Hội nghị chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, Bắc Ninh đã sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ, chủ động ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền số, triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…
“Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm đảm bảo hiệu quả của chuyển đổi số bền vững lâu dài. Đặt ra yêu cầu quá trình chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện, đồng bộ từ cấp tỉnh, đến cấp xã; phải đo lường được quá trình chuyển đổi số quốc gia”- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Cũng theo ông Tuấn, Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi số theo từng tháng, quý, năm; theo dõi, đôn đốc việc triển khai chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương; xây dựng chỉ số đánh giá xếp hạng quá trình chuyển đổi số các sở ngành, địa phương; rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả tất cả các dự án công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ, khai tác tối đa hiệu quả dữ liệu dùng chung.
Trình bày chuyên đề chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Chỉ số đánh giá chuyển đổi số Bắc Ninh năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6. Tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu làm tốt về vấn đề nhận thức số, đã tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin mạng và phát triển chính quyền số”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày thực trạng, giải pháp để Bắc Ninh xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Hội nghị cũng nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trình bày những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU; Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc trình bày chuyên đề về an toàn thông tin và những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với tỉnh Bắc Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết di động đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương sẽ có cái nhìn toàn diện và nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo của các cấp từ huyện đến xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó, triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị mình.
Các đại biểu bấm nút khai trương tại hội nghị chuyển đổi số.
Tính đến 30/8/2022, Bắc Ninh có 3.334.900 văn bản điện tử được trao đổi thông qua hệ thống, đạt trên 90%. Tỷ lệ ký số và tạo lập hồ sơ công việc có ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt 91.2%, cấp huyện đạt 92.5%, cấp xã đạt 96%. Chuyển đổi số bước đầu đã có những đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh; tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị điều hành cấp tỉnh, năm 2021 tăng 3 hạng thứ bậc, đứng thứ 7 trên tổng số 64 tỉnh thành trong cả nước…