Ba lý do khiến người Việt say mê Sony OLED TV
Không phải tự nhiên mà TV Sony luôn nằm gọn trong trí nhớ của mỗi người dù thương hiệu này đã xuất hiện trên thị trường trong nhiều thập kỷ.
Ở bất kì đâu trên thế giới, hễ nói về TV, người ta sẽ nghĩ tới Sony - một trong những ông lớn công nghệ đi đầu của lĩnh vực hình ảnh. Những sản phẩm của hãng, qua nhiều thăng trầm, vẫn giữ được cái chất rất riêng mà chỉ nhìn qua thôi ai cũng nhận ra ngay, rằng đó chính là Sony.
Với người dùng Việt cũng vậy. Cái tên Sony đã gắn liền với bao thế hệ già trẻ, lớn bé với đủ các loại hình sản phẩm, từ dàn loa, máy nghe nhạc, máy quay phim, máy ảnh cho tới cả điện thoại, máy chơi game, tai nghe.
Vậy nhưng, những chiếc TV hiệu Sony mới là thứ nhận được tình cảm nồng nhiệt nhất từ phía người dùng sau bao năm trời. Chẳng thế mà người ta cứ nhớ mãi câu nói “Nét như Sony”, chính để ám chỉ chất lượng xứng tầm cực phẩm của những chiếc TV Sony qua hàng chục năm xuất hiện trên thị trường.
Chất lượng hình ảnh và âm thanh
Hẳn đây chính là hai trong số những tiêu chí đầu tiên mà người ta quan tâm mỗi khi muốn mua một chiếc TV mới. Với Sony, hai khía cạnh này không thể gói gọn được trong bốn con chữ. Họ là công ty hàng đầu trên thế giới sở hữu đầy đủ hệ sinh thái thiết bị đầu cuối, từ quá trình sản xuất nội dung (máy quay phim chuyên dụng CineAlta) cho tới phân phối (hãng phim Sony Pictures) và trình chiếu (các dòng sản phẩm TV và máy chiếu).
XEL-1: Chiếc TV khởi đầu cho kỷ nguyên hình ảnh OLED của Sony.
Bất kì fan cứng nào của Sony hẳn cũng biết rõ rằng, Sony là nhà sản xuất tiên phong giới thiệu tấm nền OLED trên TV, đó chính là model XEL-1 ra mắt vào năm 2007. Những năm sau đó, công nghệ này tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện, không chỉ bởi Sony mà còn nhiều công ty khác. Có thể nói, họ đã nhìn thấu tiềm năng của OLED và những gì nó làm được, để mà tiến tới tương lai thay thế công nghệ LCD vốn đang dần trở nên cũ kĩ.
Năm 2017, Sony đã thương mại hóa TV OLED với mẫu A1E tại triển lãm CES 2017. Sản phẩm gây ấn tượng rất tốt với độ phân giải 4K, hỗ trợ định dạng HDR và đặc biệt là phát âm thanh trực tiếp từ màn hình TV với công nghệ âm thanh độc đáo Acoustic Surface. Những công nghệ mới cho phép Sony thiết kế TV gọn gàng, tinh tế hơn, trong khi vẫn có thể tạo ra âm thanh trực diện, trung thực mà không cần để lộ loa.
Sony A1E – TV OLED với công nghệ âm thanh biến màn hình thành loa độc đáo của Sony.
Vào tháng 6/2017, số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IHS chỉ ra rằng Sony đã chính thức soán ngôi Samsung và LG để trở thành nhà sản xuất TV phân khúc cao cấp (1500 - 2500 USD) hàng đầu nửa đầu năm với 39% thị phần. Hãng đã nhanh chóng vươn lên vị trí này chỉ trong chưa đầy một năm phát triển và quảng bá dòng TV OLED mới. Cũng trong năm đó, những chiếc TV OLED siêu cấp đã chính thức đánh bại các dòng TV LCD truyền thống ở phân khúc siêu cấp (trên 2500USD) với chất lượng hình ảnh được các chuyên gia công nhận là vượt trội hoàn toàn.
Đầu năm 2018, tại triển lãm CES, Sony tiếp tục nổ phát súng mới, tung ra phiên bản kế nhiệm A8F series, vẫn với tấm nền OLED 4K HDR sắc nét, công nghệ âm thanh Acoustic Surface và vi xử lý hình ảnh X1 Extreme.
Tiếp theo đó, ngay trong tháng 8/2018, Sony lại một lần nữa gây bất ngờ với sự ra mắt của dòng sản phẩm A9F, xếp vào dòng MASTER Series siêu “xịn”, mang trong mình toàn bộ tinh hoa của nhà sản xuất Nhật Bản và đặc biệt là con chip xử lý hình ảnh mang tên X1 Ultimate - phiên bản nâng cấp hoàn hảo của X1 Extreme. Danh hiệu MASTER Series được Sony mô tả là “chỉ dành cho những dòng TV chất lượng tốt nhất và vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe của các kỹ sư hình ảnh nhằm truyền tải trung thực ý tưởng của nhà sáng tạo nội dung’’. Với lợi thế là tập đoàn điện tử hàng đầu có thể cung cấp nội dung từ đầu đến cuối “from lens to living room’’, MASTER Series quá xuất sắc khi thể hiện độ sắc nét và tương phản, như thể bạn đang nhìn cảnh vật qua khung cửa sổ.
Sony A9F thuộc dòng MASTER Series với chất lượng tiệm cận màn hình chuyên dụng trong các hãng điện ảnh nổi tiếng.
