MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba nhân tố đem lại lợi nhuận bền vững cho Lọc dầu Dung Quất

08-09-2017 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Hơn một nửa lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm 2017 của Lọc dầu Dung Quất đến từ tối ưu hoá và cắt giảm chi phí hoạt động.

Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị đang quản lý và điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam với công suất chế biến trên 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Hàng năm nhà máy cung cấp các sản phẩm LPG, xăng dầu và hóa dầu có chất lượng cao, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Khác với khâu thượng nguồn là lĩnh vực khai thác dầu thô, lĩnh vực hạ nguồn về chế biến lọc hóa dầu thực hiện phần gia công chế biến từ dầu thô cho ra các sản phẩm dầu mỏ, tạo ra giá trị gia tăng rất lớn với các sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao từ NMLD Dung Quất như xăng, dầu, hạt nhựa PP…

Do đặc thù hoạt động, lĩnh vực hạ nguồn ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng/giảm giá dầu thô nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả và lợi nhuận của BSR luôn ổn định và tăng trưởng ở mức cao qua các năm (trung bình từ 4 – 6 ngàn tỷ đồng/năm).

Thực tiễn sản xuất kinh doanh qua các năm cho thấy, lợi nhuận của Lọc dầu Dung Quất luôn ổn định và bền vững chủ yếu nhờ vào 3 yếu tố chính sau:

Thứ nhất, khoảng cách chênh lệch giữa giá các sản phẩm chính bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào (crack spread) luôn ở mức cao.

BSR cho biết mức crack spread của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong những năm qua luôn duy trì ổn định ở mức từ 11 – 15 USD/thùng. Điều này đảm bảo cho BSR luôn có được mức lợi nhuận tốt dù cho giá dầu thô từ cuối năm 2014 đến nay ở mức khá thấp.

Ngoài ra, việc đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành phân xưởng thu hồi lưu huỳnh SRU2 từ 08/2015 đã giúp Nhà máy tăng khả năng tiếp nhận, phối trộn và chế biến các loại dầu thô xấu hơn (tỷ trọng và hàm lượng lưu huỳnh cao hơn) có giá thấp hơn.

Đến nay, Nhà máy có khả năng chế biến đa dạng trên 67 chủng loại dầu thô khác nhau ngoài dầu thô Bạch Hổ, gồm 10 loại dầu trong nước và trên 57 loại dầu nước ngoài. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung dầu thô với giá rẻ, cạnh tranh hơn trong những năm tới.

Biều đồ xu hướng giá dầu thô và sản phẩm chính từ năm 2014 đến nay. Nguồn: Platts Singapore & BSR.
Biều đồ xu hướng giá dầu thô và sản phẩm chính từ năm 2014 đến nay. Nguồn: Platts Singapore & BSR.

Thứ hai, nâng cao sản lượng sản xuất và xuất bán ra thị trường nhằm tối đa doanh thu và lợi nhuận. Để làm được điều này, Nhà máy phải luôn được duy trì vận hành an toàn, liên tục ở công suất cao. Hiện tại, hầu hết các phân xưởng công nghệ chính của Nhà máy đều chạy ở công suất tối đa trong giới hạn an toàn.

Đồng thời, BSR luôn chủ động tăng cường công tác bán hàng, mở rộng thị trường/thị phần, phát triển các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài nước. Hằng năm, NMLD Dung Quất cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 7,5 – 8,0 triệu tấn sản phẩm các loại (vượt từ 15% - 25% so với kế hoạch).

Thứ ba, Tối ưu hóa giảm chi phí vận hành (OPEX) của Nhà máy thông qua chiến lược và lộ trình tổng thể trong việc triển khai áp dụng các sáng kiến, cải tiến, công trình nghiên cứu khoa học nhằm tối ưu hóa và hợp lý hóa sản xuất, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng; giảm lưu kho vật tư; giảm hao hụt mất mát dầu thô và sản phẩm, linh động các chế độ vận hành nhằm tối đa sản phẩm có hiệu quả cao theo nhu cầu của thị trường…, kết hợp với các giải pháp quản lý, quản trị tiên tiến nhằm tiết giảm chi phí quản lý chung và chi phí tài chính.

BSR cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, công ty đạt lợi nhuận rất cao, lên đến 4.002 tỷ đồng. Trong đó có 1.156 tỷ đồng là từ chênh lệch giá sản phẩm và dầu thô và 889 tỷ đồng từ tăng sản lượng; còn lại hơn 2.121 tỷ đồng - tức chiếm đến 53% lợi nhuận - đến từ tối ưu hoá và giảm chi phí của nhà máy.

Đồng thời, các chỉ số kinh doanh của BSR trong 8 tháng đầu năm 2017 rất tốt với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12,1% và ROS là 8,5%, khá cao trong ngành lọc hóa dầu.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên