MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắc Kinh càng kiềm chế, địa phương càng lách luật nhiều: "Trung Hoa mộng" của ông Tập có nguy cơ đổ bể vì bị "núi nợ" đè

12-11-2019 - 23:19 PM | Tài chính quốc tế

"Kinh tế Trung Quốc giống như tàu Titanic, còn các khoản nợ của chính quyền địa phương giống các thùng hàng chất thành đống trên boong tàu", một nhà phân tích bình luận.

Những ngày gần đây, thị xã Nhữ Châu (thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ) đã chứng kiến một chuyện lạ lùng: Các bác sĩ và y tá được huy động giúp đỡ cộng đồng địa phương, nhưng không phải bằng chuyên môn của họ, mà bởi thị xã cần đến những đồng tiền của họ, báo New York Times đưa tin.

Tọa lạc ở trung tâm Trung Quốc , thị xã Nhữ Châu hiện nay có khoảng 1 triệu người đang sinh sống và làm việc. Theo NYT, chính quyền địa phương cho biết họ đang rất cần xây một bệnh viện mới, tuy nhiên số tiền xây dựng cơ sở này không phải từ ngân sách địa phương, mà chính quyền dự định sẽ đi vay tiền các bác sĩ và y tá của thị xã.

Các nhân viên y tế này cũng được gợi ý tới ngân hàng vay tiền nếu không có sẵn hoặc không có đủ số tiền được huy động.

So với những đồng nghiệp ở Mỹ, các bác sĩ và y tá ở Trung Quốc được trả lương thấp hơn rất nhiều. Do đó, khi đứng trước lời thỉnh cầu của chính quyền địa phương, rất nhiều người đã phàn nàn rằng họ cảm thấy áp lực khi phải xoay xở tìm cách cho chính quyền vay hàng ngàn USD để xây bệnh viện (mà nhiều người trong số họ không có sẵn số tiền này).

"Điều này cũng giống như xát muối vào vết thương vậy", một người bày tỏ ý kiến trên một diễn đàn trực tuyến. Nhiều người khác lại thì yêu cầu chính quyền địa phương giải thích lí do vì sao một dự án lớn và đắt đỏ như vậy lại lấy tiền từ túi người lao động.

Mối hiểm họa của các dự án "voi trắng"

Thực chất, thị xã Nhữ Châu quả thật đang có vấn đề nợ nần - đây chính là một phần trong núi nợ công hàng ngàn tỉ USD đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã dựa vào các khoản vay để tạo ra việc làm mới và duy trì các nhà máy hoạt động. Hiện kinh tế Trung Quốc đang trì trệ ở tốc độ yếu nhất trong gần 3 thập kỷ, tuy nhiên để chế ngự vấn đề nợ nần, chính phủ Bắc Kinh đã thắt chặt các nguồn cho vay.

 Bắc Kinh càng kiềm chế, địa phương càng lách luật nhiều: Trung Hoa mộng của ông Tập có nguy cơ đổ bể vì bị núi nợ đè - Ảnh 1.

Một trung tâm hội nghị được xây bằng tiền vay mượn ở Nhữ Châu. Ảnh: NYT.

Trước động thái của chính phủ, ngày càng có nhiều thành phố, tỉnh lị của Trung Quốc quay sang huy động vốn bằng cách sử dụng các bệnh viện, trường học và các cơ quan khác, và sử dụng những thỏa thuận tài chính phức tạp như các khoản vay tín chấp hoặc thế chấp, khiến giới quản lý ở Bắc Kinh không theo kịp.

"Cho dù đó là các khoản vay tín chấp hay thế chấp, thì đó cũng chỉ là cách chính quyền địa phương lách luật để vay tiền", ông Chen Zhiwu, Giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu tại Đại học Hong Kong, nhận định. "Hôm nay anh cấm được một đường, thì ngày hôm sau họ lại tìm ra đường khác".

"Đó là lí do vì sao Bắc Kinh đã thảo luận về chuyện hạn chế chính quyền địa phương vay tiền trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết triệt để", ông Chen nói.

