Ba kịch bản cho VN-Index trong tháng 2
Theo TPS, các nhịp rung lắc của thị trường là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư bỏ lỡ giai đoạn tăng mạnh vừa qua.
Đà hồi phục từ tháng 11/2022 tiếp tục nối dài sang hết tháng 01/2023 giúp VN-Index tăng gần 240 điểm kể từ đáy và thu hẹp mức giảm còn 27,3% so với mức đỉnh lịch sử.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá nhịp hồi phục của VN-Index diễn ra cùng với đà tăng nối dài của thị trường toàn cầu. Việc CPI suy giảm 3 tháng liên tiếp và tốc độ thắt chặt của FED đã chậm lại khi chỉ tăng thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp vừa qua giúp ổn định tâm lý thị trường, tăng hy vọng về sự đảo chiều chính sách sớm hơn tuyên bố của FED trước đây.
Bước sang tháng 2/2023, đội ngũ phân tích kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp tục duy trì trong bối cảnh các cú sốc về thông tin đã được phản ánh vào giá. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh lại có xu hướng gia tăng sau quãng thời gian dài hồi phục với mức tăng hơn 27% so với đáy tháng 11/2022.
Song, TPS cho rằng các nhịp điều chỉnh trong năm 2023 sẽ diễn ra không quá sâu khi mà rủi ro về đòn bẩy và thông tin đã hạ nhiệt. Do đó, các nhịp thị trường rung lắc sẽ là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư bỏ lỡ giai đoạn tăng mạnh vừa qua.
Về tổng nợ vay ký quỹ quý 4 vừa qua , rủi ro từ đòn bẩy đã hạ nhiệt mạnh và rơi về mức thấp nhất trong 6 quý trở lại đây, xuống còn 120.000 tỷ đồng.
“Việc giảm đòn bẩy diễn ra quyết liệt và nhanh chóng sau làn sóng call margin diễn ra vào tháng 10/2022 sẽ là một trong những điểm để những nhịp chỉnh của thị trường trong năm 2023 sẽ không quá sâu”, báo cáo nêu rõ.
Theo đánh giá của TPS, các quỹ ETF đầu tư cổ phiếu trên TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận dòng tiền vào ròng trong tháng 1, đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận ở các quỹ ETF ngoại. Tuy nhiên, mức giải ngân của các quỹ ETFs đã sụt giảm đáng kể so với tháng trước.
Một điểm sáng tích cực củng cố dòng tiền ETF dương trong thời gian tới nhờ vào tỷ giá USD/VND được kiểm soát tốt giúp chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại. Đáng chú ý, với việc thay đổi chỉ số cơ sở của VanEck Vietnam ETF (VNM ETF), tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam của quỹ sẽ tăng lên 100%, tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiệu lực dự kiến từ 17/3/2023.
3 kịch bản cho VN-Index trong tháng 2
TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến khoảng 10% cả năm 2023 và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 10,x.
Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam hết sức hấp dẫn với P/E forward 2023 ở mức thấp nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Do đó, các chuyên gia TPS nhận định rằng đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt hoặc kết quả kinh doanh vẫn đạt mức ổn định trong năm 2023.
Dựa trên những phân tích và biến động của VN-Index, báo cáo chiến lược đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 2:
Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ có khả năng chinh phục kháng cự 1.130 điểm. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng 1.131–1.200 điểm.
Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động sideway trong vùng 1.050–1.130 điểm. Việc điều chỉnh về hỗ trợ 1.050 điểm được kỳ vọng sẽ hấp thụ hoàn toàn áp lực chốt lời nhờ lực mua từ nhóm nhà đầu tư đã bỏ lỡ vị thế trong giai đoạn hồi phục vừa qua.
Ở kịch bản tiêu cực, nếu lực mua tại hỗ trợ 1.050 điểm không đủ để hấp thụ toàn bộ áp lực chốt lời, VN -Index nhiều khả năng sẽ test lại mức hỗ trợ 970 điểm. Trong kịch bản này, chỉ số chung sẽ biến động trong vùng 970–1.049 điểm.
Nhịp sống thị trường