Bác đề xuất điều chỉnh thuế với xăng E5 và A95
Trước đề xuất điều chỉnh thuế môi trường với xăng E5 và A95 của Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi cho rằng, bất kỳ đề xuất nào cũng phải hợp lý mới có thể áp dụng.
Theo ông Thi, nếu đề xuất của Saigon Petro là muốn giãn chênh lệch giá xăng E5 và A95, thực tế thuế tiêu thụ đặc biệt đã đảm nhận việc này. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 chỉ là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng A95 là 10%. Vì vậy, đề xuất của Saigon Petro là không phù hợp và Bộ Tài chính sẽ có văn bản chính thức trả lời cho phía Saigon Petro. Theo tính toán của Saigon Petro, nếu tính theo số liệu về sản lượng xăng A92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước, trung bình xăng A92 tiêu thụ khoảng 500.000 m3/tháng. Nhưng từ khi triển khai bán đại trà xăng E5 (từ 1/1/2018 đến nay), loại xăng này được tiêu thụ chỉ bằng một nửa lượng xăng A92.
Tính toán của Saigon Petro cho thấy, hiện chênh lệch giá giữa xăng E5 và A95 là 1.600 đồng/lít. Nếu tính lượng xăng tiêu thụ chỉ trong 2 tháng đầu năm, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, theo đại diện Saigon Petro, do tâm lý người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng E5 nên nhiều loại động cơ xe máy chỉ cần dùng A92 hoặc E5, không cần thiết phải sử dụng xăng A95 giá cao.
Số liệu của Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, lượng xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,21 triệu tấn và kim ngạch tăng 54,6%, đạt 1,4 tỷ USD. Xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ các nước Đông Nam Á. Riêng thị trường các nước Đông Nam Á cung cấp tới 60,7% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam, với gần 1,34 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, trị giá 805,71 triệu USD.
Tiền phong