MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: "Thế hệ trôi dạt" không ổn định của Pháp

20-11-2022 - 05:32 AM | Sống

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: "Thế hệ trôi dạt" không ổn định của Pháp

Chi phí sinh hoạt quá cao khiến nhiều người trẻ chưa đủ tài chính mua nhà.

Uống rượu, du lịch, xem bóng đá... với nhiều người, đây là lối sống điển hình của người châu Âu. Nhưng thực tế thì không phải vậy, ít nhất cuộc sống hàng ngày của những người trẻ tuổi ở châu Âu còn lâu mới sang chảnh như vậy. Cuộc sống cũng không thiếu những thứ khiến họ phải lo lắng.

Tờ The Guardian của Anh đã viết trong một báo cáo khảo sát về triển vọng của những người trẻ tuổi rằng "thế hệ 8X và 9X" là "những nhóm được hưởng lợi ít nhất" trong xã hội châu Âu và "triển vọng phát triển mạnh mẽ của những người trẻ tuổi ở châu Âu đã sụp đổ."

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: Thế hệ trôi dạt không ổn định của Pháp - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


"Hai chữ tương lai khiến con người ta lo lắng"

Chàng trai 26 tuổi người Anh, Jamie Beer đã từng ở trong quân đội 7 năm. Anh và bạn gái thuê căn hộ một phòng ngủ ở Cardiff, thủ đô xứ Wales. Mặc dù bên trong "chỉ có những tiện nghi sinh hoạt cơ bản" nhưng nó vẫn ngốn từ 30% đến 40% thu nhập của họ. Về việc con cái, Jamie nói rằng có lẽ họ sẽ có em bé ở độ tuổi ngoài ba mươi.

Theo khảo sát của tờ The Guardian, xứ Wales là một trong những khu vực thích hợp nhất ở Anh để những người trẻ tuổi lập gia đình, bởi giá thuê nhà ở đây không cao. Mặc dù vậy, tiền thuê nhà vẫn là một phần lớn trong chi phí hàng ngày của Jamie và bạn gái vì thu nhập của họ chỉ ở mức trung bình. Jamie nói: "Chúng tôi muốn có con trước khi 30 tuổi, nhưng nếu như vậy, chỉ tiền thuê nhà thôi có lẽ cũng sẽ phải tăng gấp đôi. Hầu hết bạn bè của tôi đều có mức lương dưới mức trung bình."

Bạn gái của Jamie có bằng đại học và làm việc trong một công ty truyền thông xã hội "nhưng mức lương của cô ấy không tương xứng với trình độ học vấn" . Do thu nhập thấp, hai vợ chồng không muốn lên kế hoạch cho tương lai, theo cách nói của Jamie, "hai chữ tương lai khiến chúng tôi lo lắng."

Không ít thanh niên Anh như Jamie và bạn gái cảm thấy tương lai mịt mù vì thu nhập quá thấp.

Trên thực tế, Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng Anh (EHRC) đã bày tỏ mối quan ngại tương tự trước đó vào năm 2015. Theo báo cáo của tờ The Independent tại Anh, EHRC đã nêu trong báo cáo khảo sát rằng so với 5 năm trước, những người trẻ tuổi (ám chỉ nhóm dưới 34 tuổi) chịu áp lực lớn hơn về thu nhập và việc làm, việc đạt được sự độc lập về tài chính và thành công đòi hỏi họ phải vượt qua những trở ngại lớn hơn.

"Họ vừa phải chịu gánh nặng của xã hội già hóa nhanh chóng, vừa phải đối phó với triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ." Ủy viên EHRC Laura Carstensen cho biết. Frances O'Grady, tổng thư ký của TUC, nói rằng những người trẻ tuổi đang phải vật lộn với mức lương thấp, công việc khó khăn và giá nhà tăng cao.

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: Thế hệ trôi dạt không ổn định của Pháp - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


'Thế hệ trôi dạt' không ổn định của Pháp

Không chỉ những người trẻ tuổi ở Anh cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Bên kia eo biển Manche, giới trẻ Pháp cũng đang vật lộn với nền kinh tế nghèo nàn. Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Pháp (CESE) đã đưa ra một báo cáo lấy ý kiến về chủ đề "Đảm bảo sự hòa nhập tốt hơn của những người trẻ tuổi vào xã hội", cho biết kể từ năm 2008, tình hình hòa nhập xã hội của những người trẻ tuổi Pháp đã bắt đầu xấu đi, và phần lớn lý do là suy thoái kinh tế.

Tại Lille, một thành phố ở miền bắc nước Pháp, Justine Forriez, 23 tuổi, dậy sớm mỗi ngày, tìm kiếm thông tin tuyển dụng mới nhất trên máy tính và tham gia các khóa đào tạo nghề. Sau khi gửi đi hơn 200 hồ sơ xin việc và ứng tuyển vào hơn chục công ty, cô vẫn không tìm được gì.

Forriez có bằng thạc sĩ về quản lý sức khỏe, nhưng sau hai năm học việc, cô vẫn không tìm được việc làm lâu dài nên chỉ có thể làm những công việc lặt vặt hoặc công việc tình nguyện, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em và làm bồi bàn trong một nhà hàng. Cô cũng làm nhân viên chăm sóc thú cưng ngắn hạn, chỉ được trả 6,5 đô la Mỹ mỗi ngày. Để không bị phát điên bởi tình trạng cuộc sống này, Forriez sẽ vẽ tranh mỗi khi rảnh rỗi.

Forriez nói với tờ New York Times: "Ngay cả khi ở nhà, tôi cũng sẽ cảm thấy không thoải mái. Bạn sẽ luôn nhớ rằng bạn không có việc làm và chỉ có thể kiếm được 45 đô la (khoảng 1 triệu đồng) một tuần thông qua việc chăm sóc thú cưng".

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: Thế hệ trôi dạt không ổn định của Pháp - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


Louise Charlet, 25 tuổi, cũng ở trong tình trạng tương tự như vậy. Với bằng thạc sĩ quản lý, cô làm thực tập sinh trong một công ty quần áo hơn hai năm nhưng công ty chưa bao giờ ký hợp đồng dài hạn với cô. Cô cũng đã làm việc trong khách sạn được 3 tháng. Giờ đây, Charlet sống trong một căn hộ nhỏ ở Lille với người bạn trai cũng không có việc làm. Giống như Forriez, họ xem các tin tuyển dụng trực tuyến mỗi ngày.

"Hãy nhìn xem, hôm nay chỉ có một công việc đăng tuyển, và đó là một hợp đồng ngắn hạn" , Charlotte nói.

Ở Pháp, có rất nhiều người "trôi dạt" như Forriez và Charlet không có công việc ổn định và không có nhà ở. Vì không tìm được việc làm toàn thời gian, những người trẻ này chỉ có thể "phiêu bạt" làm những công việc lặt vặt và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bất cứ lúc nào. Tờ "Le Monde" của Pháp từng đưa tin, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã lên tới mức chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cứ bốn người thất nghiệp thì có một người dưới 25 tuổi.

Không thể ổn định cuộc sống đã trở thành căn bệnh kinh niên hành hạ giới trẻ Pháp, khiến họ hết lần này đến lần khác rơi vào cảnh nghèo đói. Theo tờ Le Figaro của Pháp, 1/5 thanh niên nước này sống dưới mức nghèo khổ.

Chính phủ Pháp đã cố gắng cải thiện tình hình của những người trẻ tuổi, nhưng hiệu quả không tốt. Theo Agence France-Presse, nhằm nâng cao sức sống của doanh nghiệp và giảm tỷ lệ thất nghiệp, Chính phủ Pháp hiện đang sửa đổi luật lao động, dự thảo đã trình nới lỏng một số hạn chế khắt khe đối với doanh nghiệp trước đây như quyết định xem nhân viên có cần làm việc nhiều giờ hơn không, hay lương làm thêm giờ sẽ được trả như thế nào, v.v. Nhưng giới trẻ Pháp cảm thấy những quy định mới này sẽ không tạo thêm việc làm mà còn làm trầm trọng thêm khó khăn của họ: "Buổi đêm là dành cho sự lãng mạn chứ không phải công việc".

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: Thế hệ trôi dạt không ổn định của Pháp - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


Cuộc sống không mấy êm ả của 8X và 9X ở châu Âu

Hiện trạng của những người trẻ tuổi ở Anh và Pháp cũng là hiện trạng của những người trẻ tuổi ở châu Âu nói chung.

30 năm trước, những người trẻ tuổi ở châu Âu kiếm được mức lương trên mức trung bình, nhưng nhiều người trẻ hiện nay kiếm được ít hơn 20% so với mức lương trung bình quốc gia. Tiền lương cho công nhân nghỉ hưu đang tăng lên. Về vấn đề này, tờ The Guardian đã nêu trong một báo cáo khảo sát về triển vọng tương lai của những người trẻ tuổi rằng "thế hệ 8X" và "9X" là "những nhóm được hưởng lợi ít nhất" trong xã hội châu Âu. Lý do cho điều này là cuộc khủng hoảng nợ quốc gia, tình trạng thiếu việc làm, toàn cầu hóa kinh tế và giá nhà đất tăng cao.

Khi nền kinh tế suy thoái, những người trẻ tuổi là những người đầu tiên bị ảnh hưởng vì tương đối thiếu kinh nghiệm làm việc và kỹ năng nghề nghiệp yếu. Và việc sa thải những người trẻ tuổi sẽ rẻ hơn là sa thải những người lao động lớn tuổi. Vì vậy, khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu nổ ra, những người trẻ tuổi là những người đầu tiên gánh chịu gánh nặng. Theo báo cáo của tạp chí The Economist của Anh, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động dưới 25 tuổi ở Liên minh châu Âu là 20%, ở Nam Âu tỷ lệ này còn cao hơn.

Theo The Guardian, dữ liệu cho thấy Ý là nơi không phù hợp nhất để những người trẻ tuổi 'tồn tại': nguồn lực của đất nước dành cho những người từ 20 đến 44 tuổi thấp hơn mức trung bình của cả nước. Ở lứa tuổi này, người càng trẻ thì càng ít được hưởng lợi từ nhà nước. Trái ngược hoàn toàn, những người từ 70 đến 79 tuổi có thể sống thoải mái ở Ý.

Beppe Severgnini là phóng viên chuyên mục của tờ báo Ý, Corriere della Sera. Vào năm 2013, ông đã từng đăng một bài báo trên tờ "New York Times", nói rằng thế hệ trẻ của Ý không chỉ đang phải vật lộn để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế dài nhất hiện nay, mà còn với chúng ta - thế hệ trước của họ.

Severnini giải thích rằng: Lương hưu chiếm 14% GDP của Ý và 57% chi tiêu xã hội. Không có quốc gia nào khác ở châu Âu chi nhiều tiền như vậy để giúp người già sống thoải mái. Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng gia tăng khiến nhiều người nản lòng và từ bỏ ý định tìm việc. Theo dữ liệu do chính phủ Ý công bố, 3 triệu người Ý (một nửa trong số đó là thanh niên) đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm. Con số này cao hơn 1/3 so với mức trung bình của EU.

Áp lực nhà cửa chẳng trừ một ai: Thế hệ trôi dạt không ổn định của Pháp - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


Ngay cả khi họ tìm được việc làm, mức lương ít ỏi cũng không đủ để thanh niên Italy có cuộc sống sung túc. Tờ New York Times cho biết mức lương trung bình hàng tháng của "thế hệ 8X" ở nước này là khoảng 1.000 euro (khoảng 25,7 triệu đồng), chỉ đủ cho cuộc sống cơ bản, không có khả năng mua nhà và ổn định cuộc sống.

Ở Đức, nơi nền kinh tế hoạt động tương đối tốt trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thế hệ trẻ nhìn chung không hài lòng với thu nhập của họ. Theo tờ Die Zeit của Đức, theo dữ liệu khảo sát của Liên đoàn Công đoàn Đức (DGB), mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên dưới 35 tuổi là 2.131 euro (khoảng 55 triệu đồng) thấp hơn 600 euro so với người lao động trên 35 tuổi. 52% người lao động dưới 35 tuổi tin rằng mức lương của họ không tương xứng với đóng góp của họ trong công việc.

Nghịch lý thu nhập khiến người trẻ phải "ăn bám". Danielle Nichols, 25 tuổi, đến từ Essex, Anh, làm lễ tân sau khi tốt nghiệp đại học, hiện đang học nha khoa ở Luân Đôn, học phí do bà nội 71 tuổi chi trả.

"Tôi cũng muốn có nhà riêng, nhưng điều này sẽ không thể thành hiện thực được trong một thời gian dài... Chi phí sinh hoạt ở London quá cao" , Nichols nói.

Theo China Youth On Line


Theo Như Quỳnh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên