MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ ở TP.HCM chán nản và lo sợ, thấy không còn thương con: Nghe lý do hội phụ huynh quá ngao ngán

14-08-2024 - 10:15 AM | Sống

Bà mẹ ở TP.HCM chán nản và lo sợ, thấy không còn thương con: Nghe lý do hội phụ huynh quá ngao ngán

Nhiều người khuyên bà mẹ này nên đi khám tâm lý.

Có con học lớp 1 cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh đối mặt với đủ vấn đề khác cần giải quyết. Trên các diễn đàn, chuyện bố mẹ kêu trời vì con không chịu học, mất đồ dùng học tập như cơm bữa, con vừa học vừa ngủ, con không tập trung,… đã thành chuyện "thường ngày ở huyện".

Tuy nhiên, hầu như ai cũng biết, trẻ mới từ mầm non lên tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ, chưa vào nền nếp. Đồng hành cùng con cần sự kiên nhẫn, bình tĩnh, nhất là đừng quá kỳ vọng, áp đặt, nếu không sẽ mệt mỏi cho cả cha mẹ và con cái.

Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM cho biết, chị hiện rất bối rối và luẩn quẩn. Nguyên nhân là chị có bé trai vừa học xong lớp 1 nhưng thái độ học tập không tốt, chểnh mảng không tập trung, bài vở học về con không quan tâm. Con viết chữ thì rất ẩu, xấu và bẩn, mỗi lần nhìn trang vở con viết là chị muốn điên lên.

Con không làm bài cô giao về nhà, bị cô phạt rất nặng nhưng hôm sau lại tái diễn. Trong khi các bạn của con được cô giao là hoàn thiện hết một cách tự giác. Bắt đầu giờ ngồi học, chị phải gọi khản cả tiếng con mới lò dò ngồi vào bàn, sau đó thì kiếm đủ lý do để đi lại.

Bà mẹ ở TP.HCM chán nản và lo sợ, thấy không còn thương con: Nghe lý do hội phụ huynh quá ngao ngán- Ảnh 1.

"Những lúc như thế thường em thấy ghét con, em điên lên và em la hét chửi bới con thậm tệ. Rồi con lại khóc vòng lặp ngày nào cũng như vậy. Em cảm thấy chán nản lo sợ, và thật sự em thấy ngày càng không thương con nữa", bà mẹ đau khổ than thở. Chị không biết làm sao để kiểm soát cảm xúc của mình, nếu buông xuôi thì sợ con lên lớp 2 không thể theo kịp bạn bè được.

Quan điểm của bà mẹ nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Hãy kiên nhẫn, đừng biến con thành những "con ốc sên biết khóc"

Hầu hết đứa trẻ nào cũng cần phải rèn nề nếp. Điều này cần cả 1 quá trình và đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu, bao dung.

Nếu con học bằng cách nghe mắng mỏ sẽ cảm thấy mình kém cỏi, không có khả năng, con ghét học. Khi cha mẹ không giữ nổi bình tĩnh thì nên thuê một gia sư kèm cặp con, tránh sứt mẻ tình cảm gia đình và con chán học, dẫn đến việc chống đối.

"Thời gian kèm con học thì mẹ nên thuê gia sư kèm con học, còn mẹ tìm lớp yoga thiền í . Ở nhà làm bảng thưởng phạt, mục tiêu từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn", một phụ huynh kinh nghiệm gợi ý.

Một bà mẹ chia sẻ, chị cũng từng nóng tính và chán nản lo sợ đến mức tự nghĩ con có vấn đề, IQ kém. Áp lực quá quay ra phát tiết lên con. Sau đó chị nhận ra vấn đề là ở cả bản thân mình. Nên ngoài việc cố gắng dạy dỗ, động viên con thì phần nhiều là cố để sửa chữa tính cách của mình. Mặc dù vẫn có lúc mất bình tĩnh với con nhưng tiết chế lại và khen ngợi, thấu hiểu con nhiều hơn.

"Lời khuyên cho bạn là: Một người mẹ hạnh phúc mới giúp con có một cuộc đời hạnh phúc . Trước khi muốn thay đổi con thì bạn hãy thay đổi lại chính bản thân bạn, hãy trở thành 1 người mẹ tích cực và bao dung hơn, rồi bạn sẽ thấy con mình lớn lên sẽ trở thành người ưu tú và tử tế", người này khuyên.

Nói về vấn đề này, một hiệu trưởng cho biết, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 thường than thở bé thông minh, hiếu động nhưng khi phải tập trung học văn hóa thì bé luôn tìm cách né tránh và hay quên bài học. Điều này không phải là cá biệt.

Để cải thiện sự tập trung và khơi dậy niềm yêu thích học tập ở lứa tuổi này, phụ huynh không nên áp đặt trẻ vào khuôn khổ. Việc học tập cần lồng ghép các trò chơi giúp trẻ sáng tạo hơn, trẻ sẽ vận dụng sự thông minh nhanh nhạy có hiệu quả, đặc biệt sẽ ghi nhớ lâu hơn.

Phụ huynh nên động viên con tự học, tự làm lấy mọi việc liên quan đến con. Cha mẹ không làm thay, cũng không ngồi kèm con học quá nhiều, chỉ khuyến khích và kiểm tra kết quả. Hãy cố gắng nới lỏng sự kiểm soát và chỉ giúp nếu con cần. Trong trường hợp con hỏi, cha mẹ nên giải thích cho đứa trẻ những gì không hiểu nhưng không nên làm thay để tránh con ỷ lại.

Thêm vào đó, nhiều cha mẹ thấy con viết chưa đúng ô, thiếu tập trung là la mắng nên càng làm con không thoải mái. Cho con tự làm có thể vài lần đầu kết quả không như mong đợi nhưng từ từ, trẻ sẽ tiến bộ hơn khi được cha mẹ động viên, khen thưởng kịp thời.

"Nếu có thời gian biểu thì sẽ giúp trẻ có các mốc cụ thể hơn trong các hoạt động, tuy nhiên quan trọng hơn, bố mẹ cần có không gian học tập tích cực cởi mở, sắp xếp thời gian học tập cố định, tạo ra thói quen cho trẻ, động viên khích lệ trẻ.

Lúc đó dù không có thời gian biểu cụ thể nhưng trẻ vẫn sẽ ghi nhớ được chính thời gian trẻ cần phải làm gì. Trẻ sẽ tự ý thức, trách nhiệm với nhiệm vụ mà không bị gò bó hay ép buộc. Sau một thời gian, trẻ sẽ học được cách sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý; và rèn thói quen làm việc tập trung, nghiêm túc dù không có ai giám sát", cô Kiều cho biết.

Đối với trẻ lớp 1, ngoài việc học, nếu có điều kiện, phụ huynh cũng nên cho con tham gia các lớp học về kỹ năng xã hội, về kỹ năng sống, về âm nhạc, hội họa, các câu lạc bộ thể dục, thể thao. Lưu ý bố mẹ nên sắp xếp thời gian cho con phù hợp.

Phương pháp dạy trẻ đúng đắn là thuận theo ưu điểm của trẻ rồi từ đó phát huy. Hãy chấp nhận những tính cách cũng như con người trẻ, đừng cố gắng thúc ép con. Dạy dỗ trẻ đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu, và bao dung, giống như cách dắt một con ốc sên đi dạo.

Đừng vì sự nóng vội của người lớn mà khiến những đứa trẻ trở thành những con ốc sên biết khóc và mệt mỏi trên hành trình tìm kiếm tri thức.

Theo Hiểu Đan

Phụ Nũ Mới

Trở lên trên