Argentina đứng trước nguy cơ lặp lại siêu lạm phát
Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990 khi siêu lạm phát xảy ra, các nhà kinh tế dự đoán giá tiêu dùng ở Argentina đạt mức 3 con số.
Các nhà kinh tế ở Argentina đang dự đoán giá cả ở quốc gia này sẽ tăng 100% vào tháng 12. Với dự báo này, quốc gia Nam Mỹ vẫn đang chuẩn bị ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới trong số các nền kinh tế lớn.
Dự báo này được đưa ra sau cuộc khảo sát hàng tháng của NHTW Argentina và là lần đầu tiên các nhà kinh tế tư nhân dự đoán lạm phát chạm mức 3 con số. Đây là mức chưa từng thấy ở Argentina kể từ đầu những năm 1990, khi tình trạng siêu lạm phát nhấn chìm nền kinh tế. Tháng 8, lạm phát ở quốc gia này đã là 79%.
Trong gần 3 năm lãnh đạo, Tổng thống Alberto Fernandez đã nỗ lực kiểm soát giá cả, đồng nội tệ và hạn chế nhập khẩu nhưng lại không có một kế hoạch tổng thể được đánh giá là đáng tin cậy. Một loạt các chính sách đã được đưa ra nhưng cũng không thể xoa dịu mối lo ngại của người dân Argentina về việc đồng nội tệ sụt giá mạnh, kể từ khi chính phủ kiểm soát tỷ giá hối đoái và lượng dự trữ tiền mặt ngày càng cạn kiệt.
Theo cuộc khảo sát, các nhà kinh tế dự đoán tỷ giá đồng peso trong năm nay sẽ là 173 đổi 1 USD và đến cuối năm sau, tỷ giá sẽ đạt mức 310 đổi 1 USD. Do đó, kỳ vọng lạm phát đối với Argentina sẽ trở nên u ám hơn.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Argentina đối mặt với những rủi ro về kinh tế.
Carlos Gervasoni – phó giáo sư và chủ nhiệm khoa học chính trị Đại học Torcuato Di Tella ở Buenos Aires, cho biết: “Đối với những người đã sống rất lâu ở đất nước này như tôi, thì điều này như cảm giác ‘déjà vu’. Câu chuyện kinh tế khá giống nhau, chỉ có những yếu tố khác nhau mà Argentina phải đối mặt sau mỗi 5 hoặc 10 năm.”
Nguyên nhân do đâu?
Argentina đã liên tục chiến đấu với lạm phát bắt nguồn từ những năm 1980, thậm chí còn sớm hơn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng với mâu thuẫn Nga – Ukraine dâng cao, nguồn cung lương thực và năng lượng sụt giảm, đã gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn. Gần 4/10 người Argentina hiện đang sống dưới mức nghèo. Nền kinh tế - vốn bị USD hóa, đang sử dụng hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Một số người dân đã phải trao đổi sữa để lấy tã bỉm. Trong khi đó, một số khác phàn nàn rằng giá cả thường xuyên biến động khiến họ không biết giá của một tờ báo hay một bao gạo cho đến khi đến quầy thu ngân. Khách du lịch đến Argentina nếu dùng thẻ tín dụng sẽ phải trả thuế gần 50% cho các giao dịch.
Với tình trạng thâm hụt tài khóa liên tục, NHTW Argentina đẩy mạnh việc in thêm tiền và càng đẩy giá trị của đồng peso xuống thấp hơn, khiến lạm phát leo thang. NHTW Argentina hồi tháng trước đã tăng lãi suất cho vay lên gần 70% để kiểm soát lạm phát, nhưng động thái như vậy lại cản trở hoạt động đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chưa dừng ở đó, Argentina cũng đang phải “ôm” khoản nợ lớn. Quốc gia này vẫn nợ IMF 40 tỷ USD sau khi nhận gói cứu trợ năm 2018, nhưng lại vay thêm khoảng 44 tỷ USD khác vào đầu năm nay. Rủi ro vỡ nợ với Argentina ngày càng lớn và sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều.
Trong quá khứ, Argentina đã có một lần vỡ nợ. Kể từ khi gia nhập IMF vào năm 1956, quốc gia này đã ký kết 22 chương trình hỗ trợ tài chính với tổ chức này. Trong đó, đáng chú ý nhất là thời điểm khủng hoảng tài chính Argentina 2001 khi không thể thanh toán khoản vay 21,6 tỷ USD từ IMF. Quốc gia này cũng phải tạm hoãn các khoản thanh toán trái phiếu trị giá 95 tỷ USD cho các chủ nợ khác.
Vào đầu những năm 1990, Argentina thậm chí còn giàu hơn cả Pháp và Đức. Người nhập cư đã kéo đến quốc gia này, với những lời hứa hẹn về việc làm trong ngành sản xuất và nông nghiệp. Tuy nhiên, vị Thủ tướng khi đó là Juan Perón chỉ đưa ra những lời “hứa suông” về dịch vụ xã hội, lương hưu và quan hệ lao động. Năm 1950, hoạt động xuất khẩu vốn bùng nổ sau chiến tranh của Argentina dần kết thúc, còn lạm phát và tham nhũng lại gia tăng.
Argentina được coi là một trong những quốc gia có hệ thống phúc lợi quy mô lớn nhất trong các nước đang phát triển, với các khoản trợ cấp tiện ích, phương tiện đi lại và hưu trí cho toàn bộ công dân. Theo Gervasoni, 1 người Argentina trung bình trả số tiền điện tương đương dưới 5 USD/tháng. Ngược lại, các hộ gia đình Ý và Đức phải trả hơn 230 USD và 270 USD.
Nhằm nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trong nước và kiếm doanh thu, chính phủ Argentina chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Đầu năm nay, quốc gia này đã tăng thuế xuất khẩu đối với đậu tương đã chế biến – một trong những loại hàng hóa hàng đầu của nước này, lên 33% để giúp người nông dân.
Trong khi cố gắng duy trì một chương trình phúc lợi quy mô lớn và các khoản trợ cấp hào phóng, chính phủ Argentina lại không đủ tài chính để kéo dài. Euduardo Levy Yeyati – cựu kinh tế gia trưởng tại NHTW Argentina, cho biết: “Đó là một câu hỏi hóc búa đối với chính phủ vì họ nhận ra rằng mọi thứ đang tệ đi.”
Tham khảo Bloomberg; FP
Nhịp sống thị trường