Bà mẹ nổi tiếng chia sẻ cách xử lý khi con bị bắt nạt: Không tấn công, không bênh con, hãy làm con mạnh lên để những tấn công bên kia yếu đi
"Những khó khăn không quật ngã được con thì sẽ càng làm con mạnh lên", chia sẻ của nhà báo Thu Hà.
- 02-04-2019Bài viết "hướng dẫn cách phụ huynh trả lời những câu hỏi hóc búa của con" gây bão mạng xã hội: Đừng bỏ qua cơ hội trả lời trẻ, đó là cách cha mẹ giúp con phát triển tư duy ngay khi còn nhỏ
- 01-04-2019TS Vũ Thu Hương: Để con cô độc là dễ rơi vào tâm điểm của nhóm thích bắt nạt
Những ngày qua, dư luận vô cùng xôn xao trước những vụ lực học đường dã man. Hình ảnh các học sinh bắt nạt bạn cùng lớp, cùng trường thực sự gây ám ảnh và khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của trẻ khi đi học.
Nhà báo Thu Hà, từng làm việc tại báo Hoa học trò và là một bà mẹ nổi tiếng, thường xuyên chia sẻ về những cách dạy con, nuôi con đã có bài viết chia sẻ kinh nghiệm xử lý khi con cái bị bắt nạt ở trường như sau:
"Một bà mẹ vừa kể vừa khóc chuyện con học lớp 2, trong lớp có một bạn bắt cả lớp tẩy chay con, nếu không sẽ đánh cả hai người.
Năm Xu (con của nhà báo Thu Hà) học 1 trường QT, giờ ăn trưa học trò được ngồi tự do theo nhóm. Bạn đó -"đại bàng"- xúi giục các nhóm không chấp nhận cho Xu ngồi cùng bàn. Mỗi trưa, Xu bê khay thức ăn đi thang lang khắp canteen và phải ngồi ghép với anh chị lớp trên. Xu kể có lần đã vào nhà vệ sinh, ngồi khóc 1 mình".
Ảnh: Phapluatxahoi.vn
Trước tình huống đau lòng đó, nhiều lúc chị Thu Hà từng nghĩ "Con bị bắt nạt và mẹ đã bị đánh gục" vì không thể bảo vệ con. Cũng như chị, chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng có suy nghĩ: "Giá mà nhà mình giàu hơn", và thế là, cho con nhiều tiền hơn. "Giá mà con được bằng bạn bằng bè", và đã ráng mua sắm mắc tiền hơn. "Giá mà con thông minh lanh lẹ hơn", và ép con đi học thêm nhiều hơn… Giá mà...".
Nhưng khi đó chị Hà và các bậc phụ huynh khác đã quên mất rằng, hàng trăm bé khác xinh xắn, ăn mặc đẹp, có điều kiện tốt vẫn bị bắt nạt. Các bé thông minh, học giỏi, cá tính thậm chí còn bị tẩy chay nhiều hơn. Cha mẹ không có lỗi, bé cũng không có lỗi!
Theo nhà báo Thu Hà, bắt nạt học đường là việc rất nghiêm trọng, và nó xảy ra ở mọi quốc gia, cả ở những nền giáo dục văn minh. Nó gây tổn thương tâm lý cực kỳ nặng nề, thậm chí cả tự tử. Như trong câu chuyện trước đây chị từng chia sẻ, có bé phải ăn trộm tiền của cha mẹ để cống nạp cho bạn, chi tiền để được các bạn chơi cùng...
Những clip các học sinh bị đánh hội đồng khiến nhiều người phẫn nộ, nhưng bên cạnh đó, việc bạo hành tinh thần bằng cách tẩy chay, làm nhục, lăng mạ gia đình, thao túng trên mạng... cũng tràn lan và nguy hiểm không kém trong môi trường học đường.
Trước tình trạng này, bà mẹ "full-time" Thu Hà đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý của bản thân như sau:
- Không khoan nhượng, không xuê xoa, không ép con 1 sự nhịn là 9 sự lành, mà phải giải quyết triệt để. Nhịn hoài khi bị bạo lực học đường có thể dẫn tới tự tử và giết người.