Các chính quyền địa phương từ lâu đã sử dụng các khoản chi tiêu lớn để duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Chỉ riêng Nhữ Châu đã sở hữu rất nhiều dự án "voi trắng" (lãng phí nhưng không sinh lời), như một nơi vốn là sân vận động và khu liên hợp thể thao, sau đó được sử dụng làm trung tâm thương mại điện tử, nhưng giờ đây hầu như bị bỏ trống. Một dự án "voi trắng" khác là tái quy hoạch một khu dân cư tồi tàn, nhưng đã bị trì hoãn vì thiếu kinh phí.

Các khoản nợ tiềm ẩn tại những nơi như Nhữ Châu là một thách thức lớn đối với chính quyền Bắc Kinh. Chúng có nguy cơ gây gián đoạn hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu chúng khơi mào cho một phản ứng dây chuyền và lan rộng sang các tỉnh thành khác trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ buộc phải xem xét lại biện pháp cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn hết, cuộc sống của người dân sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

 Bắc Kinh càng kiềm chế, địa phương càng lách luật nhiều: Trung Hoa mộng của ông Tập có nguy cơ đổ bể vì bị núi nợ đè - Ảnh 2.

Một công trường xây dựng bị bỏ hoang. Ảnh: NYT

Không ai có thể dự đoán được vấn đề nợ nần này có thể lớn đến mức nào. Con số được Bắc Kinh đưa ra cho đến thời điểm hiện tại là 2.500 tỉ USD. Tuy nhiên, nhà phân tích Vincent Zhu cho rằng con số thực tế phải lên đến hơn 8.000 tỉ USD.

"Kinh tế Trung Quốc giống như tàu Titanic", ông Zhu nói. "Còn các khoản nợ của chính quyền địa phương giống như các thùng hàng trên boong tàu. Hiện nay số thùng hàng đó đã chất thành đống".

Thị xã Nhữ Châu đã vay tiền và chi tiêu theo các mục tiêu do chính phủ đề ra - điều này giúp đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ thay họ chi trả phần lớn số nợ ấy.

Khi Bắc Kinh đặt mục tiêu phát triển thể thao, thị xã này đã xây dựng khu liên hợp thể thao, trong đó bao gồm một sân vận động có khán đài 15.466 ghế ngồi, một sân bóng rổ trong nhà, và trung tâm hội nghị được xây mô phỏng theo kiến trúc của Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Khi các lãnh đạo trung ương đặt trọng tâm vào ngành kĩ thuật, Nhữ Châu đã chuyển khu liên hợp thể thao thành trung tâm thương mại điện tử và Big Data, đồng thời xây thêm một tòa nhà Thương mại Điện tử nhìn ra phía sân vận động. Hiện nay tòa nhà có sân bóng rổ và khán phòng được cho thuê, nhưng thường xuyên bị bỏ trống.

 Bắc Kinh càng kiềm chế, địa phương càng lách luật nhiều: Trung Hoa mộng của ông Tập có nguy cơ đổ bể vì bị núi nợ đè - Ảnh 3.

Một sân vận động được xây bằng tiền vay mượn, hiện gần như bị bỏ hoang ở Nhữ Châu. Ảnh: NYT.

Bắc Kinh đổi ý, địa phương khốn đốn

Tại Trung Quốc, để xây dựng được những dự án như vậy không hề đơn giản, và cần một số kĩ thuật tài chính nhất định. Thực chất quyền lực vay tiền và thu thuế của các chính quyền địa phương bị hạn chế, và họ thường phải chờ đợi các khoản trợ cấp của chính phủ hoặc bán đất cho các nhà phát triển để có tiền chi tiêu. Nhưng khoản tiền đó thường không bao giờ đủ với họ.

Để vay thêm tiền, nhiều chính quyền địa phương đã thành lập các công ty tài chính theo dạng quỹ đầu tư. Chúng còn được gọi là các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, có nhiệm vụ gây quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà không cần ghi lại khoản nợ một cách công khai.

Năm 2008, khi gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỉ USD được giải ngân để chống lại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng nhà nước đã "mở van", và dòng tiền vốn đã chảy vào các phương tiện tài chính này.

