MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực lớn phía sau lễ hội sầu riêng

05-09-2022 - 16:08 PM | Thị trường

Áp lực lớn phía sau lễ hội sầu riêng

“Lễ hội Sầu riêng Krông Pắk lần thứ 1 – 2022” vừa bế mạc, ghi dấu thành công của một ngành hàng nông sản mới của Đắk Lắk.

Bên cạnh những con số mang tới niềm vui và tự hào, như thu hút 40.000 lượt khách, ký ghi nhớ đầu tư 24 dự án, tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng, khi dự lễ hội sầu riêng của Đắk Lắk, mọi người cũng thấy không ít áp lực vì cả đầu ra của sản phẩm và quy trình sản xuất sầu riêng hiện nay đều có những lỗ hổng. Cần sớm có kế hoạch khắc phục những lỗ hổng ấy để sầu riêng Đắk Lắk vừa sớm tận dụng được cơ hội, vừa xây nền vững chắc khi cạnh tranh quốc tế trong sản xuất kinh doanh sầu riêng đang trở nên gay gắt.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Thành Lạng Sơn có 1 gian hàng trưng bày sản phẩm tại Lễ hội sầu riêng lần thứ nhất và 1 cơ sở thu mua sầu riêng tại thị trấn Phước An, bên cạnh cơ sở chính tại tỉnh Tiền Giang-vựa sầu riêng lớn nhất cả nước.

Áp lực lớn phía sau lễ hội sầu riêng - Ảnh 1.

Sầu riêng vẫn đang phải chờ được xuất khẩu chính ngạch.

Giám đốc công ty, bà Đường Kim Thi đặc biệt đánh giá cao tiềm năng của Krong Pak và tỉnh Đắk Lắk trong sản xuất sầu riêng, do có quỹ đất ba zan lớn, không bị lụt lội hay hạn mặn. Sầu riêng Đắk Lắk chín rất muộn so với các vùng khác nên tránh được áp lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo bà Thi, tiềm năng sầu riêng đang bị kìm hãm vì quá bị động về đầu ra. Năm nay là năm triển vọng nhất về xuất khẩu khi nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, nhưng đến thời điểm này, triển vọng chưa trở thành hiệu quả thực tế. Xuất khẩu chính ngạch vẫn chưa thông, các xe hàng sầu riêng vẫn rất gian nan trên hành trình quá cảnh xuất khẩu.

“Vẫn chưa xuất được 1 trái sầu riêng nào chính ngạch. Đó là cả một vấn đề, không doanh nghiệp nào dám nghĩ. Không chỉ là chưa xuất được chính ngạch, mà nhiều chuyến xuất tiểu ngạch còn phải quay đầu, vì đi quá cảnh phía bên Lào thì mưa gió lụt lội, đường sạt lở. Đi phía Campuchia thì Campuchia không cho hàng mình quá cảnh, nên phải quay đầu về. Như công ty tôi còn 30 container đang trên đường, chưa biết đi đâu” - bà Thi chia sẻ.

So với khó khăn về đầu ra, lỗ hổng trong quy trình canh tác sầu riêng cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy, Krông Pách là vùng sầu riêng lớn nhất, cũng là vùng sầu riêng dễ bị tổn thương nhất ở Đắk Lắk.

Áp lực lớn phía sau lễ hội sầu riêng - Ảnh 2.

Vườn cây của bà Phạm Thị Hương, thôn 19/5 chỉ đạt một nửa năng suất so với năm ngoái.

Năm 2018, hàng ngàn cây đang kỳ kinh doanh ở khu vực này đã chết vì nấm bệnh sau ảnh hưởng của Bão số 12/2017. Và năm nay, đa số vườn cây ở huyện lại bị giảm tới 1 nửa năng suất.

Bà Phạm Thị Hương, thôn 19 tháng 5, xã Ea Yông, huyện Krông Pách có hơn 1 ha sầu riêng ngay sát quốc lộ 26. Năm ngoái bà thu được khoảng 25 tấn, nhưng năm nay chỉ được hơn 10 tấn. Bà Hương cho biết, thời tiết khí hậu quá thất thường, mà gia đình lại thiếu kinh nghiệm ứng biến. Ở huyện cũng có nhiều cá nhân làm dịch vụ kỹ thuật sầu riêng, nhưng gia đình không thuê dịch vụ vì giá cao và không thỏa đáng.

Đến nay, ngành hàng sầu riêng Krông Pách đã qua gần 20 năm xây dựng, giá trị đã đạt đến con số nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, vẫn chưa có một quy trình chăm sóc đạt chuẩn và danh mục các loại nông dược phù hợp cho từng giai đoạn tuổi cây, tuổi hoa và trái sầu riêng.

Ông Nguyễn Trung, Phó Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất phân bón và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp ở Bình Dương, có cơ sở tại Krông Pắk cho biết, với cây sầu riêng, đọc sách kỹ thuật, xem hướng dẫn trên video là chưa đủ mà phải học từ thực tế sản xuất. Vùng sầu riêng Krông Pách có nhiều nông dân giỏi, nhưng đáng tiếc, đa số không sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nên sản xuất chung vẫn chịu nhiều rủi ro.

“Phải học từ nông dân. Nông dân mới là người giỏi. Thế nhưng người nông dân là không muốn truyền lại kinh nghiệm của mình. Dùng chai thuốc là phải xé đi cái nhãn, chỉ muốn độc quyền thôi, do đó, rất khó” - ông Trung nói.

Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Đăk Lăk, diện tích sầu riêng ở tỉnh hiện có khoảng 15.000 ha, hơn 10% trong số đó đã có chỉ dẫn địa lý và được cấp mã số vùng trồng, đang chờ được phía Trung Quốc xét duyệt để có thể xuất khẩu chính ngạch. Việc chậm được phê duyệt các mã số vùng trồng và chưa có chuyến sầu riêng nào được xuất khẩu chính ngạch cho thấy, con đường tới thị trường lớn vẫn còn không ít trở ngại và cạnh tranh.

Cùng với cạnh tranh thương mại là cạnh tranh sản xuất, khi diện tích sầu riêng cũng đang tăng vùn vụt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, như Campuchia, Lào, Thái Lan và Malaysia. Ngành hàng sầu riêng Krông Pak, hay nói chung cả Đắk Lắk và Tây Nguyên cần sớm vá những lỗ hổng cả trong canh tác-sản xuất-thương mại, mới tận dụng được cơ hội và cạnh tranh thành công./.

Theo PV

VOV

Trở lên trên