Bà Tomomi Inada - bóng hồng quyền lực ở Bộ Quốc phòng Nhật
Trái với bề ngoài có vẻ “liễu yếu đào tơ”, tân Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nổi tiếng là người mạnh mẽ, kiên định với tư tưởng cứng rắn, dân tộc chủ nghĩa.
- 05-08-2016Takashimaya - Đại gia bán lẻ Nhật mới vào Việt Nam: "Phượng hoàng lửa" từ đống tro của 2 cuộc Thế chiến
- 02-08-2016Trung Quốc "khát" hàng Nhật
- 01-08-2016"Tấn bi kịch" của NHTW Nhật Bản
Quyết định bổ nhiệm bà Tomomi Inada làm bộ trưởng quốc phòng là một lựa chọn có tính toán của Thủ tướng Shinzo Abe, trong bối cảnh khu vực Đông Á đang còn nhiều bất ổn.
Bà là người phụ nữ thứ hai giữ chức bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, trước đó là bà Yuriko Koike, người vừa trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của Tokyo hôm 31-8.
Rất được lòng thủ tướng
Việc chọn bà Inada, vốn có rất ít kinh nghiệm về an ninh quốc tế, làm bộ trưởng quốc phòng cho thấy sự tín nhiệm của Thủ tướng Abe với nữ chính trị gia 57 tuổi. Trên thực tế, gần 11 năm qua con đường chính trị của bà Inada ít nhiều có dấu ấn của ông Abe.
Năm 2005, bà được ông Abe, khi đó vẫn chưa làm thủ tướng, chú ý sau bài phát biểu trong một phiên họp của Đảng Dân chủ tự do (LDP) về các vấn đề liên quan tới tội ác chiến tranh của phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai. Bà Inada khi đó lập luận rằng Tòa án quân sự quốc tế vùng Viễn Đông (hay còn được gọi là Tòa án tội ác chiến tranh Tokyo) được thành lập sau năm 1945 đã bóp méo vai trò và trách nhiệm của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Thời điểm bà Inada được chỉ định làm chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP, nhiều tạp chí Nhật Bản đánh giá ông Abe dường như rất tin tưởng bà Inada bởi vị trí đó chỉ dành cho các chính trị gia lâu năm và dày dạn kinh nghiệm của đảng này. Giới truyền thông khi đó còn nhận định nhiều khả năng bà Inada sẽ được ông Abe đề cử làm thủ tướng Nhật Bản trong tương lai.
Một năm sau đó, phát biểu trong một cuộc họp của LDP năm 2015, Thủ tướng Abe đã ví bà Inada như Jeanne d'Arc, nữ anh hùng nông dân người Pháp đã giúp nước Pháp giành nhiều thắng lợi trong cuộc “Chiến tranh trăm năm” với người Anh thế kỷ 15. Điều này cho thấy ông Abe coi trọng bà Inada như thế nào.
Nguyên nhân của sự tín nhiệm này, theo Wall Street Journal (WSJ), phần lớn xuất phát từ sự tương đồng giữa hai người trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các quan điểm chính trị - lịch sử và chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Bà Inada thường xuyên viếng thăm đền Yasukuni, vốn bị Trung Quốc và Hàn Quốc xem là biểu tượng của chế độ quân phiệt Nhật, cũng như bác bỏ và biện hộ các vấn đề bị xem là tội ác chiến tranh của phát xít Nhật.
Nữ chính trị gia cũng là người ủng hộ nhiệt thành kế hoạch cải tổ hiến pháp hòa bình của Nhật Bản hậu Thế chiến thứ hai, tăng cường hơn nữa vai trò của quân đội trong các vấn đề quốc tế.
Cái gai trong mắt Trung, Hàn
Chính quyền Bắc Kinh đang khá cảnh giác và khó chịu trước việc bà Inada được chọn làm bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã không ít lần gọi bà Inada là “chính trị gia cánh hữu điển hình” sau những chuyến thăm đền Yasukuni và phát ngôn của bà.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong phản ứng mới nhất ngày 5-8, đã cáo buộc bà Inada “âm mưu che đậy lịch sử xâm lược của Nhật, thách thức trật tự quốc tế bằng cách làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt” khi bà từ chối nói về các vụ thảm sát dân thường Trung Quốc do phát xít Nhật thực hiện.
Còn Seoul cũng nhiều lần chỉ trích các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của bà Inada trong giai đoạn trước. Năm 2011, bà bị Hàn Quốc từ chối cho nhập cảnh khi đang tìm cách tới thăm quần đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chuyên gia Takashi Kawakami thuộc Trường đại học Takushoku nhận định việc bổ nhiệm bà Inada là bước đi để hiện thực hóa tham vọng địa chính trị của ông Abe và Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ không để quá khứ thất bại hơn 70 năm trước ám ảnh và tiếp tục mở rộng vai trò của quân đội ra ngoài lãnh thổ.
11 năm để leo lên vị trí quyền lực
● Tốt nghiệp Đại học Waseda năm 1981, bà Tomomi Inada chọn con đường trở thành luật sư và làm việc cho Đoàn luật sư thành phố Osaka, miền nam Nhật Bản năm 1985, rồi chuyển công tác sang Đoàn luật sư Fukui năm 2008.
● Tháng 9-2005, với tư cách là ứng cử viên chính thức của LDP, bà Inada trúng cử vào Hạ viện Nhật Bản và tiếp tục tái đắc cử bốn năm sau đó.
● Năm 2012, bà được chỉ định làm bộ trưởng cải cách hành chính trong nội các của Thủ tướng Abe và giữ vị trí này đến hết tháng 9-2014, rồi được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP.
● Chỉ hai năm sau đó, ngày 3-8-2016 Thủ tướng Shinzo Abe chỉ định bà Inada trở thành bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản.
Bà Tomomi Inada kết hôn với ông Ryu Inada, bạn học chung tại Đại học Waseda, năm 1989. Ông Ryu Inada cũng là luật sư và đang làm việc tại thành phố Osaka. Cả hai người đã có hai người con, một trai một gái.
Ngoài tham gia các hoạt động chính trị, bà Inada còn viết sách và nhiều bài cho các tạp chí khác nhau về các vấn đề chính trị, pháp lý và lịch sử. Phần lớn trong số này cho thấy bà có tư tưởng cứng rắn, chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ.
Tuổi trẻ