'Bà nội trợ Ấn Độ' vượt qua tỷ phú Trung Quốc, trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á
Tỷ phú Savitri Jindal.
Tỷ phú Savitri Jindal người Ấn Độ đang nắm giữ danh hiệu người phụ nữ giàu nhất châu Á với tài sản 11,3 tỷ USD. Trước khi tiếp quản đế chế kinh doanh của chồng, bà Jindal làm nội trợ.
- 29-07-2022'Cỗ máy kinh tế' của châu Âu: Nhiều doanh nghiệp đang rời đi
- 28-07-2022Bloomberg: Tác động của đồng USD siêu mạnh đang lan tỏa ra cả thế giới và điều này mới chỉ bắt đầu
Tỷ phú bất động sản Trung Quốc - Dương Huệ Nghiên, đã không còn là người phụ nữ giàu nhất châu Á. Vị trí dẫn đầu đang thuộc về tỷ phú Savitri Jindal người Ấn Độ, điều hành Jindal Group với khối tài sản 11,3 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp kinh doanh các ngành công nghiệp bao gồm kim loại và sản xuất điện. Ngoài ra, Jindal nay cũng giàu hơn bà Phan Hồng Vy - tỷ phú sở hữu công ty sợi hóa học Hengli Petrochemical Co.
Bà Jindal (72 tuổi) là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ và là người giàu thứ 10 ở quốc gia 1,4 tỷ dân. Bà đảm nhiệm chức chủ tịch của Jindal Group sau khi chồng bà - nhà sáng lập OP Jindal, qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng vào năm 2005. Trước khi tiếp quản đế chế kinh doanh, Jindal chỉ làm nội trợ.
Trong những năm gần đây, giá trị tài sản của bà Jindal biến động dữ dội. Bà chỉ sở hữu 3,2 tỷ USD vào tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, sau đó tài sản tăng lên mức cao nhất là 15,6 tỷ USD vào tháng 4/2020 khi mâu thuẫn Nga - Ukraine đẩy giá hàng hóa tăng vọt.
Phần lớn tài sản của bà Jindal đến từ OP Jindal. Jindal là công ty sản xuất thép lớn thứ 3 ở Ấn Độ và hoạt động cả ở lĩnh vực xi măng, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Tập đoàn có trụ sở tại New Delhi điều hành các công ty thép, khai thác mỏ và điện, có cổ phần trong các công ty bao gồm: JSW Steel, Jindal Steel & Power, JSW Energy, Jindal Saw, Jindal Stainless và công ty đầu tư JSW Holdings. OP Jindal sở hữu 92% cổ phần trong JSW Infrastructure - công ty chuyên xây dựng các cảng, nhà máy đóng tàu và cơ sở sửa chữa tàu.
Trước khi qua đời, chồng bà Jindal đã phát triển một cấu trúc kinh doanh, trong đó mỗi người trong số 4 người con của ông sẽ nắm giữ 1/5 cổ phần của gia đình trong mỗi công ty con và ông là người nắm giữ 20%. Theo đó, mỗi người con trai của ông bà Jindal sẽ chịu trách nhiệm điều hành và sở hữu một phần công việc kinh doanh của anh em mình. Bà Jindal kiểm soát cổ phần của chồng trong OP Jindal và cổ phần của bà trong mỗi công ty sẽ được chuyển cho con trai trong trường hợp bà qua đời
Trong khi đó, đây là sự sụt giảm lớn đối với tài sản của bà Dương Huệ Nghiên sau khi trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới vào năm 2005, nhờ thừa kế cổ phần của cha trong nhà phát triển bất động sản Country Garden. Trong 5 năm qua, bà vẫn giữ vị trí là người phụ nữ giàu nhất châu Á trong khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
Tỷ phú Dương Huệ Nghiên.
Khối tài sản của tỷ phú Dương đã giảm hơn 1 nửa trong năm nay xuống còn 11 tỷ USD. Đà sụt giảm càng mạnh hơn khi Country Garden - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ cần phát hành thêm cổ phiếu với mức chiết khấu để huy động thêm vốn. Theo đó, cổ phiếu Country Garden đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Hiện tại, bà Dương sở hữu khoảng 60% cổ phần trong Country Garden và 43% cổ phần trong mảng dịch vụ quản lý.
Tài sản của bà Phan Hồng Vy cũng giảm trong năm nay nhưng không biến động mạnh như một số tỷ phú khác ở Trung Quốc. Điều này phản ánh sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh của đế chế bà đang điều hành, vốn có nguồn gốc từ một nhà máy dệt thuộc sở hữu nhà nước đã phá sản ở Ngô Giang - thuộc tỉnh Giang Tô.
Tỷ phú Phan là một kế toán, sau đó bà thành lập Hengli Group cùng chồng vào năm 1994. Họ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực polyester, hóa dầu, lọc dầu và du lịch. Năm ngoái, doanh thu của tập đoàn đạt 732,3 tỷ NDT (109 tỷ USD).
Tham khảo Bloomberg