MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bậc cha mẹ cần lưu tâm: Những năm tháng đầu đời của con trẻ, không được chê con dốt, ngay cả khi đó chỉ là lời mắng yêu

17-11-2021 - 20:34 PM | Sống

Bậc cha mẹ cần lưu tâm: Những năm tháng đầu đời của con trẻ, không được chê con dốt, ngay cả khi đó chỉ là lời mắng yêu

Khi bị chính cha mẹ mình nói bản thân ngu ngốc, trẻ sẽ thu mình lại và trở nên nhút nhát hơn. Chúng làm điều gì cũng lo lắng sợ hãi vì e ngại bị người khác nói mình ngu ngốc.

(1)

Tôi có một người bạn, anh ấy nói rằng mình rất sợ phạm lỗi, luôn cảm thấy không an toàn.

Tôi từng nghĩ đó là vấn đề về tính cách, nhưng sau này tôi mới biết đó là do ảnh hưởng bởi gia đình.

Anh ấy nói: "Từ nhỏ đến lớn, bất kể tôi nói gì làm gì cũng đều bị cho là sai cả. Bố chưa từng một lần tán dương tôi. Nếu tôi có đánh nhau với bạn bên ngoài, khi về nhà bố sẽ trực tiếp đánh tôi. Bố mắng tôi chỉ giỏi gây chuyện mà không cần biết đầu đuôi ra sao.

Anh tiếp tục: "Có lúc trong bữa cơm, khi tôi đang kể một câu chuyện nào đó, bố sẽ đá vào chân tôi một cái rất đau, trừng mắt ra hiệu không cho tôi nói tiếp. Mỗi lần bị đá như vậy, tôi đều rất hoảng sợ."

Những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn không được cha mẹ tán dương khen ngợi, thường thiếu tự tin và không có cảm giác an toàn.

Mấy ngày trước tôi có nhận được email của một người mẹ:

Cô ấy nói chồng mình là người sống nội tâm. Anh ấy không thích giao lưu. Quan hệ của anh với con gái cũng rất tệ.

Cô luôn cảm thấy bất lực về điều đó.

Một lần, con gái cô có bài tập chính tả, chồng cô hướng dẫn con làm bài. Anh đã bắt con viết vài chục lần mỗi chữ con không biết.

Con gái khóc nói rằng nó không muốn viết, nó cảm thấy quá nhiều.

Anh bảo ban con: "Hồi bố đi học, bố phải chép bài còn nhiều hơn chỗ này rất nhiều".

Con gái vẫn không ngừng khóc.

Chồng tôi mất kiên nhẫn, bắt đầu nổi cáu la mắng con.

Sau đó, cô có nói chuyện nhưng thái độ của anh ấy rất tệ. Thậm chí, có lần anh còn mắng: "Sao mình lại sinh ra một đứa con kém thông minh như vậy".

Sự chối bỏ của người bố hết lần này đến lần khác sẽ dần dần làm tổn thương tâm hồn cô bé.

Kèm trẻ học là lúc thử thách trí tuệ và đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ nhất. Bởi lúc này cha mẹ thường khó khống chế được cảm xúc của mình.

"Tại sao dễ như vậy cũng không biết làm!!!" (So sánh kinh nghiệm hàng chục năm của bạn với con trẻ?)

"Tại sao tao lại sinh ra một đứa ngu như mày" (Bạn luôn cho rằng mình thông minh?)

"Viết tiếp đi, viết lại chục lần xem nào."

Bậc cha mẹ cần lưu tâm: Những năm tháng đầu đời của con trẻ, không được chê con dốt, ngay cả khi đó chỉ là lời mắng yêu - Ảnh 1.

 (2)

Bản thân tôi cũng rất đau đầu về việc dạy con. Có lần, bài tập về nhà là học thuộc một khổ thơ lục bát, cậu con trai có học thế nào cũng vẫn bị quên mất một câu. Lúc đấy tôi cảm thấy mình bắt đầu nổi cáu.

Nhưng tôi không muốn làm con sợ, cho nên đã đứng dậy ra ngoài uống vài ngụm nước và tự nhủ với bản thân phải thật bình tĩnh. Tôi tự động viên bản thân, con mình dù sao cũng đã học thuộc được 75%, thế là cũng không tệ rồi.

Vì vậy, khi tôi trở lại, con thấy sắc mặt tôi không còn khó coi, ngược lại thoải mái hơn rất nhiều.

Tôi cùng con đọc thêm 3 lần. Khi đã nhớ hòm hòm rồi, tôi đặt cuốn sách xuống và nói: "Đi chơi đi, buổi tối tắm rửa chúng ta cùng nhau đọc lại lần nữa là được."

Khi tôi kiểm soát được cơn giận của mình, tôi sẽ không nổi nóng một cách mất kiểm soát nữa.

Bạn coi đứa trẻ như sản phẩm của chính mình. Những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu sáng tạo luôn khiến những người làm ra nó bực mình, thậm chí là muốn phá bỏ.

Nhưng liệu có đúng không khi coi con trẻ là sản phẩm? Không, chúng là những con người giống như chúng ta. Những thân hình nhỏ bé ấy chứa đựng một trái tim khao khát được thấu hiểu, yêu thương và tôn trọng.

(3)

Ai trong chúng ta khi còn nhỏ, cũng đều rất quan tâm đến việc người khác nghĩ về mình.

Tất nhiên, sẽ có những đánh giá tốt và những đánh giá không tốt.

Trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng có một giai đoạn như vậy. Chúng bắt đầu tự đánh giá bản thân và bắt đầu hình thành "khái niệm về bản thân".

Về góc độ tâm lý học, nếu dùng thái độ tích cực để đối xử với trẻ, gợi ý và hướng dẫn đúng đắn, trẻ sẽ có khả năng phát triển theo hướng tích cực.

Ngược lại, nếu có thành kiến ​​với trẻ hoặc luôn nói những điều tiêu cực, rất có khả năng trẻ phát triển theo chiều hướng ngược lại.

Có một số bậc cha mẹ thường xuyên la mắng mỗi khi con làm sai điều gì.

Khi con làm bài tập sai, họ sẽ nói: "Sao mày ngu thế! Có bài dễ thế này cũng không làm được thì sau này làm nên trò trống gì".

Nếu trẻ bị bạn khác bắt nạt, bố mẹ sẽ nói: "Ngu quá vậy! Sao lần nào cũng là mày bị bắt nạt, mày không biết đánh lại à!"

Nếu điểm kiểm tra không đạt yêu cầu thì họ sẽ nói: "Ngu hết chỗ nói! Có việc học cũng không nên hồn."

Khi bị chính cha mẹ mình nói bản thân ngu ngốc, trẻ sẽ thu mình lại và trở nên nhút nhát hơn. Chúng làm điều gì cũng lo lắng sợ hãi vì e ngại bị người khác nói mình ngu ngốc.

Bậc cha mẹ cần lưu tâm: Những năm tháng đầu đời của con trẻ, không được chê con dốt, ngay cả khi đó chỉ là lời mắng yêu - Ảnh 2.

 (4)

Một bác tài xế taxi da đen chở hai mẹ con da trắng, đứa bé hỏi mẹ: "Tại sao nước da của bác tài xế lại khác chúng ta vậy mẹ?"

Người mẹ mỉm cười trả lời: " Thượng đế vì muốn làm cho thế giới trở nên rực rỡ hơn, đã tạo ra những con người có nhiều màu sắc khác nhau con ạ".

Thật là một câu trả lời thông thái và tử tế!

Đến nơi, chú lái xe da đen nhất quyết không chịu nhận một đồng nào.

Anh nói: "Khi tôi còn nhỏ, tôi đã hỏi mẹ mình câu hỏi tương tự. Nhưng mẹ tôi lại trả lời rằng chúng tôi là người da đen. Trời sinh chúng tôi là những con người ở tầng lớp thấp kém. Nếu bà ấy thay đổi câu trả lời giống như của cô, thì hôm nay tôi đã có thể là một người rất khác ..."

Cha mẹ đừng bao giờ áp đặt quan niệm hay tầm nhìn cuộc sống của mình lên con trẻ, cũng đừng đem những bất mãn với cuộc sống trút lên người chúng.

Bởi những gì bạn nói sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận hay khái niệm về cuộc sống của trẻ.

Hãy nhớ rằng, những lời nói ấm áp sẽ sưởi ấm cả một đời con trẻ, còn những lời nói gây tổn thương sẽ như những cơn ác mộng bám lấy chúng mãi không buông.

Theo Đình Trọng

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên