Ba phương án về địa vị, nhiệm vụ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay...
Tiếp tục phiên họp thứ 36, chiều 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 với nhiều vấn đề còn có ý kiến trái chiều, trong đó có quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Vũ Hồng Thanh cho biết, có hai loại ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Cụ thể, 18/34 lượt ý kiến nhất trí mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế.
11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán trong hoạt động.
Một số ý kiến khác cho rằng dù theo mô hình nào cũng cần bảo đảm tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong hoạt động để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu ba phương án.
Phương án 1: Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.
Phương án 2: Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đối với sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký, sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự.
Cụ thể là: Uỷ ban Chứng khoán nhà nước thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt điều lệ của sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký; bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (kiểm soát viên) của sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký; phê duyệt việc hội đồng quản trị/hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), trưởng bộ phận giám sát giao dịch của sở giao dịch chứng khoán; tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của tổng công ty lưu ký.
Ngoài ra, để nâng cao vị thế, trách nhiệm của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và người đứng đầu, bảo đảm vị thế khi phối hợp làm việc với cơ quan, bộ, ngành và trong hợp tác quốc tế (tương tự như quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Luật Cạnh tranh), phương án này quy định: "Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính".
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quy định như Luật Chứng khoán hiện hành về việc "chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Chính phủ quy định".
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phân tích, theo phương án này, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO (nguyên tắc số 1, 2), khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.
Đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án này.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu thêm một phương án ba. Đó là, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của sở giao dịch và tổng công ty lưu ký, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường, bảo đảm tính độc lập theo nguyên tắc của IOSCO, thực hiện được khuyến nghị của FSAP, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập giúp cho việc quản lý thống nhất ban hành quy chế, chủ động về tổ chức nhân sự, ngân sách sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của thị trường, góp phần quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các tổ chức hoạt động trung gian tài chính. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
VnEconomy