Bắc Kạn: Triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế
Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về phát triển kinh tế, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2023.
- 10-09-2023Doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nhiều thử thách
- 10-09-2023Đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Vân Phong- Nha Trang
- 10-09-2023Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn được hưởng ưu đãi gì?
Bước sang năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bắc Kạn tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, toàn quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế Bắc bộ.
Định hướng bằng chính sách
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Kạn định hướng phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Nhờ vậy, tổng diện tích cây trồng vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 là 22.214/23.707 ha đạt 96% KH, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt (lúa ruộng, ngô lấy hạt) 16.902 /17.044 ha đạt 94% KH, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 77.606/84.074 tấn, đạt 92% KH, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian qua, tỉnh cũng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện sinh khối; quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên tại Khu du lịch hồ Ba Bể, động Hua Mạ, hang Thẳm Làng, hồ Nặm Cắt, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, khu rừng nguyên sinh Nà Noọc,... với những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, hoang sơ và cấu tạo địa chất độc đáo, hệ sinh thái đa dạng.
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể bằng nhiều hình thức. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ hợp tác xã bằng cách xây dựng đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX (hợp tác xã); tỉnh còn thành lập tổ công tác hỗ trợ nguồn nhân lực cho các HTX trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh sách hợp tác xã được hỗ trợ nguồn nhân lực giai đoạn 2022 - 2025. Trong 8 tháng năm 2023, tỉnh đã tư vấn hỗ trợ cho 108 lượt HTX về hồ sơ thủ tục, đăng ký lại ngành nghề, đại hội nhiệm kỳ, tư vấn các HTX tham gia sản phẩm OCOP, hỗ trợ tiếp cận vốn vay và các chính sách thuế…
Về công tác phát triển các ngành kinh tế theo hướng xanh, tỉnh Bắc Kạn tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất chế biến nông nghiệp và công nghiệp; khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án tài nguyên có khả năng tái tạo. Đồng thời, áp dụng công nghệ cao trong khai thác và chế biến để tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình sản xuất sạch cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường; từng bước thu hút đầu tư phát triển các dự án trong ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao sử dụng nguyên, vật liệu đầu vào từ ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù vậy, do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nên số lượng doanh nghiệp, HTX ngừng hoạt động còn cao, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án đầu tư ngoài ngân sách đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan có lúc chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả phối hợp chưa cao. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành; năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế theo định hướng đã nêu, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công năm 2023 theo kế hoạch; đôn đốc các dự án, nhà máy công nghiệp đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp để sớm có quỹ đất sạch phục vụ thu hút các dự án, song song với việc đầu tư quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn.
Nhìn thấy khó khăn, tìm cách khắc phục, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó triển khai nhiệm vụ kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại và nhiệm vụ tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước.
Song song với đó, tỉnh Bắc Kạn cũng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Đại đoàn kết