Tấm nền OLED thì nhiều hãng sản xuất được, công nghệ loa mới thì mua bản quyền là được. Song, sự khác biệt của Sony để mang lại khả năng giải trí tại gia tuyệt vời, vượt trội so với các đối thủ chính là cặp đôi vi xử lý hình ảnh X1 Extreme và X1 Ultimate độc quyền do chính Sony nghiên cứu, hoàn thiện trong hàng thập kỷ.
Ngay từ những năm 2000, Sony đã có cơ hội được hợp tác làm việc với những chuyên gia của Hollywood để tối ưu hóa chất lượng hình ảnh cho các dòng TV, với cơ sở dữ liệu là kho phim khổng lồ sở hữu bởi Sony Pictures - một trong những hãng phim lớn nhất thế giới. Đây là điều mà không có nhà sản xuất TV nào khác làm được vì chi phí dành cho bản quyền quá cao. Nhờ đó, chúng ta mới dễ dàng được thưởng thức những thước phim bom tấn với màu sắc chân thực, tương phản tuyệt vời đúng theo dụng ý nghệ thuật của các nhà làm phim.
Chế độ cân chỉnh màu sắc dành cho Netflix mang lại trải nghiệm hình ảnh chuyên nghiệp, chính xác hơn bao giờ hết.
Riêng với dòng TV MASTER như A9F và Z9F vừa ra mắt, Sony còn hợp tác với Netflix - nhà phân phối, sản xuất các chương trình streaming hàng đầu hiện nay - để mang lại chế độ cân chỉnh màu sắc dành riêng cho Netflix. Những thông tin, dữ liệu hình ảnh của các bộ phim trên Netflix sẽ được TV xử lý một cách chính xác hơn, thể hiện đúng ý đồ của các nhà sản xuất y như khi đang xem trên một màn hình chuyên nghiệp.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, là sự tôn trọng khách hàng của người Nhật. Ai cũng hiểu rằng Sony đã và đang cố gắng hết mình để giữ lại những nét tinh hoa của Nhật Bản trong từng sản phẩm. Vậy nên, họ không được nhường chỗ cho những lỗi lầm, những thử nghiệm mang tính “hên xui”. Tất cả phải nhường đường cho sự hoàn thiện tuyệt đối trong mỗi mẫu máy được bán ra. Chẳng thế mà các dòng TV OLED của Sony vẫn liên tiếp nhận được những lời khen ngợi từ giới công nghệ, cũng như hàng tá giải thưởng danh giá trong nhiều năm liền.
CE Pro - Tạp chí và trang tin chuyên công nghệ mới đây đã thực hiện một bài so sánh giữa 4 mẫu TV cao cấp mới, bao gồm hai cái tên đến từ Sony. Thử nghiệm này được đánh giá sát sao bởi 8 chuyên gia trong lĩnh vực hình ảnh và độc giả của CE Pro. Kết quả là, chiếc TV OLED Sony A9F đã giành chiến thắng, được vinh danh “King of TV” của năm 2018. CE Pro nhấn mạnh rằng, lợi thế của A9F nằm ở khả năng thể hiện màu sắc/tông da và với độ phân giải thấy được ở chế độ UHD tốt hơn hẳn so với các đối thủ.
Trải nghiệm thông minh với Android TV
Sony là một trong số ít những ông lớn công nghệ hợp tác chặt chẽ với Google để mang trải nghiệm Android tốt nhất lên các dòng TV mới. Dựa trên nền tảng Android 8.0 Oreo, những chiếc TV OLED của hãng được mở rộng thêm hàng loạt tính năng thú vị, điển hình như kho ứng dụng Google Play Store hay kết nối Chromecast tiện lợi, phục vụ hoàn hảo cho nhu cầu giải trí, đời sống hàng ngày.
Vậy nhưng, cái hay nhất của nền tảng Android trên Sony OLED TV phải nhắc tới chính là khả năng hỗ trợ nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhờ đó, người dùng ở bất kì vùng miền nào cũng có thể tận dụng tính năng điều khiển siêu lợi hại này.
Nền tảng Android TV đi kèm những ứng dụng thuần Việt và khả năng nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt trên Sony OLED TV.
Hãy tưởng tượng bạn đang nấu ăn trong phòng bếp, muốn mở nhanh video hướng dẫn công thức để thử làm món mới. Câu trả lời chính là trò chuyện với TV và nhờ mở Youtube hộ đó!
Sony OLED TV được tích hợp sẵn micro thu âm, sẵn sàng trả lời những câu hỏi, yêu cầu mà người dùng đặt ra bất cứ lúc nào, dù là muốn mở ứng dụng, chơi nhạc, tìm kiếm video hay xem thời tiết, tin tức...
Triết lý thiết kế đậm chất nghệ thuật
Như đã nhắc tới ở trên, các dòng Sony OLED TV mới đều sở hữu công nghệ Acoustic Surface, cho phép phát âm thanh trực tiếp từ màn hình. Nhờ đó mà Sony có thể tạo ra thiết kế thanh thoát, tối giản triệt để cho sản phẩm.
Những đường thẳng vuông vức, độ mỏng tính bằng milimet và khung viền tối ưu đã mang lại cho Sony OLED TV diện mạo tinh tế, sang trọng không thua gì những tác phẩm nghệ thuật. Dù bạn muốn đặt lên kệ tủ hay treo lên tường đi nữa, triết lý thiết kế mới giúp chiếc TV hòa vào với nội thất của căn phòng một cách dễ dàng, nhất là với những ngôi nhà mang phong cách đơn giản, hiện đại.
Vậy đấy, nếu như trước đây chúng ta hay bảo nhau rằng “Nét như Sony” thì có lẽ bây giờ phải dùng thêm cả “Thông minh như Sony” hay “Đẹp như Sony” nữa mới đúng.