Asanzo bị 'vạch' nhiều dấu hiệu vi phạm, ông Phạm Văn Tam nói chưa phải 'kết luận cuối'
Asanzo bị cho là có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, giả mạo nhãn hiệu, trốn thuế nhưng theo ông Tam, đây không phải kết luận cuối.
- 28-10-2019Tổng cục Hải Quan ban đầu xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối người tiêu dùng"
- 27-09-2019Asanzo bị Sharp Việt Nam yêu cầu xin lỗi, tố cáo lên Bộ Công an
- 19-09-2019Tập đoàn Sharp Nhật Bản sẽ kiện Asanzo vì giả mạo bằng chứng
Thông tin về những dấu hiệu vi phạm này được công bố trong cuộc họp tại Tổng cục Hải quan sáng 28/10 giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Asanzo).
Trả lời VTC News ngay trưa 28/10, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo - cho biết, Asanzo hoàn toàn tán thành việc nêu những dấu hiệu vi phạm đối với doanh nghiệp này của Bộ Tài chính, nhằm lấy ý kiến các bộ ngành cũng như dư luận. Tuy nhiên, ông Tam khẳng định, đây không phải là kết luận cuối cùng. "Sự việc còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cần có ý kiến đánh giá đầy đủ từ nhiều bên liên quan", ông Tam nói.
Ông Tam cũng cho rằng, việc kết luận những vi phạm của Asanzo cần phải được soi vào những bộ luật cụ thể.
Sáng nay, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định Asanzo có 4 vi phạm gồm vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hành vi vi phạm về trốn thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản.
Ông Phạm Văn Tam trong nhà máy sản xuất tivi Asanzo.
Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường thấy tỷ lệ nguyên vật liệu trên chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1% - 2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.
“Như vậy, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa”, báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu.
Theo quy định tại Nghị định trên, đối chiếu thực tế lắp ráp tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.
Việc lắp ráp các bộ phận của sản phẩm thông qua các nhân công lao động thủ công để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị hàm lượng gia tăng không cao.
Cũng theo báo cáo, liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, cơ quan hải quan xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Hầu hết sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.
Tuy nhiên, trao đổi nhanh với VTC News qua điện thoại, ông Tam khẳng định, Asanzo chỉ bán sản phẩm tivi trong nước, chưa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra, xác minh còn cho thấy Asanzo có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu), việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, qua kiểm tra 14 container khai báo hàng hoá nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo (Công ty TNHH Đầu tư Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài), xác định hàng hoá nhập khẩu gồm máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện nguyên chiếc, xuất xứ: Made in China, thể hiện trên bao bì (dán trực tiếp lên thùng cáctông và trên sản phẩm chữ Made in China bằng giấy decal, nền trắng, chữ đen - dán phía sau máy).
Tuy nhiên, kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ xác định: Dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm quyền (Điều 11 Nghị định số 105/2016/NĐ-CP) đối với nhãn hiệu “Asanno và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhạn hiệu số 107919 của Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương.
Đối chiếu với kết quả giám định với các nhóm hàng: nhóm 7, nhóm 9, nhóm 11 mà Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương đã đăng ký thương hiệu, cơ quan chức năng kết luận có căn cứ khẳng định “nhãn hàng Asanzo, hình” đã vi phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hàng “Asano, hình” đã được đăng ký sử dụng với Cục Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ, cơ quan chức năng xác định hành vi nhập khẩu máy làm mát mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc vào Việt Nam của Công ty TNHH đầu tư và sản xuất Phương Nguyên Asanzo vi phạm khoản b,c của điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.
Về dấu hiệu trốn thuế, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cùng Tổng cục Hải quan khẳng định, nhiều doanh nghiệp là đối tác của Asanzo có một số địa chỉ không còn hoạt động theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu bỏ trốn.
Bên cạnh đó, các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp là nhân viên của Tập đoàn Asanzo để trốn thuế, làm hoá đơn cao hơn thực tế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, hành vi trốn thuế của Asanzo thể hiện ở việc để ngoài sổ sách, không xuất hoá đơn VAT, mua linh kiện thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hoà nhiệt độ - mặt hàng không thuộc diện chịu thuế.
Các công ty con xuất bán cho Asanzo mặt hàng điều hoà nhiệt độ, nhưng không xuất hoá đơn VAT và Asanzo cũng không kê khai VAT.
Theo ông Lại Anh Tuấn, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chứ chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Hiện tại doanh nghiệp này mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.
“Chưa đủ căn cứ xác định các công ty có phạm tội hay không. Vấn đề này phải có cơ quan điều tra vào cuộc để có kết quả thấu đáo. Ngay cả ý kiến nói các công ty trong Asanzo khai báo mua bán rất nhiều hàng hóa, nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh, việc mua bán chưa chắc đã nhiều. Việc khai báo đó cũng cần cơ quan điều tra”, ông Lại Anh Tuấn nói.
VTC News