Bà lão ở Hưng Yên 19 năm nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi: Thông tin bất ngờ về gia đình ruột của cháu bé
Cô bé Thương năm nào giờ đã là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm. Cách đây 1 năm, những người thân của cô bé cũng đã xuất hiện.
- 27-11-2024Gội đầu xong nên sấy tóc hay để khô tự nhiên? Hóa ra lâu nay nhiều người đã làm sai
- 27-11-2024Người phụ nữ trúng số 2 tỉ không được nhận thưởng: “Tôi mất ăn mất ngủ!”
- 27-11-2024Thầy giáo ở Quảng Ngãi giải thích lý do chạy dọc hành lang khi nhận kết quả của học sinh: 10 bài dự thi đều có giải!
Mẹ gửi con cho bà bảo mẫu, 19 năm chưa quay lại đón
Nhiều năm qua, câu chuyện bà Đặng Thị Bình (hiện 71 tuổi, trú tại thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cưu mang đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi đã khiến bao người xúc động.
Năm 2002, bà Bình rời quê lên thuê trọ ở khu vực Long Biên (Hà Nội) làm nghề trông trẻ. Hoàng Huyền Thương sinh ngày 3/9/2003. Đến tháng 1/2004 thì mẹ đưa cô bé đến nhờ bà trông giúp.
“Thời điểm đó, tôi trông một đứa trẻ từ sáng đến tối bố mẹ chúng đến đón về, thì mỗi tháng tôi được trả công 300 nghìn đồng. Riêng Thương thì tôi trông cả ngày lẫn đêm, mẹ cháu gửi tôi 1 triệu đồng/tháng. Cứ 3-4 ngày thì mẹ cháu vào thăm con một lần”, bà Bình nhớ lại.
Tháng 12/2004 là thời điểm cận Tết, bà Bình gọi cho mẹ Thương nhiều lần nhưng người phụ nữ ấy rất ít nghe máy và cũng không gửi tiền trông con. Có lúc liên lạc được, mẹ Thương nói: “Đợt này con bận, mấy nữa con về con gửi tiền cho bà”. Người bảo mẫu đồng ý nhưng rồi cũng chẳng thấy gì.
Ngày 22/2 âm lịch năm 2005, bà Bình gọi cho mẹ Thương nhiều cuộc điện thoại nhưng đều báo thuê bao. Bà lấy ngày này là ngày mẹ bỏ rơi Thương. Thời điểm đó, cô bé được 17 tháng tuổi.
Bà Bình chưa bao giờ nghĩ đến việc đưa đứa trẻ tội nghiệp vào trại trẻ mồ côi, Trung tâm bảo trợ xã hội mà quyết định nuôi, chờ xem mẹ có về đón cháu hay không?
“Tôi trông cháu từ lúc 5 tháng tuổi, lúc nào nó cũng ở cạnh tôi. Thực lòng tôi có bế cháu ruột thì đến tối nó cũng đi ngủ với mẹ nó. Còn con bé này, đến tối nó vẫn ngủ với tôi, chẳng rời nửa bước. Tôi nghĩ ông trời sắp đặt một sự liên kết giữa hai bà cháu nên tôi không bao giờ nghĩ đến việc sẽ cho nó đi đâu. Hơn nữa, tôi lại nghĩ nhỡ đến khi mẹ nó ở đâu về, tôi cho cháu đi rồi thì lấy đâu ra mà đền…”, bà bảo mẫu kể.
Cứ thế, bà cháu mưu sinh, nương tự nhau. Bà bảo mẫu duy trì việc trông vài đứa trẻ, lấy tiền công để nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi. Có thời gian, bà tranh thủ đi nhặt ve chai, lau nhà thuê kiếm thêm thu nhập. Biết hoàn cảnh của bà, thỉnh thoảng mọi người lại biếu thêm 1-200 nghìn đồng.
Thương may mắn được các con, người thân của bà Bình đón nhận, yêu quý như con cháu trong nhà.
“Khi Thương còn nhỏ, tôi nói với cháu: “Bà có 3 người con, bác Lan là lớn, mẹ con là thứ 2, còn dì Nhài là út. Mẹ con đi nước ngoài rồi. Khi nào mẹ con giàu thì sẽ về mua cho bà cháu mình cái nhà to để ở”. Năm con bé 5 tuổi, tôi dẫn nó đi tìm mẹ. Hai lần đi tìm đều không được, tôi mới khóc, nói là từ nay không bao giờ đi tìm mẹ nó nữa.
Đến khi về nhà, Thương bảo con gái tôi cho nó đi tắm. Trong lúc tắm, con bé kể: “Hôm nay bà lại trốn dì dẫn con đi tìm mẹ đấy. Nhưng bà khóc, bà bảo từ giờ không bao giờ đi tìm mẹ con nữa. Hay từ hôm nay, dì cho con gọi dì là mẹ nhé?”, bà Bình xúc động.
Từ hôm đó trở đi, Thương gọi vợ chồng con gái út của bà Bình là bố mẹ. Với anh em họ hàng nhà bà Bình cũng đã luôn mang tư tưởng là gia đình có thêm một nhân khẩu. Mấy anh chị em của bà đều dặn: “Cô cần gì cứ gọi điện, chúng tôi sẵn sàng giúp cô nuôi cháu”.
Trong đám giỗ có đầy đủ các thành viên trong gia đình, anh trai bà Bình tuyên bố: “Nhà mình thêm một nhân khẩu. Sau này các bác các cô khuất núi đi rồi thì tất cả các anh em phải chăm sóc cái Thương, coi cháu nó như một thành viên trong gia đình”.
Với bà Bình, đó là sự hỗ trợ, động viên về mặt tinh thần. Còn suốt 19 năm qua, bà vẫn tự nuôi được cháu, chưa cần ai giúp đỡ.
Năm 9 tuổi, Thương biết được thân phận của mình qua một bài báo. Cô bé bị sốc, bỏ ăn, khép mình không nói chuyện với ai. Mãi đến khi bà, bố mẹ nuôi và cô giáo động viên, người bà khẳng định chuyện đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm của hai bà cháu thì cô bé mới nguôi dần.
Năm 2012, bà Bình đưa cháu gái chuyển về sống ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ở gần nhà người con gái thứ hai của bà.
33 người thân bên ngoại đến nhận cháu
19 năm trôi qua, Thương bây giờ đã trở thành một cô gái xinh xắn, đang là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm II ở Vĩnh Phúc. Thương học Sư phạm nên được nhà nước hỗ trợ, bà Bình đỡ vất vả.
Kể về cháu gái, người bà nhân hậu bảo trước đây bà bảo sao thì Thương nghe vậy, nhưng giờ cháu đã lớn, ra ngoài va chạm cuộc sống nên cũng phải có suy nghĩ, quan điểm riêng: “Cháu như thế nào thì tôi cũng theo vậy. Tôi cố gắng tạo điều kiện làm sao để cháu không bị mặc cảm về cái chuyện bị bỏ rơi”.
Bà Bình tiết lộ thêm, cách đây 1 năm, gia đình ruột bên ngoại đã tìm và đến nhận Thương: “Khi Thương và mẹ nó thất lạc thì gia đình nhà ngoại ở ngoài Quảng Ninh rất mong mỏi tìm được cháu. Câu chuyện của tôi đã lên nhiều báo, lên cả chương trình “Điều ước thứ 7” nhưng gia đình họ vẫn không hay biết. Mãi đến năm 2023, qua một bài báo thì họ mới biết, đi tìm hiểu và thấy đúng là cháu rồi.
Tháng 3/2023, gia đình họ gồm 33 người tìm đến nhà tôi để nhận cháu. Vậy là cháu đã tìm được nhà ngoại.
Nhà người ta lên đây trước tiên cũng nói lời cảm ơn tôi. Họ nói đã khao khát đi tìm bao năm mà không được và nhắn Thương rằng bên cạnh cháu vẫn còn nguồn cội. Từ đó đến nay con bé đã về Quảng Ninh chơi 3 lần rồi, còn mẹ của cháu thì vẫn chưa tìm thấy được".
Nhìn lại hành trình đã qua, bà lão ngoài 70 cười bảo, khi nhận nuôi Thương, bà không nghĩ chút gì về việc mình đang làm điều tốt đẹp. Bản thân bà chỉ biết lầm lũi ngày đêm làm để nuôi cháu, cứ tự làm rồi tự nhiên thành tốt đẹp.
“Nói thực lòng, tôi không mong cháu biếu mình đồng quà, tấm bánh gì cả. Đến ngày hôm nay, tôi chỉ mong cháu khỏe mạnh, ra trường có nghề nghiệp, có bạn trai rồi lập gia đình, sinh con, sống hạnh phúc thì tôi có nhắm mắt cũng là toại nguyện cuộc đời đã nuôi dưỡng cháu”, người bà rưng rưng xúc động.
Nguồn: QPVN, Ảnh: Tổng hợp
Đời sống Pháp luật