MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Phạm Chi Lan chỉ rõ 5 "phép thử" kinh tế năm 2017

Không đánh đổi môi trường lấy dự án, quyết liệt tái cơ cấu, hội nhập quốc tế, quy hoạch và hạ tầng giao thông, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là 5 "phép thử" năm 2017 theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Thứ nhất là phép thử về vấn đề môi trường, năm 2016 Chính phủ đã tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy các dự án đầu tư. Điều này cho thấy năm 2017 Chính phủ sẽ mạnh tay với các dự án gây ô nhiễm, xem xét lại quy hoạch các nhà máy nhiệt điện và thủy điện, đây là hai nguồn cực lớn gây ô nhiễm môi trường.

Nếu không quyết liệt, thảm họa về môi trường có thể xảy ra, vấn đề môi trường thực sự đã trở nên cấp bách đối với cuộc sống của biết bao nhiêu người dân, đặc biệt là với vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển, bà Phạm Chi Lan nói.

Thứ hai là thách thức trong việc thực hiện các đề án tái cơ cấu. Quốc hội cũng đã thông qua các đề án tái cơ cấu, Chính phủ cũng tuyên bố sẽ lập các nhóm “đặc nhiệm” để thực hiện. Nhóm “đặc nhiệm” đó phải đóng vai trò khách quan và độc lập để có thể thực hiện mục tiêu.

Thứ ba là phép thử về hội nhập quốc tế khi một loạt các vấn đề trên thế giới xảy ra đòi hỏi chúng ta phải ứng xử phù hợp với các mối quan hệ quan trọng với Mỹ, Trung Quốc, EU, với các nước ASEAN.

Thứ tư là phép thử về vấn đề quy hoạch gắn kết với xây dựng và hạ tầng giao thông. Tình trạng kẹt xe ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề điều chỉnh quy hoạch Hà Nội cho thấy Chính phủ đang đứng trước thách thức phải xử lý xung đột nhóm lợi ích trong các ngành xây dựng, bất động sản với các vấn đề về quy hoạch phát triển chung, hay hạ tầng phục vụ đông đảo người dân.


Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng cuộc sống nhiều người dân

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng cuộc sống nhiều người dân

“Lợi ích của đông đảo người dân hay lợi ích của một nhóm các đại gia bất động sản sẽ thắng? Việc này đặt ra thách thức cho Chính phủ trong việc xử lý xung đột lợi ích, bài toán này không hề dễ cho Chính phủ nhưng chắc chắn là phải làm,” bà Phạm Chi Lan nói.

Thứ năm là các vấn đề xã hội. Báo cáo của tổ chức Oxfam mới đây cho thấy khoảng cách giàu nghèo đang diễn ra trong xã hội một cách mạnh mẽ, đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ, bài bản hơn, chứ không phải chỉ xử lý từng việc có tính chất ngắn hạn.

Theo bà Phạm Chi Lan, để giải quyết được những thách thức trên, tất cả người dân và doanh nghiệp phải đồng lòng, sát cánh cùng Chính phủ mới có được kết quả như mong muốn: “Chúng ta có niềm tin vào Chính phủ mới, Chính phủ thực sự mong muốn cải cách, những cải cách này sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng vững chắc trong năm 2017 và tạo nền tảng cho phát triển dài hạn của Việt Nam. Sự đồng lòng, quyết tâm sẽ giúp tăng cường nội lực trong bối cảnh hội nhập. Chưa bao giờ bối cảnh thế giới đặt chúng ta vào bối cảnh phải có nội lực mạnh như bây giờ. Nội lực mạnh ở đây bao gồm sức mạnh của nền kinh tế và sức mạnh về mặt thể chế của Việt Nam cũng như sức mạnh của nhà nước trong việc dẫn dắt nền kinh tế”.

Năm 2018 sẽ là năm WTO xóa cơ chế phi thị trường cho Việt Nam, nhưng phải nhìn lại là Trung Quốc năm 2016 đã đến hạn để các đối tác như Mỹ và EU xóa cơ chế phi thị trường, nhưng cả Mỹ và EU đều chưa thừa nhận Trung Quốc đã là một nước thị trường.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, mục tiêu tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4% trong năm 2017 hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng cần lưu ý rằng 10 năm trước chỉ vì mải mê với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên mà chúng ta phải trải qua bất ổn vĩ mô. Thành công nhất của năm 2016 là Chính phủ không chạy theo mục tiêu lạm phát để phải đổi lấy sự bất ổn vĩ mô. Nếu như năm 2017 chấp nhận mức tăng trưởng không cao nhưng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể coi là thành công.

Theo Hiền Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên