Bà Phạm Chi Lan: Chúng ta chỉ sẵn sàng tự do hoá cho người ngoài vì tư duy tận dụng vốn từ ngoài quá nặng nề
Cơ chế trói buộc, không tự do hoá được là nguyên nhân chính được bà Phạm Chi Lan chỉ ra nhằm giải thích cho việc kinh tế tư nhân trong nước kém phát triển hơn FDI cho dù cùng nằm trong một khối.
- 18-09-2019TP HCM muốn trở thành trung tâm logistics
- 18-09-2019Sửa Luật Lao động: Doanh nghiệp lo tự 'trói chân' mình
- 17-09-2019Bộ Quốc phòng sẽ thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
-
Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...
Cần thước đo mới đánh giá tăng trưởng
Góp ý cho báo cáo đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ chương trình Aus4Reform, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần có thêm một vài thước đo mới để "yên tâm hơn về tăng trưởng".
Chuyên gia này cho rằng nếu cứ dựa vào cách đánh giá truyền thống như tăng trưởng của GDP, xuất khẩu, ngành công nghiệp chế biến chế tạo... sẽ khó lòng phản ánh được đầy đủ bức tranh chung.
"Giá mà chúng ta có thể dùng thêm thước đo về giá trị gia tăng chẳng hạn", bà nói.
Thước đo này có thể được hiểu là trong mỗi ngành, trong mỗi lĩnh vực, thì phần giá trị tăng thêm của nó là bao nhiêu.
Ví dụ với xuất khẩu. Đành rằng Việt Nam xuất siêu trong những năm trở lại đây nhưng cơ cấu, cấu trúc của xuất khẩu là gì, nó có thay đổi so với trước đây hay không hay Việt Nam chỉ đang xuất khẩu hộ?
"Nói FDI là người hưởng lợi chính tôi cho không phải. Có những nước không bỏ vốn, không phải làm gì cả nhưng vẫn hưởng lợi nhiều nhất. Họ chính là những đơn vị cung cấp sản phẩm trung gian đầu vào", bà nói.
"FDI còn có công đầu tư vào Việt Nam, còn những nước này chỉ thuần tuý là những người bán hàng và được hưởng lợi lớn. Trong khi đó, tất cả những gánh nặng, thách thức của việc mở cửa thị trường đè nặng lên khối tư nhân khiến họ không phát triển được", bà giải thích thêm.
Chính bởi vậy, bà Chi Lan cho rằng thước đo mới sẽ là cách để có thể thấu hiểu rõ hơn bản chất của nền kinh tế trong nước.
Càng cởi, càng trói tư nhân trong nước
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng tỏ ra rất trăn trở về câu chuyện thể chế. Đây là vấn đề luôn được bà nhắc đến khi có cơ hội tại các cuộc hội thảo, hội nghị.
"Vấn đề về thể chế đã được đề ra tại Đại hội 11, 12 và coi nó là khâu đột phá chiến lược. Nhưng sau 2 kỳ Đại hội rồi nó vẫn phải xem là trọng tâm. Tại sao vậy? Những nghị quyết chính sách được ban hành rất đầy đủ nhưng vẫn không tạo ra được bước ngoặt thực sự để kinh tế phát triển hiệu quả hơn. Nếu không giải quyết được điều này thì Nghị quyết mới vẫn sẽ có, vẫn hay, nhưng 10 năm sau vẫn là những cuộc họp tương tự hôm nay", bà bức xúc.
Hay với kinh tế tư nhân trong nước, thể chế cũng đang trói buộc nhóm này, khiến họ kém phát triển so với đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường, tham gia nhiều kênh hội nhập quốc tế với mong muốn tự do hoá đầu tư kinh doanh nhưng dường như tất cả những thứ đó chủ yếu thực hiện cho các đối tác bên ngoài hơn bên trong.
Bên trong có tự do hoá được đâu, bao nhiêu cơ chế trói buộc mà năm nào Nghị quyết 19 cũng là tháo gỡ khó khăn, rào cản. Mà càng tháo thì càng nảy sinh cái mới, gỡ cái này thêm trói buộc cái khác, bỏ cái này thì đẻ thêm một đống điều kiện khác khắc nghiệt hơn", bà nói và nhận xét "Chúng ta chỉ sẵn sàng tự do hoá cho người ngoài thôi vì khát khao nguồn lực bên ngoài, tư duy tận dụng vốn từ bên ngoài quá nặng nề: từ thu hút FDI đến xin viện trợ ODA".