MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà lão được mệnh danh là ‘đệ nhất’ tiết kiệm: Đo đúng 20 cm giấy vệ sinh để dùng, xem quảng cáo để tưởng tượng mình ăn sơn hào hải vị, chưa từng mua mắm muối nấu ăn

06-09-2021 - 16:02 PM | Tài chính quốc tế

Bà lão được mệnh danh là ‘đệ nhất’ tiết kiệm: Đo đúng 20 cm giấy vệ sinh để dùng, xem quảng cáo để tưởng tượng mình ăn sơn hào hải vị, chưa từng mua mắm muối nấu ăn

Phương châm của cụ bà 71 tuổi nổi tiếng với lối sống tiết kiệm là "trẻ sống tằn tiện, về già an nhàn".

Trong 2 năm qua, đã có không ít người thất nghiệp do đại dịch Covid-19. Khi thu nhập giảm sút, mọi người bắt đầu nghĩ đến việc tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, có một cụ bà 71 tuổi được mệnh danh là "bậc thầy" tiết kiệm bởi bà đã làm điều này trong suốt 40 năm qua chứ không riêng từ lúc đại dịch bùng phát.

Trung bình, bà Yoko Ogasawara chỉ tiêu 1.000 yen mỗi ngày. So với mức giá 600 yen cho một bát mì ramen đơn giản hay 700 yen cho một bát cơm donburi, mức chi tiêu của bà Yoko được coi là tằn tiện.

Nếu không tính các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, điện nước, việc sống ở Tokyo của bà chỉ tiêu tốn 31.000 yen/tháng. Trong khi đó, con số này của một người bình thường là khoảng 73.705 yen/tháng.

Do chi tiêu chỉ bằng một nửa mức trung bình mà vẫn sống tốt, bà Yoko khá nổi tiếng ở Nhật Bản. Bà không chỉ nhận lời phỏng vấn trên tạp chí mà còn xuất bản một số cuốn sách dạy mọi người cách tiết kiệm tiền hiệu quả.

Bà lão được mệnh danh là ‘đệ nhất’ tiết kiệm: Đo đúng 20 cm giấy vệ sinh để dùng, xem quảng cáo để tưởng tượng mình ăn sơn hào hải vị, chưa từng mua mắm muối nấu ăn - Ảnh 1.

Mới đây, trong một chương trình của đài Fuji, bà đã chia sẻ một số mẹo tiết kiệm của mình. Dưới đây là những điều bà đã thực hiện trong nhiều năm qua để tiết kiệm:

Thay vì pha trà vào ấm, bà Yoko pha trực tiếp vào cốc để đỡ tốn nước rửa ấm. Bà dùng nước và bã trà còn lại để chan cơm. Đây là món ăn truyền thống của Nhật Bản, mang tên "ochazuke".

Bà chỉ mua giấy vệ sinh cuộn để thay cho giấy ăn, giúp giảm bớt chi phí. Theo bà, nếu mỗi lần dùng 20 cm, một cuộn giấy có thể dùng gần 300 lần, vừa rẻ hơn so với giấy ăn lại vừa có thể kiểm soát số lượng sử dụng.

Một bí kíp khác của bà Yoko là giữ lại hóa đơn, kẹp chúng thành tệp nhỏ làm giấy ghi chú. Với những đồ dùng dạng tuýp như sữa rửa mặt, kem đánh răng, khi chúng sắp hết, bà sẽ cắt ra và sử dụng nốt phần còn sót lại.

Để không tốn tiền mua và giặt khăn trải bàn, bà Yoko thường dùng tờ rơi quảng cáo thực phẩm để trải lên bàn ăn. Một điều thú vị mà bà chia sẻ là bà vừa ăn vừa xem quảng cáo hay chương trình ẩm thực để tăng sự ngon miệng. Vậy nên, dù chỉ ăn cơm chan trà, bà cũng cảm giác như đang thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn.

Bà lão được mệnh danh là ‘đệ nhất’ tiết kiệm: Đo đúng 20 cm giấy vệ sinh để dùng, xem quảng cáo để tưởng tượng mình ăn sơn hào hải vị, chưa từng mua mắm muối nấu ăn - Ảnh 2.

Bà khuyên mọi người nên lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và để ra một số tiền nhất định để tiêu trong 1 ngày, 1 tuần hay 1 tháng. Phần còn lại nên được cất riêng để tránh chi tiêu quá đà.

Mỗi lần ra ngoài mua sắm, bà luôn viết danh sách những thứ cần mua. Khi đến siêu thị, bà chỉ tìm đến khu vực có món đồ mình cần và di chuyển nhanh chóng để tránh mua những thứ không có trong dự định. Ngoài ra, tại quầy thanh toán, bà Yoko còn buộc mình phải trả lại một sản phẩm để giảm bớt chi tiêu.

Trên thực tế, bà Yoko chưa từng chi tiền mua gia vị. Thay vào đó, bà giữ lại các gói gia vị đi kèm trong mì gói hay những gói sốt miễn phí của nhà hàng để nấu ăn. Bên cạnh đó, bà còn tận dụng hộp nhựa hay túi nilon làm màng bọc thực phẩm.

Nhiều người cho rằng bà Yoko là "bậc thầy tiết kiệm" khi sống như vậy mà vẫn thấy vui vẻ, thoải mái. Trong khi đó, một số người bày tỏ quan điểm không nhất thiết phải sống quá tằn tiện khi điều kiện tài chính không quá khó khăn.

Với bà Yoko, sống tiết kiệm là cách để có cuộc sống không gánh nợ nần. Phương châm của bà là "trẻ sống tằn tiện, về già an nhàn". Tất nhiên, các phương pháp của bà không phù hợp với tất cả mọi người nhưng nó giúp khuyến khích mọi người có ý thức tiết kiệm hơn, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch như hiện nay.

Nguồn: Inf

Theo Mộc Tiên

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên