MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple âm thầm siết quy định bảo hành, người mua iPhone VN/A trôi nổi có thể bị từ chối bảo hành

27-10-2021 - 19:09 PM | Thị trường

Apple vừa gửi thông báo tới các đại lý về việc có thể sẽ từ chối bảo hành với các trường hợp người mua iPhone chính hãng nhưng không có hoá đơn từ nhà bán lẻ. Việc này nhằm ngăn chặn tình trạng dân buôn mua đi bán lại iPhone kiếm lời trong thời gian gần đây.

Theo thông tin từ một hệ thống bán lẻ lớn, bộ phận bảo hành của Apple tại Việt Nam vừa gửi thông báo đến các đại lý về việc có thể sẽ từ chối tiếp nhận bảo hành với iPhone chính hãng nhưng không có hoá đơn mua hàng.

Ngoài ra, một số đại lý bán hàng chính hãng nhưng chỉ xuất hoá đơn thường - không xuất hoá đơn VAT cũng có thể khiến khách hàng gặp khó khăn khi bảo hành sau này bởi hoá đơn VAT của các đại lý uỷ quyền đã được Apple chứng nhận mẫu để so sánh khi khách hàng đem sản phẩm đi bảo hành.

"Đơn vị bảo hành có thể sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin căn cước công dân để xác thực thông tin. Nếu thông tin không khớp với hoá đơn, khách có thể bị từ chối bảo hành", nguồn tin từ đại lý cho biết.

Apple âm thầm siết quy định bảo hành, người mua iPhone VN/A trôi nổi có thể bị từ chối bảo hành - Ảnh 1.

Người mua iPhone 13 trôi nổi có thể bị từ chối bảo hành.

Quy định này được áp dụng với các sản phẩm mới mở bán từ tháng 10/2021 gồm iPhone 13 Series, Apple Watch Series 7 hay sắp tới là các dòng MacBook mới.

Trước đây, chỉ cần là iPhone chính hãng Việt Nam (mã VN/A), người dùng sẽ được tiếp nhận bảo hành theo quy chuẩn của Apple tại Việt Nam nếu sản phẩm còn thời hạn bảo hành. Tuy nhiên, nếu quy định mới này được áp dụng triệt để, một bộ phận người dùng iPhone 13 chính hãng có thể chịu thiệt thòi.

Nguyên nhân được cho là bởi thời gian gần đây iPhone 13 khan hàng trên diện rộng tại Việt Nam. Do đó, thị trường xuất hiện tình trạng "cò lái" đặt mua iPhone chính hãng, sau đó bán lại để ăn chênh kiếm lời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Để hạn chế tình trạng này, một số đại lý đã yêu cầu khách mua iPhone 13 series chính hãng phải bóc hộp và kích hoạt máy ngay tại cửa hàng. Tuy nhiên, iPhone 13 chính hãng vẫn xuất hiện trên thị trường ngoài khá nhiều trong khi đại lý uỷ quyền của Apple thì báo hết hàng.

"Đây được xem là động thái mạnh tay của Apple để giúp ổn định thị trường iPhone tại Việt Nam", ông Nguyễn Lạc Huy – đại diện CellphoneS nhận định.

Theo ông Huy, cách làm này có thể khiến một số khách hàng đã mua iPhone VN/A theo diện "sang tay" ở Việt Nam trong thời gian qua chịu thiệt thòi bởi thông tin của họ cá nhân của họ chắc chắn không trùng khớp với hoá đơn mua hàng. Đó là chưa kể đến việc nhiều người mua máy không yêu cầu hoá đơn.

 Với những khách hàng có ý định mua iPhone 13 mới, vị này đưa ra ra khuyến nghị khách hàng nên mua iPhone tại các hệ thống uỷ quyền của Apple, yêu cầu nhà bán lẻ xuất hoá đơn VAT đầy đủ, hạn chế mua trôi nổi từ bên ngoài để tránh gặp rắc rối sau này. "Một số đại lý sẽ tự động gửi hoá đơn VAT điện tử vào email của khách hàng để lưu trữ lâu dài, tránh thất lạc".

iPhone 13 chính hãng mở bán tại Việt Nam từ ngày 22/10. Hầu hết đại lý đều ghi nhận doanh số tăng mạnh so với năm ngoái, phần nhiều là do năm nay lượng hàng xách tay về nước chỉ bằng khoảng 10% so với mọi năm.

Apple âm thầm siết quy định bảo hành, người mua iPhone VN/A trôi nổi có thể bị từ chối bảo hành - Ảnh 2.

iPhone 13 được bán với giá lần lượt 22 triệu đồng cho 13 mini, 25 triệu đồng cho bản 13, 31 triệu đồng cho 13 Pro và 34 triệu đồng cho 13 Pro Max, tất cả đều là bản dung lượng thấp nhất. Tuy nhiên, khá nhiều đại lý đang áp dụng các chương trình khuyến mại – giảm giá 1-2 triệu đồng so với mức niêm yết kể trên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại hầu hết đại lý đều đã hết hàng. Người dùng nếu muốn mua sản phẩm sẽ phải đặt hàng và đợi đến đợt giao hàng sau, dự kiến vào tháng 11.

Trước đó vào tháng 4, Apple cũng đã âm thầm thay đổi cách bảo hành iPhone chính hãng cho thị trường Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm bảo hành tại trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple sẽ được thay thế các linh kiện gặp sự cố như bảng mạch, FaceID… Nếu một bộ phận nào đó không thể thay thế, Apple mới tính đến việc đổi mới sản phẩm – thay vì cứ gặp lỗi là một đổi một như trước.

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên