Ba tín hiệu cho thấy chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Chứng khoán TPS kỳ vọng chứng khoán Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới với ba yếu tố hỗ trợ.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa ra thống kê diễn biến của thị trường trong quá khứ. Mặc dù có tuổi đời còn “trẻ” so với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, nhưng VN-Index cũng không nằm ngoài sự vận động theo một chu kỳ kinh tế.
Điều cần quan tâm là chu kỳ này thường bắt đầu khi thị trường bước vào giai đoạn nới lỏng tiền tệ, lãi suất điều hành giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường gia tăng khi nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chạm đáy.
Hiện tại, sau năm 2022 thắt chặt, chính sách tiền tệ của thị trường đang bắt đầu được nới lỏng trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp dường như đã rơi về đáy trong quý 1/2023. Do đó, Chứng khoán TPS kỳ vọng chứng khoán Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới . Đội ngũ TPS cho rằng có ba yếu tố hỗ trợ chu kỳ phục hồi của thị trường.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng. NHNN có 4 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4,5%. Lãi suất huy động giảm, hiện chỉ còn 7,2% tại các ngân hàng top 4.
Nhìn chung, việc giảm lãi suất của NHNN đang bắt đầu có những tác động tích cực rõ nét tới TTCK Việt Nam. Cụ thể, lượng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng tới dưới 1 năm trong giai đoạn lãi suất huy động đạt đỉnh ở 10-12/2022 đã đáo hạn và nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động đã khiến lượng tiền này phần nào trở lại TTCK khi các yếu tố tiêu cực nhất đã xuất hiện và phản ánh vào thị trường ở năm qua.
Thứ hai, tỷ giá ổn định. Tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Vietcombank đã giảm 4,9% so với mức đỉnh 2022. Kết quả trên có được do dư địa thắt chặt của Fed đã không còn nhiều và quá trình “diều hâu” của Fed đang đi đến đoạn cuối, giúp giảm áp lực cho tỷ giá VND. Việc tỷ giá ổn định sẽ giúp NHNN có thêm dư địa để theo đuổi chính sách nới lỏng.
Bên cạnh đó, việc Fed chưa quyết định đảo chiều chính sách trong thời điểm hiện tại sẽ giúp ổn định tâm lý cho thị trường đầu tư. Bởi lẽ trong quá khứ, các giai đoạn Fed hạ lãi suất đều đi kèm với tình trạng lao dốc trên TTCK khi liên quan tới các cuộc khủng hoảng như: Suy thoái 1969, suy thoái 1973, suy thoái kép 1982, bong bóng Dotcom năm 2000 và khủng hoảng nhà đất năm 2008.
Nguyên nhân chính được đưa ra do (1) tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan khi cho rằng động thái nới lỏng được thúc đẩy khi nhà điều hành đã có đánh giá tiêu cực vể triển vọng vĩ mô, (2) khủng hoảng đã xảy ra và hành động của Fed giờ đây ít có khả năng cải thiện nền kinh tế trong ngắn hạn.
Thứ ba, tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn. Tâm lý của nhà đầu tư cá nhân đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường do những yếu tố tiêu cực nhất đã diễn ra và phản ánh vào thị trường trong năm 2022. Mặt khác, các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn như lãi suất tiết kiệm sụt giảm nhờ các chính sách của NHNN, thị trường trái phiếu chưa được gỡ rối hoàn toàn và bất động sản vẫn đang gặp vấn đề về pháp lý cùng việc nợ vay vẫn đang ở mức cao.
Bên cạnh đó, các CTCK đã tích cực triển khai những chương trình kích cầu kể từ đầu năm 2023 đến nay. Cụ thể, lãi suất margin cao nhất của top 20 CTCK có dư nợ cao nhất tính đến Q1/2023 đã giảm từ mức 14-15,6%/năm xuống còn 8-9%/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các CTCK đang triển khai chương trình ưu đãi phí với mức thấp là 0% cùng các chương trình nhận quà khi giới thiệu khách hàng mới.
Với những yếu tố trên, thị trường đã bắt đầu khởi sắc hơn kể từ cuối tháng 4/2023 và thanh khoản đã liên tục bùng nổ, đạt mức trung bình hơn 12.000 tỷ đồng/phiên trong suốt 1 tháng trở lại đây. Số tài khoản mở mới tăng trưởng trở lại trong tháng 5.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng định giá dần trở nên hấp dẫn sau khi lãi suất hạ nhiệt cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Tỷ suất E/P của VN-Index trung bình trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 rơi vào khoảng 8% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh (ở mức 7,2%) đã bị thu hẹp đáng kể khi định giá của thị trường lại bật tăng do kết quả kinh doanh Q1/2023 kém tích cực.
"Mặc dù mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán. Tuy nhiên, với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và dần được cải thiện trong thời gian còn lại cùng mặt bằng lãi suất huy động khả năng cao sẽ tiếp tục đi lùi khi các chính sách của NHNN đã bắt đầu có kết quả thì kênh chứng khoán sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây vẫn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng hoặc mua vào để đón đầu xu hướng này", báo cáo TPS nêu rõ.
Nhịp sống thị trường