MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ðầu tàu TPHCM: Thiếu nguồn lực đầu tư phát triển

Ðầu tàu TPHCM: Thiếu nguồn lực đầu tư phát triển

Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, đầu tàu kinh tế TPHCM không còn đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển và cần sự hỗ trợ, “hà hơi, tiếp sức” từ ngân sách trung ương để vượt qua giai đoạn khó khăn.

83.000 tỷ đồng cho đường vành đai 3

Ngày 26/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu đường vành đai 3 TPHCM. Tuyến này dài hơn 89,3 km, đi qua 4 tỉnh thành với số vốn giai đoạn 1 khoảng 83.290 tỷ đồng. Đường vành đai 3 khi đầu tư khép kín hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và đường song hành 2 bên sẽ có mức vốn đầu tư khoảng 177.710 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, công trình sẽ có 4 làn xe cao tốc và phần đường song hành hai bên với mức vốn đầu tư khoảng 83.290 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh và làm đường song hành (chưa gồm lãi vay) trên 52.468 tỷ đồng. Theo kết quả nghiên cứu, việc đầu tư đường vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP), sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, do TPHCM và ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An là các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nên việc bố trí ngân sách trung ương cho dự án này là thiết thực nhất để giúp đỡ cho 4 địa phương. Cả 4 địa phương thống nhất kiến nghị trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) đầu tư cho dự án khoảng 83.290 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2026. Trường hợp khó khăn về bố trí nguồn vốn, các địa phương kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh của dự án với kinh phí dự kiến khoảng 46.971 tỷ đồng. Riêng kinh phí xây lắp, TPHCM và các tỉnh sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định, trong quá trình góp ý, Bộ Giao thông-Vận tải cũng nhận định phần lớn các dự án đường bộ cao tốc quy mô lớn, dự kiến triển khai giai đoạn 2021- 2025 theo phương thức PPP đang gặp khó khăn liên quan đến khả năng huy động vốn tín dụng của nhà đầu tư. Đồng thời, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, phần vốn nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư nên các dự án có thời gian thu phí hoàn vốn dài (trên 25 năm) không hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 78.469 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho dự án vành đai 3 TPHCM để chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công. Về phương thức thực hiện, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng giao nhiệm vụ cho thành phố là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án. TPHCM sẽ chủ trì lập, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng thể, trong đó phân chia các dự án thành phần để các địa phương triển khai thực hiện.

 Ðầu tàu TPHCM: Thiếu nguồn lực đầu tư phát triển  - Ảnh 1.

Nhà lụp xụp trên rạch Xuyên Tâm. Con rạch không còn chức năng thoát nước và ô nhiễm nặng vì chứa rác thải


Hàng loạt dự án thiếu vốn

Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM kiến nghị bố trí vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 3 dự án trọng điểm, cấp bách tại TPHCM gồm cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cải tạo kênh Hy Vọng và rạch Xuyên Tâm. Cụ thể, hiện nay TPHCM đã lập phương án bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dựa trên mức vốn được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND TPHCM, hiện nay, TPHCM đã và đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19, nên nguồn vốn phân bổ cho các dự án đầu tư công rất khó khăn. TPHCM rất cần Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung vốn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021-2025 cho TPHCM để đầu tư một số dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó qua rà soát, có 3 dự án trọng điểm cấp bách trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị cần ưu tiên triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND TPHCM, đầu tư công là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Vì vậy, TPHCM kiến nghị phân bổ từ vốn ngân sách Trung ương trong nước 180 tỷ đồng cho dự án mở rộng Quốc lộ 50; phân bổ thêm 1.870,1 tỷ đồng vốn nước ngoài cho các dự án: Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Ðôi -Tẻ; metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2; hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh.

Đó là dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư dự kiến 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn TP.HCM là 5.901 tỷ đồng, địa bàn tỉnh Tây Ninh 1.532 tỷ đồng. TPHCM đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ TPHCM 5.901 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án thứ hai là nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) có tổng mức đầu tư 9.353 tỷ đồng. Dự án này giải tỏa các căn nhà lụp xụp ven kênh, làm đường giao thông nhằm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Với dự án này, UBND TPHCM đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ toàn bộ để đầu tư dự án. Cuối cùng là dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) nhằm khơi thông dòng chảy, chống ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và vùng lân cận có vốn đầu tư 1.980 tỷ đồng. UBND TPHCM kiến nghị được ngân sách trung ương hỗ trợ 1.980 tỷ đồng để thực hiện dự án này. Tổng số vốn mà TPHCM đề nghị ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ thực hiện 3 dự án là 17.234 tỷ đồng.

Theo Huy Thịnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên