu năm và xác xuất 67% thị trường tăng trung bình 4,45% trong 6 tháng cuối năm. Chỉ số VN-Index và Dow Jones có sự tương đồng khá cao. Do đó, có thể những yếu tố về lạm phát hay lãi suất đã được phản ánh đáng kể vào xu hướng tiêu cực của thị trường trong 6 tháng đầu năm.

Nhìn về triển vọng thị trường nửa cuối năm, với mức định giá hiện tại thì kịch bản tích cực cho thị trường trong nửa cuối năm sẽ rất sáng. Rủi ro của thị trường chỉ đến khi nền kinh tế chuyển từ suy thoái sang giai đoạn khủng hoảng, song khả năng này khó xảy ra.

Trong bối cảnh vĩ mô có nhiều diễn biến khó lường như hiện tại, theo anh nhà đầu tư nên hành động như thế nào? 

Tuy thị trường có triển vọng tốt trong nửa cuối năm, song nhà đầu tư vẫn nên đặt chiến lược phòng thủ lên hàng đầu. Đặc biệt, nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng tăng lãi suất của FED vào ngày 26/7 tới đây cũng sẽ tiếp tục là thông tin cần theo dõi và cẩn trọng khi ECB cũng sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên vào tháng này.

Về cơ hội đầu tư, tôi cho rằng dòng tiền có thể tập trung ở những nhóm có tính phòng thủ cao như cổ phiếu bán lẻ, điện nước và sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, khả năng cao dòng ngân hàng là nhóm ngân hàng có thể quay trở lại thành trụ đỡ cho thị trường dựa vào một số yếu tố sau (1) kỳ vọng nới room tín dụng là câu chuyện lớn dòng ngân hàng. Khả năng cao dự báo NHNN sẽ mở room tín dụng cho một số NHTM có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ casa cao. (2) mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang rất thấp sau đợt giảm sâu (3) bức tranh nợ xấu nhiều ngân hàng đỡ áp lực hơn khi yếu tố này đã phản ánh hết vào định giá nhóm ngân hàng.

https://cafef.vn/ap-luc-lai-suat-co-the-dat-dinh-va-ha-nhiet-dan-ve-cuoi-nam-20220716223334342.chn

Minh Châu

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên