MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực tâm lý - nỗi niềm khó nói tại nhiều ngân hàng trên thế giới

09-06-2019 - 15:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Trên Billions, chương trình về các quỹ phòng hộ, các nhà giao dịch của công ty ảo Axe Capital thường xuyên tham gia các buổi trị liệu tại nhà với bác sĩ tâm lý. Trên thực tế, các chuyên gia tài chính hiếm khi tìm kiếm sự giúp đỡ về vấn đề này..

Trên Phố Wall và London, sự hăng hái và thái độ “luôn luôn sẵn sàng” thường được ưa chuộng, và mọi người thường tránh tiết lộ những gì họ coi là điểm yếu.

2/3 người làm việc trong ngành tài chính đã gặp phải các vấn đề tâm lý do công việc hoặc liên quan tới công việc, theo một khảo sát năm 2018. Cuộc khảo sát “Sức khỏe tâm lý nơi làm việc” đã thu kết quả từ hơn 4.600 người lao động Anh thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.

Nhiều người không phản ánh lại với cấp trên vì lo ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này.

“Chắc chắn vẫn còn sự kỳ thị”, Beth Robotham, giám đốc điều hành Goldman Sachs tại London cho biết.

“Pháp luật đáng lẽ phải bảo vệ người dân khỏi phân biệt đối xử và các nhà quản lý đang cố gắng hết sức, nhưng sẽ là quá ngây thơ nếu cho rằng vấn đề này đã được giải quyết”.

Áp lực tâm lý - nỗi niềm khó nói tại nhiều ngân hàng trên thế giới - Ảnh 1.

Nhóm chăm sóc tâm lý ban đầu tại văn phòng Goldman Sachs London. Ảnh: Reuters.

Robotham từng gặp khủng hoảng vì lo lắng khi cô chịu trách nhiệm tuyển nhân viên ngân hàng cho mảng chăm sóc sức khỏe tại Goldman ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) vào năm 2010. Cô đã phải mất hàng tháng trời mới có thể nói với cấp trên và tìm kiếm sự giúp đỡ.

“Tôi cứ ngỡ mình không đủ tiêu chuẩn làm việc trong môi trường này, vậy nên tốt nhất là giữ im lặng hoặc sớm bị đào thải”, cô nói.

Robotham, phó chủ tịch của Liên minh Sức khỏe tâm thần thành phố, tổ chức thúc đẩy sức khỏe tâm lý của lực lượng tài chính tại London, là một trong nhiều giám đốc điều hành chọn cách công khai những vấn đề cá nhân để người khác biết rằng họ không đơn độc.

Chịu đựng trong yên lặng

Mọi người có thể trải qua sự lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác dù công việc của họ là gì đi nữa.

Lịch trình làm việc khắc nghiệt có thể khiến áp lực thêm chồng chất. Những đêm thức trắng và 100 giờ làm việc mỗi tuần không phải điều gì xa lạ trong các ngân hàng đầu tư, đặc biệt là khi dàn xếp các thỏa thuận hoặc phát hành công cụ nợ hoặc vốn.

Khoảng 44% nhân viên ngân hàng cho biết họ cảm thấy áp lực quá mức khi làm việc, theo một khảo sát với hơn 70.000 người được thực hiện bởi Banking Standard Board của Anh vào năm ngoái. 25% nói rằng làm việc ở đó không tốt cho sức khỏe của họ.

Trong những năm gần đây, ngân hàng đã cố gắng giảm khổi lượng công việc, nới lỏng quy định về đồng phục và cho nhân viên dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào cuộc sống bên ngoài, với mục đích giữ chân người tài và tránh làm việc quá sức,

Nhưng những nhân viên ngân hàng với vấn đề tâm lý, đặc biệt những người mới vào nghề, thường không muốn tiết lộ vấn đề do lo ngại cấp trên nghĩ họ không có khả năng theo kịp công việc.

Matt Evans, người đứng đầu toàn cầu về tuyển dụng ngân hàng đầu tư và là người đứng đầu tuyển dụng toàn diện cho EMEA tại JPMorgan, cho biết ông đã dành gần 20 năm che giấu cuộc đấu tranh với chứng trầm cảm cho đến khi chiến dịch This Is Me của ngân hàng năm 2017 khuyến khích ông chia sẻ kinh nghiệm bản thân.

"Tôi chẳng thiệt gì khi kể câu chuyện của mình. Sự hỗ trợ mà tôi nhận được là vô cùng to lớn", ông nói. "Tôi đã được đề nghị trở thành MD (bác sĩ y khoa) sau khi tiết lộ tình trạng bản thân".

Evans gần đây được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và nghỉ ba tháng vào năm ngoái. Ông trở lại làm việc vào tháng 12 và nói rằng ông “tin tưởng 100%” rằng việc nghỉ sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của ông.

Nhưng không phải ai cũng có được sự tự tin về vấn đề sức khỏe tâm thần như vậy.

Mặc dù phân biệt đối xử với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần là bất hợp pháp, hơn một nửa trong số 2.000 công nhân Anh được điều tra bởi công ty công nghệ y tế Mynurva sợ rằng quản lý của họ sẽ cản trở cơ hội thăng tiến, trong khi 57% tin rằng việc tiết lộ sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ với đồng nghiệp.

Tiến sĩ Zain Sikafi, CEO của Mynurva, cho biết: "Những phát hiện cho thấy các nhân viên sợ hãi và bối rối khi tiết lộ tình trạng của họ với cấp trên. Điều này giải thích tại sao các chuyên gia thà chịu đựng trong im lặng hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết".

Áp lực tâm lý - nỗi niềm khó nói tại nhiều ngân hàng trên thế giới - Ảnh 2.

Beth Robotham, giám đốc điều hành tại Goldman Sachs tại London. Ảnh: Reuters.

Người trị liệu sức khỏe tâm lý

Một trong bốn người sẽ bị ảnh hưởng bởi rối loạn tâm thần hoặc thần kinh tại một số thời điểm trong cuộc sống, và nền kinh tế thế giới ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD cho năng suất bị mất, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Brian Heyworth, người đứng đầu chiến lược khách hàng toàn cầu tại HSBC và chủ tịch của Liên minh Sức khỏe Tâm thần Thành phố, muốn HSBC và những ngân hàng khác giúp đỡ nhân viên trước khi bệnh của họ trầm trọng thêm.

"Trong một tổ chức gồm 235.000 người, một số người có ý nghĩ tự tử nhưng nhiều người khác cũng có xu hướng suy nghĩ về điều đó. Chúng tôi muốn dự đoán và ngăn chặn việc này", ông nói.

HSBC đang xem xét việc thuê các cố vấn tại chỗ như một phần trong sáng kiến "Healthiest Human System”của CEO John Flint.

Nhân viên tư vấn tại chỗ đầu tiên ở Anh của JPMorgan sẽ bắt đầu làm việc tại các văn phòng của ngân hàng tại Canary Wharf ở London vào mùa hè này.

Ngân hàng đã có các cố vấn toàn thời gian tại 9 địa điểm ở Mỹ, bao gồm New York, Delkn, Chicago và Texas và cũng cung cấp Resiliense App, đưa ra các mẹo quản lý căng thẳng.

Goldman Sachs đang lên kế hoạch đào tạo hàng chục nhân viên tại Anh trở thành những người sơ cứu về sức khỏe tâm thần, giúp phát hiện ra những dấu hiệu căng thẳng hay lo lắng từ đồng nghiệp - bao gồm thay đổi về ngoại hình, thói quen làm việc hoặc thói quen xã hội, Robotham nói.

Goldman cũng đã đưa ra một chương trình thực tập có lương tại Mỹ cho những người được chẩn đoán là 'đa dạng thần kinh'. Đa dạng thần kinh bao gồm một loạt các khác biệt về thần kinh bao gồm tự kỷ, chứng khó đọc, rối loạn phát triển và tình trạng sức khỏe tâm thần.

Khi số người công khai về sức khỏe tâm thần tăng lên, các nhà quản lý Anh không cung cấp đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên có thể bị kiện theo Đạo luật Quản lý Sức khỏe và An toàn nơi làm việc 1999, buộc chủ lao động phải đánh giá bản chất và quy mô rủi ro sức khỏe trong công việc, bao gồm cả căng thẳng.

Matthew Cole tại công ty luật Prettys nói: "Tác hại và bất lợi cho người quản lý xuất phát từ những vấn đề này không đơn thuần chỉ là tài chính, mà còn có thể gây thiệt hại lớn hơn cho danh tiếng, hình ảnh công cộng, năng suất và khả năng duy trì".

Cole cho biết ông đã không thấy bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về số lượng nhân viên gây thiệt hại cho công ty do các vấn đề liên quan tới căng thẳng nhưng cho biết các công ty rất nhạy cảm với rủi ro.

"Nếu một nhân viên rơi vào tình trạng tâm lý ngăn cản họ làm việc trong một môi trường nơi họ có thể kiếm được lương 6 con số, thì đó có thể là trách nhiệm pháp lý đáng kể”.

Phòng bệnh thì rẻ hơn nhiều. Tổ chức Sức khỏe Tâm thần của Anh ước tính rằng hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc có thể giúp các doanh nghiệp Anh tiết kiệm tới 8 tỷ GBP mỗi năm.

Tổ chức này tính phí cung cấp thông tin và lời khuyên về sức khỏe tâm thần qua mạng và qua các hội thảo ở mức khoảng 80 GBP mỗi nhân viên mỗi năm.

Heyworth đã phải đấu tranh với sự lo lắng và trầm cảm từ khi còn nhỏ và được HSBC thuê sau một thời gian rời khỏi Bank of America. Ông biết rằng mình là một trong những người may mắn, cả hai ngân hàng đều biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần của ông và đã hỗ trợ.

"Đừng nhầm lẫn, chúng tôi vẫn chỉ mới bắt đầu hành trình này", ông nói.

"Điều tích cực là ngày càng có nhiều người yêu cầu giúp đỡ, nhưng chúng tôi cần chấp nhận rằng có lẽ còn nhiều người khác cần được giúp đỡ hơn. Giai đoạn tiếp theo của thử thách là tạo ra những điều kiện giúp đảo ngược xu thế đó."

Theo Minh Ngọc

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên