Áp lực từ lãi suất tăng
Mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng đang gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
- 25-08-2022“Đề nghị xem xét nâng tín dụng thêm 1-2%”
- 25-08-2022TP.HCM: Room tín dụng còn khoảng 150.000 tỷ đồng
- 25-08-2022Tỷ giá vọt tăng trên thị trường tự do
Tăng lãi suất để thu hút tiền gửi
Theo quan sát của phóng viên, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 8. Chẳng hạn, ACB vừa tăng lãi suất huy động thêm 0,3-0,5%, nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,7% lên 6%; 9 tháng từ 5,9% lên 6,2%; 12 tháng từ 6,1% lên 6,4%/năm. Ngoài ra, ACB còn có sản phẩm tiền gửi với lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.
VPBank cũng vừa tăng thêm 0,4% lãi suất cho người gửi tiền. Theo đó, tuỳ từng loại sản phẩm, hình thức gửi, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức từ 5,8-6,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,4-6,3%/năm. Ngoài ra VPBank còn có sản phẩm tiền gửi online, trong đó lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 7%/năm, song với điều kiện phải gửi số tiền lớn là 50 tỷ đồng.
Lãi suất huy động tăng hấp dẫn người dân gửi tiền.
Một số ngân hàng khác cũng tung ra các sản phẩm tiền gửi với lãi suất hấp dẫn để thu hút người gửi tiền. Như SeABank có sản phẩm tiền gửi với lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm dành cho khách hàng có số dư tiền gửi trên 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Bên cạnh đó, nhà băng nay còn huy động vốn bằng hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu 100 triệu đồng, trong đó kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,85%/năm; kỳ hạn 24 tháng lãi suất 7,7%/năm…
Nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối cũng đã nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 5,6%/năm để giữ chân khách hàng trước xu hướng tăng lãi suất trong thời gian qua.
Theo nghi nhận của phóng viên, hiện mức lãi suất trên 7%/năm xuất hiện ở khá nhiều ngân hàng, song chủ yếu nằm ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng và dành cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. Chẳng hạn, SCB lãi suất 7,55%/năm kỳ hạn 18 tháng dành cho người gửi tiền trực tuyến; Vietcapital Bank, NamABank, CB… cũng là những ngân hàng đang có lãi suất tiết kiệm cao trên 7%/năm.
Không chỉ có các ngân hàng truyền thống tăng lãi suất, ngân hàng số Cake by VPBank cũng mới tăng lãi suất thêm 0,2% đối với hầu hết các kỳ hạn. Hiện ngân hàng này có mức lãi suất huy động cao nhất là 7,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, 7,6%/năm với kỳ hạn 24 tháng, 7,5%/năm kỳ hạn 12 tháng, 6,9%/năm kỳ hạn 6 tháng, 3,9%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 3,8%/năm với kỳ hạn 1 tháng…
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc các nhà băng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua cũng là điều khó tránh do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Thứ hai là hiện nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh, kéo theo nhu cầu tín dụng tăng nhanh trở lại, trong khi nguồn vốn huy động lại đang bị chia sẻ bởi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…
“Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn không theo kịp khiến thanh khoản của các ngân hàng khó khăn hơn, buộc họ phải tăng lãi suất huy động để hút vốn”, vị này cho biết.
Linh hoạt hóa giải áp lực
Tuy nhiên, việc mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng đang gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ ngày càng rõ. Đơn cử như tác động “vòng hai” của lạm phát đã hiện hữu qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc NHNN, ngành Ngân hàng đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên” khi mà người dân gửi tiền thì mong lãi suất cao để bù đắp lạm phát, trong khi doanh nghiệp đi vay lại muốn lãi suất giảm. Hay như doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng, còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh…
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ luôn kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, đặt an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng việc duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng bởi khi hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh thì mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phải là mục tiêu quan trọng hàng đầu bởi đó là tiền đề, là điều kiện căn bản để giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Hiện lạm phát đang là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, áp lực lạm phát đang tăng là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Ngân hàng HSBC đánh giá lạm phát toàn phần tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái do yếu tố giá dầu thế giới giảm và trong nước Chính phủ cắt giảm thuế môi trường trong giá xăng, dầu. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm tăng 1,4% so với tháng trước (ngoại trừ gạo) và các mặt hàng đều tăng giá đáng kể, từ thịt lợn, dầu ăn đến rau củ, do chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi cao hơn.
HSBC dự báo, áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% trong một vài quý.
Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị, NHNN cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, song cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đạt được mục tiêu kép, đó là vừa kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; vừa hỗ trợ nền kinh tế tận dụng cơ hội để phục hồi và bứt phá.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng dường như vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% - NHNN cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Thời báo ngân hàng