- Con sẽ học từ phản ứng của mẹ, nên mẹ đừng có cà cuống lên, cũng đừng quá gồng, đừng mang những tổn thương quá khứ của mình để chất vào con. Rũ mình thật sạch, trước khi nhảy vào can thiệp.
- Hãy để con nói. Dù bạn có là ngôi sao thuyết trình hay là người đã nghiên cứu cả năm về bắt nạt học đường, thì khi con đang tổn thương, mẹ nói càng ít càng tốt.
- Lắng nghe vô điều kiện, đồng cảm vô điều kiện và tôn trọng con vô điều kiện: "Ừ, buồn thật, mẹ hiểu vì sao con thấy tức giận/sợ hãi/buồn/bối rối…
- Đừng bao giờ đổ lỗi: "Đấy thấy chưa", "mẹ đã nói rồi mà!"
Hoặc là lên giọng: "Chuyện có gì đâu mà trầm trọng, ngày xưa mẹ còn bị nặng hơn nhiều". Hoặc là: "Ai chả từng bị bắt nạt, mọi người vẫn sống đó thôi!"
- Đừng vội vàng đưa khuyên răn, rằng phải thế này hay phải thế khác.
- Đầu tiên và quan trọng nhất là phải hỏi con: "Con CẢM THẤY thế nào?", chứ ko chỉ là bạn đánh con mấy cái. Vì có những bạn bình thản, dễ quên khi bị đánh/tẩy chay/nói xấu, nhưng có bé thì lại cảm thấy cực kỳ tổn thương. Không chất lên lưng mọi trẻ 1 gánh nặng như nhau nhé các mẹ.
- Trẻ con vốn rất ghét kẻ mách lẻo và cũng ghét bị mang tiếng mách lẻo. Đó là cái thóp mà kẻ bắt nạt và kẻ lạm dụng con luôn dọa. Phải cho con hiểu: Việc con nói ra là rất tốt, rất dũng cảm, sẽ giúp được cho con và nhiều bạn khác. Đó không phải là mách lẻo.
- Không trả đũa. Bạo lực sẽ leo thang không biết tới lúc nào mới ngừng và không thể kiểm soát được hậu quả. Thậm chí, nó có thể dẫn tới cái chết đấy.
- Với bắt nạt trên FB thì mẹ có thể bày con cách chặn, block để con không bị nhiễu bởi những đòn tào lao của bên kia nữa.
- Báo với cô giáo và nhà trường, đi đúng quy trình đã.
- Quan điểm của mình là không tấn công, không quét chướng ngại vật, không dùng vũ khí hạng nặng để bênh con. Mà mình làm con mạnh lên. Khi con mạnh lên thì có nghĩa là những tấn công bên kia sẽ yếu đi.
Mạnh nhờ con có sức khoẻ do luyện tập thể thao nhiều, mạnh vì con bình thản từ nội lực bên trong của mình, hoặc mạnh vì có nhiều bạn thân, có đồng minh mạnh, hoặc có bà mẹ mạnh hoặc tất cả số đó.
Bắt nạt có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng các mẹ đừng hoảng hốt. Có thể coi đó là bài học. Khi muốn con giỏi toán, chúng ta cho con làm bài tập nhiều hơn, làm cả bài nâng cao. Vậy thì lúc này, với môn Giao tiếp Xã hội, coi như con đang phải giải một bài tập khó. Nghênh đón nó, cùng con tính xem nên xử lý bài này thế nào.
Và thường thì, cơn bão nào cũng phải từng bước hình thành. Mẹ hãy để tâm nghe ngóng mỗi ngày để biết từ khi mới áp thấp nhiệt đới, đừng đợi bão lớn mới ra tay!
Năm nay, Xu đã bênh vực và đi báo giáo viên khi thấy 1 em bị bắt nạt. Xu nói: "Vì năm ngoái con từng bị bắt nạt, nên giờ con hiểu cảm giác của em ấy. Con thấy mình phải giúp em ấy. Và con sẽ không bao giờ đi bắt nạt người khác".
Những khó khăn không quật ngã được con thì sẽ càng làm con mạnh lên. Câu này đúng cả về nghĩa đen với các tế bào não đấy nha. Một nghiên cứu từ Viện khám phá Y học Sanford Burnham Prebys (SBP), đã phát hiện ra rằng sau những căng thẳng hoặc chấn thương ngắn, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào khỏe mạnh hơn!