Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị xét xử vắng mặt trong vụ án thứ ba
TAND TPHCM vừa có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC – đang trốn truy nã) vào ngày 10/7 tới.
- 07-05-2024Vụ án AIC: Cơ chế đưa hối lộ do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo như thế nào?
- 27-12-2023Hôm nay, cựu ‘phó tướng’ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hầu tòa tại TPHCM
- 26-10-2023Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị tuyên vắng mặt mức án 10 năm tù
Trong vụ án này, bà Nhàn và hai thuộc cấp, gồm: bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc AIC) và Trần Đăng Tuấn (Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TPHCM) cùng bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Dương Hoa Xô - cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học (TTCNSH) TPHCM bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) và cấp dưới là bị cáo Phan Tất Thắng (cựu Phó trưởng Phòng kinh tế ngành - thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) cùng bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
8 bị cáo là đồng phạm còn lại bị xét xử cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự, TAND TPHCM) làm chủ tọa. Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa là ông Dương Mạnh Hoàng, bà Trần Thị Nét, bà Ngô Thị Chất, bà Nguyễn Vũ Mai Diễm và ông Nguyễn Huy Khánh. Kiểm sát viên dự khuyết là bà Nguyễn Thị Minh Hiền và bà Hồ Thị Ngọc Ánh.
Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện 3 sở của TPHCM là: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; 33 công ty và 65 cá nhân là những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 2 luật sư bào chữa, gồm luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và luật sư Nguyễn Ngọc Trâm (cùng thuộc Đoàn luật sư TPHCM).
Theo cáo trạng, quá trình tham gia dự thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Trung tâm CNSH TPHCM, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu đã chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gồm: Thống nhất với đại diện chủ đầu tư là ông Dương Hoa Xô tạo điều kiện để Công ty AIC thực hiện các gói thầu tại dự án và sẽ chi tiền cám ơn cho ông Xô.
Bà Nhàn cũng là người đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á liên danh thực hiện 3 gói thầu; chỉ đạo cấp dưới thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn... để tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định cho tham gia đấu thầu, trúng thầu; thiết lập các công ty "quân xanh", "quân đỏ" để Công ty AIC trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 95 tỷ đồng.
Sau khi trúng thầu, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới đưa tiền (theo tỷ lệ %) cho ông Xô 6 lần với tổng số tiền là 14,4 tỷ đồng để cám ơn.
Cáo trạng cũng cho biết, để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức với vai trò khác nhau của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty liên quan. Bên cạnh đó là hành vi "tạo điều kiện" của các bị cáo thuộc chủ đầu tư, làm trái quy định về quản lý nhà nước của các bị cáo thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xét xử vắng mặt. Năm 2022, bà Nhàn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù, về các tội “Vi phạm quy định đấu thầu”, “Đưa hối lộ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Năm 2023, bà Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 10 năm tù, cũng về tội danh “Vi phạm đấu thầu…” xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh.
Tiền Phong