Ba lý do TP HCM điều chỉnh quy hoạch chung
Định hướng quy hoạch trong thời gian tới, TP HCM sẽ ưu tiên phát triển về phía Đông và Tây Bắc, cùng với phát triển đô thị theo giao thông công cộng khối lượng lớn.
- 15-02-2019TP.HCM: Duyệt nhiệm vụ thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực Công viên 23 tháng 9
- 13-02-2019Chính phủ duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Đà Nẵng
- 12-02-2019Đồng Nai: Đề nghị điều chỉnh quy hoạch Trung tâm hành chính tỉnh rộng 300ha
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung (QHC) TP HCM. Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể QHC TP; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc rà soát, đánh giá và lập đồ án điều chỉnh QHC TP theo quy định pháp luật.
Phát triển đô thị bền vững
Trước đó, UBND TP HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh QHC xây dựng TP đến năm 2025. Thời hạn đồ án điều chỉnh QHC xây dựng TP HCM lập đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2070.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, động thái trên nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững; vừa bảo đảm tầm nhìn, chiến lược dài hạn vừa định hướng, tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp cho các vấn đề đô thị dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường… một cách quyết liệt, đồng bộ; đồng thời phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TP.
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý việc điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Có 3 lý do để TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh QHC. Một là, điều chỉnh để phù hợp cơ sở pháp lý và các định hướng, chủ trương lớn. Thời điểm hiện nay đã tới kỳ rà soát theo luật định; đồng thời phù hợp với điều chỉnh quy hoạch vùng TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Các nội dung định hướng của điều chỉnh quy hoạch vùng lần này đối với TP HCM trong mối quan hệ với các tỉnh - thành trong vùng là cơ sở quan trọng mang tính chiến lược để xem xét, điều chỉnh định hướng phát triển TP.
Ngoài ra, điều chỉnh QHC xây dựng TP HCM là để cụ thể hóa các nội dung quy hoạch đối với 7 chương trình đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần X, nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch như giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chương trình đột phá thứ 7 về chỉnh trang và phát triển đô thị. Đồng thời, thực hiện đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Hai là, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển TP HCM. Ba là, điều chỉnh để ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
7 nhóm nội dung trọng tâm
UBND TP HCM cho biết có 7 nhóm nội dung trọng tâm trong điều chỉnh QHC lần này. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển về phía Đông, trọng tâm là phát triển khu đô thị trung tâm sáng tạo ở các quận 2, 9, Thủ Đức với Khu Công nghệ cao, Khu Công viên khoa học - công nghệ, ĐHQG TP và các trường ĐH, khu chế xuất, khu đô thị mới Thủ Thiêm... Đây sẽ là hạt nhân phát triển đô thị của TP HCM trong thời kỳ 4.0. Khu vực này cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch...
Cùng với việc hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, TP HCM sẽ phát triển khai thác tối đa tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, du lịch và giao thông khu vực dọc sông Sài Gòn. Song song đó là liên kết trong vùng TP HCM - đặc biệt là khu vực tiểu vùng đô thị trung tâm.
TP HCM cũng sẽ xem xét tiềm năng ưu tiên phát triển về phía Tây Bắc. Khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị; kết nối với vùng I về phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài... Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng Tây Bắc có thuận lợi địa hình cao, địa chất tốt không chỉ trong phạm vi TP HCM mà còn cả vùng.
Để sớm hình thành khu công nghiệp - logistics cảng kết hợp khu đô thị hoàn chỉnh ở phía Nam, TP HCM sẽ định hướng phát triển về phía biển, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước theo quy hoạch; bổ sung chức năng du lịch sinh thái biển thông qua mở rộng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ thành 2.870 ha so với quy mô ban đầu 600 ha, kéo theo chuyển dịch kinh tế - xã hội đối với huyện Cần Giờ.
Đặc biệt, TP HCM sẽ rà soát kỹ, cập nhật và điều chỉnh quy hoạch giao thông (động và tĩnh), giao thông thủy nội địa, ưu tiên phát triển đô thị theo giao thông công cộng khối lượng lớn. Trong đó có giải pháp đột phá để cải thiện, tăng cường năng lực giao thông cho khu vực nội thành, khu vực trung tâm TP. TP HCM cũng sẽ rà soát lại quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước…
Ngoài ra, QHC còn có nội dung điều tiết dân số, phân bổ dân cư và vấn đề nhà ở. Củng cố mô hình phát triển "tập trung đa cực" bao gồm khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển ở 4 hướng. Củng cố mô hình này theo hướng khả thi hơn với việc tái thiết, tái phát triển khu trung tâm TP, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới.
Hơn 96.000 tỉ đồng để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đã lên kế hoạch Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, tổng nguồn lực tập trung thực hiện là hơn 96.000 tỉ đồng. Mục tiêu là trong thời gian tới, TP sẽ làm mới và đưa vào sử dụng gần 190 km đường bộ và 49 cây cầu. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 cũng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông kéo giảm 5% mỗi năm.
Về giải pháp thực hiện, sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách để đầu tư các công trình giao thông thực sự cần thiết, bảo đảm phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình thiết kế, thi công để bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2018-2022; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải; triển khai các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. TP HCM cũng quyết tâm đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào khai thác trong năm 2020, đẩy nhanh tiến độ tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông Tây; tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Phải xử lý được những bất cập của TP HCM
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tổng thể QHC TP HCM là cơ hội để TP điều chỉnh và giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ngập nước, phát triển không bền vững trong thời gian qua. Tuy nhiên, TP HCM phải lưu ý quy hoạch mới phải xử lý được các bất cập của TP lâu nay, mà điều đáng lo ngại nhất là sự mất cân đối trong phát triển giữa các khu vực. Hệ quả của nó là tình trạng mật độ cư dân tập trung cao ở khu vực nội thành dẫn đến kẹt xe, ngập nước và lãng phí thời gian của người dân. Do đó, trong quy hoạch mới cần điều chỉnh sự mất cân đối này và phải định hướng rõ rệt cho tương lai.
Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân, việc đầu tiên là phải có mạng lưới hạ tầng đủ tốt. Trong đó, các tuyến quốc lộ, cao tốc, metro, đường hướng tâm và vành đai phải được ưu tiên hoàn thành để tạo tiền đề giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển đa trung tâm của TP HCM là điều nên làm vì thực tế, TP vẫn chỉ có một trung tâm là nội thành cũ. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, TP phải đầu tư để các trung tâm ngoại vi dù có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản giống như khu nội thành để người dân không phải đi xa.
Khi quy hoạch những cụm đô thị lớn nhỏ, TP HCM nên tính đến chuyện các cụm đô thị này giống như những đơn vị kinh tế có thể tự thu hút được nguồn vốn để phát triển nhưng vẫn kết nối được với nhau nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp chứ không thể phát triển độc lập.
TP HCM cũng phải khống chế được quy hoạch cốt nền và dành không gian cho nước. Tình trạng ngập nước trong hơn 10 năm qua phần nhiều là do sự buông lỏng trong quy hoạch, thiếu không gian dành cho nước.
Để thực hiện được quy hoạch, TP HCM cần phải có nguồn lực đầu tư tương xứng. Điều này rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ trung ương. Bởi lẽ, TP HCM còn đóng vai trò đầu tàu kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
S.Đông ghi
Người lao động