"Khi đó anh chỉ cần ngồi yên vị tại bàn làm việc, và các ngân hàng sẽ tự tìm đến hỏi xem liệu anh có cần tiền hay không", ông Gao Yinliang, Phó Giám đốc Bộ phận Tài chính của Công ty TNHH Đầu tư văn hóa Nhữ Châu, cho biết.

Thế nhưng sau đó Bắc Kinh lại đổi ý. Hai năm trước, các quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương giải quyết các món nợ tiềm ẩn do lo ngại về những khoản tiền này. Những người quản lý hệ thống ngân hàng nhà nước cũng đã thắt chặt việc cho vay.

Không thể vay nhiều tiền từ nhà nước nhưng vẫn còn những hóa đơn phải trả, Nhữ Châu đã quay sang mượn thật nhiều tiền từ các ngân hàng tư nhân cung cấp các khoản vay lãi suất cao cho các dự án công có liên kết với hệ thống bệnh viện của thị xã này. Họ đã vay hàng chục triệu USD, và rất nhanh chóng đã gặp khó khăn khi chi trả các khoản nợ này.

 Bắc Kinh càng kiềm chế, địa phương càng lách luật nhiều: Trung Hoa mộng của ông Tập có nguy cơ đổ bể vì bị núi nợ đè - Ảnh 4.

Nơi vốn là khu liên hợp thể thao, sau đó được đổi mục đích thành trung tâm thương mại điện tử. Giờ đây nơi này gần như bị bỏ hoang. Ảnh: NYT

Từ cuối năm ngoái, các ngân hàng tư nhân đã đâm đơn kiện 3 trong số các bệnh viên ở Nhữ Châu, Công ty TNHH Đầu tư văn hóa Nhữ Châu và hai quỹ đầu tư khác của chính quyền địa phương vì các cơ quan này không chịu trả món nợ 45 triệu USD. Tới tháng 8 năm nay, Công ty TNHH Đầu tư văn hóa Nhữ Châu và bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách đen của chính phủ trên toàn quốc nhằm ngăn chặn việc vay nợ và các giao dịch kinh doanh khác.

Ông Gao đã bác bỏ việc có liên quan tới các giao dịch vay nợ của chính quyền. "Chúng tôi bị dính dáng chỉ vì chúng tôi là người bảo đảm cho các khoản vay này", ông nói.

Trong khi đó, lãnh đạo các bệnh viện đã tìm ra cách lách luật mới khi bị kiện: đó là huy động tiền từ các bác sĩ và y tá, qua hình thức đóng góp trực tiếp hoặc mua trái phiếu của các quỹ đầu tư. Những người ở cấp quản lý đã bị áp chỉ tiêu huy động số vốn này.

Nhiều bác sĩ và y tá ở bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc đã phàn nàn với một tờ báo địa phương về việc họ bị yêu cầu "đóng góp" từ 14.000 - 28.000 USD/người để xây bệnh viện mới.

Trong khi đó, các bác sĩ và y tá của bệnh viện Phụ sản và Nhi Khoa Nhữ Châu nhận được yêu cầu "đầu tư" từ 8.500 - 14.000 USD, theo các thông tin được đăng tải trên truyền thông và các diễn đàn trực tuyến.

Các lãnh đạo địa phương và lãnh đạo bệnh viện đã nhanh chóng phủ nhận chuyện bắt buộc. Ông Zhang Yuhang, Giám đốc bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Nhữ Châu đã khẳng định rằng đây "hoàn toàn là việc tự nguyện", và chính sách của chính quyền trung ương đã bị bệnh viện hiểu nhầm.

Tại Nhữ Châu, vẫn còn rất nhiều dự án đang xây dựng dang dở nhưng bị trì hoãn do thiếu kinh phí. Không rõ liệu các dự án này sẽ đi đâu về đâu.

Nằm đối diện nơi vốn là khu liên hợp thể thao, sau được chuyển thành trung tâm thương mại điện tử, một công trình xây dựng khu phức hợp 4 tòa nhà đã bị bỏ hoang. Một trong số các tòa nhà ở địa điểm này treo tấm băng rôn màu đỏ tươi, với câu khẩu hiệu gợi nhớ Trung Hoa mộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Bốn công trình chung tay, cùng viết nên Trung Hoa mộng".

Theo Thi Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên