Áp trần giá dầu Nga: Bước đi có thể lệch đường ray
Ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên, những tính toán giữa hai bờ Đại Tây Dương và cách mà Nga ứng xử với biện pháp trừng phạt mới này có thể dẫn vấn đề phát triển theo hướng khác.
- 07-12-2022Nga cân nhắc áp ‘giá sàn’ cho dầu mỏ của mình với G7
- 07-12-2022'Cứng' như Nga: Phương Tây áp giá trần 60 USD/thùng, Nga vẫn bán dầu ở mức 79 USD
- 06-12-2022Phép thử mới với giới hạn giá dầu của Nga
Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Chiến lược nhiều kẽ hở
Theo biện pháp được thống nhất, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 5/12/2022 nhưng sẽ có 45 ngày quá độ nhằm đảm bảo các tàu đã tải hàng trước ngày 5/12/2022 có thể tiếp tục hành trình và dỡ hàng trước ngày 19/1/2023 mà không vi phạm các quy định mới. Mức giá trần ban đầu sẽ là 60 USD/thùng và sẽ được xem xét lại cứ sau mỗi 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng mức giá trần mới thấp hơn 5% so với giá trung bình của dầu thô Nga được quy định bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IEA). Mọi thay đổi về giá trần sẽ phải có sự đồng thuận tuyệt đối của 27 nước EU và tiếp đó là G7. Đồng thời, mỗi lần thay đổi cần có 90 ngày ân hạn để đảm bảo không có tàu nào trên biển mang theo dầu thô Nga ở mức giá không đúng với thay đổi mới.
Biện pháp được thống nhất cũng quy định các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm của G7 và EU cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu thô Nga cũng như những cơ cấu tài trợ cho các giao dịch dầu thô Nga không được xử lý các đơn hàng trừ phi dầu thô đó được bán với giá thấp hơn hoặc bằng mức giá trần. Các công ty vận chuyển tàu biển cũng không được cung cấp tàu để vận chuyển dầu thô Nga trừ phi dầu thô đó được mua với giá thấp hơn hoặc bằng mức giá trần quy định là 60 USD/thùng. Các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính và vận chuyển dầu thô của Nga coi là được phép nếu giá dầu thô Nga được giao dịch ở mức giá thấp hơn hoặc bằng giá trần hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Các dự án cụ thể cần thiết cho an ninh năng lượng của một số quốc gia bên thứ ba cũng có thể được miễn áp dụng mức giá trần này.
Về chế tài, nếu tàu treo cờ quốc gia bên thứ ba cố ý vận chuyển dầu thô Nga được giao dịch ở mức giá cao hơn giá trần, các nhà khai thác EU bị cấm cung cấp dịch vụ, bảo hiểm, tài trợ cho chiếc tàu này trong 90 ngày sau khi hàng đã được dỡ xuống. Các tàu treo cờ thành viên EU sẽ bị phạt theo luật pháp quốc gia đó và EU cũng đang tìm cách thống nhất quy chế về mức phạt tương đương 5% doanh thu toàn cầu đối với các công ty vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Khi thiết kế các biện pháp nêu trên, phương Tây muốn hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga từ đó khiến việc tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga gặp khó khăn. Tuy nhiên, phải thấy rằng nếu giá trần được thiết kế ở mức 50 USD/thùng có thể gây nhiều khó khăn cho Nga, nhưng với mức 60 USD/thùng, Nga chí ít đang ở “điểm hoà vốn tài chính”. Cho nên, theo chuyên gia năng lượng Simone Tagliapietra thuộc Viện Nghiên cứu Bruegel (Bỉ), ở điều kiện thị trường hiện nay, mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga sẽ không gây phương hại cho Moskva.
Ở khía cạnh khác, các biện pháp chế tài của phương Tây nhằm vào các hãng tàu biển và bảo hiểm, nhưng Nga sớm chuẩn bị biện pháp đối phó. Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad, Nga đã âm thầm tập hợp 103 tàu chở dầu lâu năm. Từ đầu năm 2022, Nga đã nắm quyền kiểm soát số tàu chở dầu này bằng cách mua một số tàu và sử dụng lại một số tàu từng vận chuyển dầu đến, đi từ Iran hoặc Venezuela. Bên cạnh đó, Nga cũng củng cố các công ty bảo hiểm của riêng mình. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tái cấp vốn và bảo lãnh giúp Công tỷ tái bảo hiểm quốc gia Nga (NRCR) có đủ năng lực để thay thế bảo hiểm hàng hải của châu Âu.
Ngoài việc thay đổi các chuỗi logistics để ứng phó với việc phương Tây áp trần giá dầu thô, theo các chuyên gia, Nga còn có thể “lách luật” bằng cách bán dầu thô theo đúng quy định của phương Tây, nhưng buộc bên mua dầu thô Nga phải trả giá cao hơn khi mua lúa mì hay mặt hàng không bị phương Tây trừng phạt. Một cách nữa là Nga cũng bán bán dầu thô theo đúng quy định của phương Tây rồi xử lý hoặc tinh chế chúng bên ngoài lãnh thổ xong tiếp tục bán với giá cao hơn. Việc này không vi phạm quy định liên quan của phương Tây. Tinh vi hơn, Nga có thể sử dụng biện pháp chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác trên biển để che giấu nguồn gốc hàng hoá cũng như trộn hàng của họ với các loại dầu thô khác để lách lệnh cấm.
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở Gubkinsky, tây Siberia, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Rủi ro không chỉ với phương Tây
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 6/12, phương Tây áp giá trần với dầu thô của Nga đã vi phạm các nguyên tắc vận hành kinh tế cơ bản, khiến sự phân rã thị trường thế giới sẽ trở thành hiện thực. Ông Ryabkov cũng cảnh báo phương Tây sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trên thị trường năng lượng trong khi Moskva dễ dàng tìm ra khách hàng mới có nhu cầu về dầu mỏ.
Trên thực tế, sau khi quy định áp giá trần đối với dầu thô Nga có hiệu lực, Ấn Độ đã phát tín hiệu rằng nước này sẽ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình và tiếp tục mua dầu từ Nga. Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Đức Annalena Baerbock hôm 5/12, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng các nước châu Âu hành động "không phải" khi họ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình nhưng lại yêu cầu Ấn Độ làm "điều gì đó khác". Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga. Các khách hàng mua dầu thô của Nga có thể “lách luật” bằng cách sử dụng đội tàu của mình, thành lập các công ty bảo hiểm để thay thế cho các doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của phương Tây.
Có thể nói, phương Tây đã thành công khi đồng lòng áp trần giá dầu thô Nga, nhưng hiệu quả như thế nào cần phải quan sát. Hiện tại, như tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 6/12, trong bối cảnh tình hình bất ổn như hiện nay, Nga có thể giảm sản lượng dầu mỏ. Điều này có nghĩa nguồn cung dầu mỏ sẽ giảm xuống bởi tại cuộc họp ngày 4/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ như hiện tại.
Cùng với việc Trung Quốc nới lỏng hạn chế biện pháp phòng chống COVID-19, tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng lên. Theo trợ lý Giáo sư Suranjali Tandon thuộc Viện Chính sách và Tài chính công Quốc gia có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ), sáng kiến áp giá trần đối với dầu thô Nga có thể có tác động tiêu cực hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu. Bởi giá dầu tăng cao có thể dẫn đến những khó khăn chính trị cho các quốc gia đang đối phó với sự gia tăng bất bình đẳng và cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Quan trọng hơn, việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga sẽ khiến phương Tây chia rẽ thêm. Trong chương trình của CBS ngày 4/12, Tổng thống Pháp Emmunuel Macron cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Mỹ và EU có sự khác biệt lớn. Nguyên nhân là EU chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ nước ngoài trong khi Mỹ là nhà sản xuất nhiên liệu hoá thạch. Đối với EU, theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 5/12, khối này nên tập trung đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay thay vì cố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và khối này đang thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ do xung đột Nga – Ukraine.
Báo Tin Tức