MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Argentina muốn dùng đồng USD làm tiền chính thức thay thế Peso

21-11-2023 - 18:25 PM | Tài chính quốc tế

Tân Tổng thống mới đắc cử của Argentina đang có kế hoạch thay thế đồng Peso bằng USD làm tiền chính thức trong nền kinh tế.

Argentina muốn dùng đồng USD làm tiền chính thức thay thế Peso - Ảnh 1.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Tổng thống Argentina mới đắc cử, ông Javier Milei mới đây đang có kế hoạch từ bỏ đồng Peso để sử dụng đồng USD làm tiền tệ chính thức của nước này.

Động thái của Tổng thống Milei là để nhằm chống lại tình trạng lạm phát tràn lan nhiều thập kỷ qua tại nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Mỹ Latinh. Kế hoạch mới sẽ loại bỏ đồng Peso khỏi lưu thông và tước bỏ quyền in tiền của Ngân hàng trung ương Argentina, đồng thời đóng cửa luôn cơ quan này.

"Việc đóng cửa Ngân hàng trung ương là một quyết định phù hợp về mặt đạo đức", Tổng thống Milei nói thẳng vào cuối tuần trước.

Các chuyên gia kinh tế cho biết việc in tiền mất kiểm soát để trang trải những chi tiêu công đã khiến Argentina có mức lạm phát đến 143%, thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên để Quốc hội thông qua được chính sách này cũng như thực hiện kế hoạch đô la hóa của Tổng thống Milei không hề dễ dàng.

Một số nền kinh tế đã từng đô la hóa thành công như El Salvador có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Argentina, đồng thời cũng ít ảnh hưởng đến lợi ích của các bên hơn.

Thêm nữa, việc Argentina đang trên bờ vực phá sản khiến chính phủ nước này chẳng đủ tài chính để thực hiện tham vọng chuyển đổi sang đồng USD làm tiền chính thức. Suốt vài năm trở lại đây, Argentina đã mất khả năng tiếp cận thị trường vay vốn quốc tế do lạm phát quá cao.

"Ít nhất bạn cũng phải tiếp cận được thị trường tín dụng quốc tế để có thể chuyển đổi toàn bộ tiền tệ cơ sở thành đồng USD", chuyên gia kinh tế Alejandro Werner từng làm việc cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định.

Argentina muốn dùng đồng USD làm tiền chính thức thay thế Peso - Ảnh 2.

Tổng thống Argentina Javier Milei

Sau khi chiến thắng cuộc bầu cử vào cuối tuần trước, tân Tổng thống Milei tuyên bố sẽ cải tổ chính phủ Argentina vốn đang quá cồng kềnh.

Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu công, mở cửa nền kinh tế và bán bớt các tập đoàn quốc doanh như công ty dầu mỏ YPF.

Ngay sau tuyên bố trên, giá cổ phiếu của YPF tại New York đã tăng 36% còn tập đoàn dịch vụ tài chính quốc doanh Grupo Financiero Galicia cũng tăng 20%.

Tiền mất giá

Tân Tổng thống Milei từng là một chuyên gia kinh tế và nhà lãnh đạo này cho rằng lạm phát phi mã đã khiến việc tiết kiệm bằng đồng Peso của người dân trở nên vô nghĩa.

Theo WSJ, rào cản lớn nhất với kế hoạch đô la hóa của Tổng thống Milei hiện nay là một Quốc hội bị chia rẽ khi không có một phe cánh chính trị nào chiếm đa số để thông qua được vấn đề.

Một thách thức nữa đến từ Tòa án khi Thẩm phán tối cao Horacio Rosatti cho biết việc thay đồng Peso bằng một đồng tiền ngoại tệ sẽ là hành động vi hiến và vi phạm chủ quyền quốc gia.

Đồng quan điểm, Goldman Sachs nhận định sẽ chẳng có thứ gì là miễn phí trong kinh tế học và việc đô la hóa sẽ khiến nền kinh tế Argentina phải trả giá bằng cách này hay cách khác.

Thêm nữa, việc thu gom đồng USD để đủ lưu thông trong nền kinh tế cũng là một khó khăn cực lớn nếu không có sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế hay chính phủ nước ngoài.

Nếu Argentina thành công chuyển đổi đô la hóa thì nền kinh tế này sẽ gia nhập những nước như Ecuador, El Salvador hay Panama trong việc chấp nhận đồng USD là tiền tệ chính thức.

Về ưu điểm, việc đô la hóa sẽ giúp các quốc gia ổn định được kinh tế hiện nay thông qua kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất cũng như khiến chính phủ không thể in thêm tiền để bù đắp ngân sách, qua đó chống lãng phí đầu tư công.

"Đồng USD không phải là liều thuốc giải bách bệnh, nó không thể thay thế cho việc cải cách lại cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên việc đô la hóa có thể đem lại sự ổn định về mặt danh nghĩa, như tạo ra một môi trường giao dịch tài chính ổn định hơn, kiềm chế lại tỷ lệ lạm phát", Cựu Thống đốc Augusto de la Torre của Ngân hàng trung ương Ecuador từng phát biểu vào thập niên 1990 trước khi nước này chính thức đô la hóa.

Argentina muốn dùng đồng USD làm tiền chính thức thay thế Peso - Ảnh 3.

Khép kín

Tờ WSJ cho biết hầu hết những nhà phân tích đều nhận định việc đô la hóa chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất khi một nền kinh tế có tính hội nhập cao. Trớ trêu thay, Argentine dù là một thành viên của G20 nhưng lại nổi tiếng về tính khép kín.

Cơ cấu kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa thô của Argentina thường theo chu trình khép kín trong nền kinh tế, không giống với những nước như Panama.

Bởi vậy chỉ cần một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ từ Mỹ là có thể làm rung chuyển Argentina nếu nền kinh tế này đô la hóa.

Hiện hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định nếu không có đồng nội tệ riêng, chính phủ Argentina sẽ có rất ít công cụ tài chính để chống lại những cú sốc từ bên ngoài.

"Argentina không có sự linh hoạt để chống lại những cú sốc như giá xuất khẩu hàng hóa thô giảm sâu, biến động giá nông sản, giá dầu tăng cao, nhu cầu thị trường thay đổi vì chiến tranh hay đơn giản là thay đổi lãi suất tiền gửi ở Mỹ", giám đốc Martin Castellano của Viện tài chính quốc tế IIF ở Washington cảnh báo.

Tại El Salvador, quá trình đô la hóa của nước này có sự hỗ trợ cực lớn từ IMF, Ngân hàng thế giới World Bank và Bộ tài chính Mỹ, còn câu chuyện của Argentina thì vẫn chưa rõ sẽ được những tổ chức nào hậu thuẫn.

Theo WSJ, đồng Peso của Argentina đã mất giá đến 90% so với đồng USD trên thị trường chợ đen kể từ năm 2019 đến nay.

Nhiều thống kê cho thấy người dân nước này tích trữ hàng chục tỷ USD ở các tài khoản nước ngoài, cao nhất trong số các nền kinh tế Châu Mỹ Latinh.

Argentina muốn dùng đồng USD làm tiền chính thức thay thế Peso - Ảnh 4.

Tổng thống Milei trong buổi ăn mừng chiến thắng tranh cử

Một số chuyên gia kinh tế ước tính Argentina sẽ cần vay nợ khoảng 30 tỷ USD để đô la hóa nền kinh tế nhưng lại đang không tiếp cận được thị trường tín dụng quốc tế.

Tất nhiên nếu đồng Peso tiếp tục mất giá thì số vốn cần vay nợ có thể ít hơn, nhưng kéo theo đó là gia tăng lạm phát.

"Nền kinh tế Argentina cứ như một bệnh nhân đang nguy kịch vậy. Bạn sẽ phải áp dụng liệu pháp đặc biệt mà chẳng còn cách nào khác", giám đốc chiến lược Sergi Lanau của Oxford Economics nhận định.

*Nguồn: WSJ

Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

Trở lên trên