Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: “Con tôi nói nếu ngày nào mẹ muốn nghỉ hưu thì cho con biết trước”
Người con lớn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã 22 tuổi, và tham gia dần vào công việc kinh doanh của mẹ. Bà huấn dạy các con vì mục tiêu nay mai sẽ gánh vác công ty nên rất kỷ luật.
- 07-03-2022Phillip Nguyễn tiết lộ mục đích sang Úc cùng bạn gái, dù chưa cưới nhưng Linh Rin đã có vị trí cấp cao trong công ty gia đình
- 07-03-2022Quán quân Olympia "giàu bậc nhất" úp mở dự án khủng ở Thanh Hóa, hé lộ ảnh hiếm hoi
- 07-03-2022Chân dung "soái ca" đang HOT nhất MXH TikTok: Con trai cưng của Tổng thống, tài năng đỉnh cao, tuổi tác hiện tại mới gây choáng
Xuất hiện trong buổi nói chuyện "Bản lĩnh phụ nữ khởi nghiệp 4.0" xoay quanh nội dung về khởi nghiệp dành cho người trẻ và phụ nữ diễn ra vào cuối tuần qua, bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây bất ngờ với kế hoạch thành lập dự án hỗ trợ 100.000 phụ nữ khởi nghiệp. Những kinh nghiệm có được sau nhiều thập kỷ gắn bó với nghiệp kinh doanh mang lại cho bà năng lượng tích cực cùng mong muốn lan tỏa nó cho ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam.
Tôi là Queen, nhưng bàn cờ thì không thể thiếu con "King"!
Dy Khoa: Trong lúc theo dõi bà chia sẻ tại buổi nói chuyện, tôi đọc hơn nửa cuốn sách mà bà vừa xuất bản "The Queen of King Coffee". Có bao nhiêu phần về Lê Hoàng Diệp Thảo được vẽ nên trong cuốn sách này?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Cuốn sách đã viết rất chân thực về con người tôi, từ khi còn làm việc tại đài 108 và bắt đầu khởi nghiệp với Trung Nguyên, G7 và giờ đây là King Coffee. Mọi người sẽ nhìn thấy những quyết định quan trọng của tôi để có thương hiệu Trung Nguyên, G7, hành trình để các thương hiệu này thành công không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Dy Khoa: Nhưng trong cuốn sách, bà nhắc rất nhiều và nhấn mạnh vai trò của mình là "queen" (nữ hoàng) và nhiều người gọi bà là "nữ tướng cà phê". Vậy mà bà lại đặt thương hiệu cà phê của mình là "King Coffee" chứ không phải là "Queen Coffee"?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Ồ, thực ra trên một bàn cờ vua mà thiếu con "vua" thì đâu được (cười). Cho nên tôi đặt luôn thương hiệu là "King Coffee".
Dy Khoa: King Coffee đang trong quá trình mở rộng liên tục tại thị trường trong nước, cho thấy bà có nhiều tham vọng với khách hàng Việt Nam. Nếu đã thế, vì sao bà còn mạo hiểm ra nước ngoài, nhất là trong mấy năm gần đây khi dịch bệnh ngày càng phức tạp?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Có hai động lực để chúng tôi phải ra nước ngoài mạnh mẽ như thời gian qua. Thứ nhất là giúp cho người nông dân trồng cà phê có cuộc sống tốt hơn. Thứ hai là gia tăng giá trị cao nhất cho cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Đã đến lúc Việt Nam cần có các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Và tôi nghĩ rằng ngành cà phê xứng đáng. Vươn ra biển lớn buộc mình phải biết rõ mình sẽ cần làm gì để cho gia tăng nền tảng, giá trị của thương hiệu, nhưng cũng yêu cầu cả thế và lực nội tại của các công ty.
Tôi yêu cà phê, như nhiều người Việt Nam yêu món uống này, nhưng mỗi người có cách khác nhau để thể hiện tình yêu đó. Tôi có điều kiện để thể hiện bằng hành động thông qua việc nỗ lực xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam, đề về lâu dài, sự nổi tiếng của cà phê Việt nói chung trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó không phải là ước muốn riêng của tôi với King Coffee đâu, mà từ ngày làm Trung Nguyên vốn đã vậy.
Dy Khoa: Đúng là người nông dân trồng cà phê Việt đã không có được vị thế tương xứng, nhất là khi cà phê Việt vốn nổi tiếng thế giới với sản lượng và chất lượng hàng đầu.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Đúng vậy. Hồi làm tổng đài 108 (tổng đài hỏi đáp thông tin kinh tế - xã hội phổ biến nhất những năm 2000 - PV), tôi đã chứng kiến sự chênh lệch về giá cà phê từ hạt thô đến khi trở thành món uống trong nhà hàng. Khi ấy, một tách cà phê Espresso có thể bán được 5 USD nhưng mà giá cà phê từ vườn của người dân chỉ 5.000 đồng/kg. Rõ ràng đấy là sự bất công trong một hệ sinh thái lớn, chuỗi giá trị như vậy!
Tất nhiên, trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguyên liệu gốc chỉ chiếm 2-5% thôi. Phần còn lại là đóng gói, kể chuyện và phân phối, mở rộng thị trường, và đến từng tách cà phê nữa. Nhưng nếu chúng ta không nhìn ra đây là báu vật quốc gia thì chúng ta sẽ lỡ cơ hội rất lớn để giúp Việt Nam có một thương hiệu nổi danh toàn cầu.
Hiện tại, chúng ta chỉ xuất khẩu nguyên liệu, giá trị đem lại rất thấp. Do đó, tôi và King Coffee quyết định vươn ra biển lớn bằng cách thay đổi quan niệm làm sản phẩm, để phát triển thị trường nội địa trước khi cạnh tranh ở nước ngoài. Giờ đây sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 120 nước, thế giới cũng đã có cái nhìn khác về cà phê Việt, cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng.
Dy Khoa: Nhưng chuyện đi nước ngoài hẳn không thể chỉ nằm ở tình yêu hay khát vọng, vì kinh doanh ở thị trường mới rất khác với Việt Nam?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Nếu xác định mở thị trường đông người Việt sinh sống tại nước ngoài thì lại quá dễ, nhưng tôi lại chọn ở giữa, tức là nơi đan xen người Việt Nam ở Mỹ, nhóm dân cư khác và du khách đến Mỹ. Tôi quyết định mở cửa hàng đầu tiên của King Coffee tại trước Disneyland (California). Khu du lịch này đón hàng chục triệu du khách mỗi năm, vì thế, đây là nơi giúp quảng bá rất tốt.
Dy Khoa: Đấy là vấn đề quảng bá, vậy còn mục đích tiêu thụ sản phẩm?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Họ đang sử dụng thường xuyên đó chứ! Chúng tôi đang hoàn thiện các chứng nhận sản phẩm và bắt đầu nhượng quyền, phát triển rộng hơn ở Mỹ, Dubai, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… và sẽ sớm có thêm các quán mới trong năm nay. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác để cùng phát triển hệ thống chuỗi quán và đại lý quốc tế.
Điều tôi tự hào nhất ở King Coffee là chất lượng vượt trội trong từng loại sản phẩm. Đích thân tôi chọn vùng nguyên liệu tốt nhất trên thế giới cho các loại hạt Arabica, Robusta, Excelsa, Culi, Catimor… dùng để phối trộn tạo nên các sản phẩm của King Coffee. Ngoài ra, công thức chế biến và đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của chúng tôi luôn sáng tạo để tạo ra các loại sản phẩm mới, thậm chí có cả những loại phù hợp với khẩu vị cà phê cho phụ nữ và những bạn mới tập uống cà phê.
Dy Khoa: Tôi thấy bà thường chia sẻ hình ảnh đi ra nước ngoài để mở cửa hàng mới, nhưng thực ra sức người có hạn, không thể để nhà máy ở Việt Nam và rong ruổi miết như thế được. Hẳn King Coffee cũng phải tìm đến cách quản trị bằng công nghệ?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tôi thích rất thích công nghệ. Ở cả Trung Nguyên và King Coffee, tôi đều xây dựng mô hình vận hành bằng công nghệ rất chuyên nghiệp.
Tôi đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin để tạo ra chuỗi giá trị bền vững ngay từ trước đại dịch Covid-19. Điển hình như ứng dụng IoT trong khâu trồng và chăm sóc cây cà phê, ứng dụng blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc, triển khai chuỗi giá trị về chương trình khách hàng thân thiết, chuyển đổi số và văn hóa doanh nghiệp.
Chất lượng trên các sản phẩm của King Coffee đã trở nên tốt hơn dựa trên tập dữ liệu thu thập theo thời gian, giúp đảm bảo được sản lượng và chất lượng đầu ra, tạo lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị phần.
Sắp tới, một công ty công nghệ trong tập đoàn của chúng tôi sẽ phát triển và xây dựng super-app. Tôi dự định sẽ mang app này ra nước ngoài, theo xu hướng của thế giới.
"Khi nào mẹ muốn nghỉ hưu thì cho con biết"
Dy Khoa: Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, bà thấy con đường mình đi như thế nào?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Hầu như từ xưa đến bây giờ những gì hoạch định ra thì tôi đều chinh phục được hết. Không có chuyện đặt ra rồi bỏ đó. Tôi rất kiên trì.
Bạn phải coi bản lĩnh mình tới đâu, bản lĩnh nhỏ thì đừng nên đặt mục tiêu to quá. Xã hội cứ hay nói nghĩ lớn, làm lớn. Kệ họ! Bản thân phải biết sức mình ngang đó thì đi mới vững.
Bạn sẽ không thấy chỗ chơi nào mà xuất hiện tôi. Tôi tập trung và chăm chỉ làm việc. Cân bằng bằng thời gian với gia đình, chứ không muốn bỏ thời gian vô bổ. Tôi sống như đây là ngày cuối được sống và phải sống hữu ích với xã hội, gia đình và con mình. Tôi đang kiểm soát tốt sự nghiệp của mình.
Dy Khoa: Bà có tới 4 người con, và cả một công ty đang đòi hỏi sự cống hiến liên tục ở cả trong và ngoài nước. Tôi có cảm giác 24h một ngày thì làm sao đủ với một người phụ nữ như bà?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tôi có hai người con trai và hai người con gái, riêng cậu lớn đã 22 tuổi. Tôi có một lộ trình để con trưởng thành lên. Đến tuổi này rồi thì các con cũng không muốn đi chơi với mẹ như thuở còn bé, nhưng tôi vẫn dõi theo để dần dần chuyển giao cho thế hệ sau.
Dy Khoa: Thương trường là chiến trường nên không thể mang tâm thế vào đấy dạo chơi được. Nếu đưa con vào "chiến trường" này sớm, chắc bà muốn thử thách con mình?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tôi nghĩ nên làm thế. Quá 18 tuổi thì nên nghĩ đến con đường đi đến sự nghiệp và đặc biệt, đối với đàn ông lại càng cần. Con của tôi đã được tạo ý thức từ rất sớm, vì nếu không làm bây giờ thì sau này sẽ muộn.
Con của tôi rất thích và sẵn sàng tham gia vì các con đã hiểu việc của gia đình. Các cháu rất yêu mẹ, không muốn mẹ vất vả, nên muốn chia sẻ công việc với tôi. Các con cũng nói, khi nào mẹ muốn nghỉ hưu thì cho con biết trước (cười).
Tôi huấn dạy các con vì mục tiêu nay mai sẽ gánh vác công ty nên rất kỷ luật.
Dy Khoa: Với con gái, bà cũng cứng rắn như vậy?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Từ lúc con còn nhỏ đã được tôi dạy rằng, phụ nữ hoàn toàn có những quyền như người đàn ông. Phụ nữ có thể làm người lãnh đạo giỏi trong tất cả các lĩnh vực. Giờ đây, các con tôi có được sự tự tin, độc lập tự chủ và khát khao đó.
Tôi cho các con có được sự tự do trong lựa chọn niềm đam mê để theo đuổi. Khi các con lớn lên, tôi định hướng cho các con cách thức đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Doanh nghiệp và Tiếp thị