Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh mổ xẻ bản vẽ tay 'cỗ máy' gây ra thảm hoạ chạy thận Hoà Bình
Do tank RO2 đã nhiễm bẩn độc chất và nếu không được rửa sạch hoàn toàn, thì việc dùng hệ thống RO1 để thay thế hệ thống RO2 cũng không có ý nghĩa gì. Thảm hoạ vẫn xảy ra!
- 19-01-2019[Nóng] Luật sư vụ án chạy thận bất ngờ tuyên bố 'sốc': Có chứng cứ về việc đầu độc giết người!
- 19-01-2019Cuộc đối đáp đặc biệt nhất vụ án chạy thận: GS đầu ngành nói "rất cám ơn anh đã hỏi câu này, vì sự áp dụng này rất nhiều người đã chết!"
LTS: Phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người chết ở Hoà Bình diễn ra từ ngày 14/1/2019, sau một tuần xét hỏi đã có không ít thay đổi so với phiên sơ thẩm lần trước.
Nhân vật "trung tâm" gây chú ý lần này là bị cáo Bùi Mạnh Quốc với sự thay đổi lời khai so với 14 bút lục lưu lại tại cơ quan điều tra và lời khai ở phiên xét xử sơ thẩm lần 1.
Đây là những lời khai quan trọng có tính chất như "chìa khoá" mở ra những bí ẩn của vụ án. Chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh , người nghiên cứu rất sâu về hệ thống RO để giải đáp những thông tin mang tính chất chuyên môn trong lời khai của Quốc.
Những phân tích về hành động của Quốc đề cập trong bài dưới đây dựa trên lời khai của Quốc tại phiên toà đã được ghi âm.
PV: Thưa bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, có rất nhiều thông tin kỹ thuật được bị cáo Quốc cung cấp trước toà làm độc giả khó hiểu. Do vậy chúng tôi muốn tham vấn và mong ông có thể giải thích 1 số thông tin về mặt kỹ thuật mà chúng tôi ghi âm được để cho độc giả có thể dễ dàng tiếp tục theo dõi phiên toà.
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Vâng, được ạ. Tuy nhiên, với hiểu biết của mình, tôi chỉ trả lời về mặt kỹ thuật thôi!
PV: Trong phiên toà này bị cáo Quốc nhiều lần nhấn mạnh về sự khác nhau giữa vòng tuần hoàn và hệ thống RO. Quốc khai chỉ dùng Javen để tiệt trùng vòng tuần hoàn còn dùng hoá chất (HCl-HF-Citric) để vệ sinh màng RO và vỏ màng RO. Vậy xin ông giải thích sự khác biệt này là gì?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thật ra đây là sự không thống nhất các thuật ngữ chuyên môn.
Hệ thống RO nhìn chung có thể chia ra làm 2 phần: phần sản xuất ra nước RO mà Quốc gọi là "hệ thống RO" gồm các thiết bị xử lý nước trước màng RO, bơm cao áp, màng RO và phần phân phối nước RO tới các máy thận mà Quốc gọi là "vòng tuần hoàn" gồm các ống dẫn, tank RO thành phẩm và bơm hoàn lưu.
PV: Trong phiên toà ngày 15/01/2019, Quốc khai là đã "xả đáy" hoàn toàn tank RO số 2 vào ngày chủ nhật 28/5/2017. Vậy "xả đáy" là gì và tại sao lại phải xả đáy?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Trước khi trả lời câu hỏi này ta phải biết cấu tạo chuẩn của một tank chứa nước RO.
Không nói về yêu cầu vật liệu đặc biệt khi sản xuất tank RO, tank chứa nước RO đơn giản là một bể chứa nước RO thuộc phần phân phối nước RO tới máy thận (vòng tuần hoàn).
Bể này có một đường dẫn nước từ màng RO vào đổ vào tank được lắp trên nóc tank, một đường dẫn nước ra để phân phối nước tới máy thận thường được lắp ở phần thấp của tank và một đường nước hồi từ các máy thận đổ về được lắp trên nóc tank.
Phía đáy tank, phần thấp nhất của tank, có 1 van xả đáy. Van xả đáy buộc phải lắp thấp hơn đường nước ra để đảm bảo xả hết được nước trong tank khi cần.
Khi tiến hành tiệt trùng "vòng tuần hoàn", thường các nhân viên kỹ thuật sẽ đổ hoá chất, trong trường hợp này Quốc khai là Javen, vào tank RO, rồi sẽ bật bơm "tuần hoàn" để Javen chảy trong "vòng tuần hoàn" đi qua các cổng cấp nước cho máy thận nhân tạo rồi trở về tank RO. Bằng cách này toàn bộ đường ống và tank RO của "vòng tuần hoàn" được tiếp xúc với Javen và được tiệt trùng.
Kết thúc quá trình tiệt trùng, nhân viên kỹ thuật phải tiến hành mở van xả đáy để xả bỏ hoá chất trong tank. Tuy nhiên hoá chất vẫn có thể bám trong thành tank và trong đường phân phối nước nên nhân viên kỹ thuật lại phải cấp lại nước sạch (nước RO) cho tank và cho chạy quẩn, rồi lại xả đáy.
Quá trình này phải lặp đi lặp lại cho đến khi nào mẫu nước cuối nguồn (lấy ở cổng cấp nước cho máy thận) âm tính với hoá chất được chọn để khử khuẩn. Trong trường hợp dùng Javen, ta có thể lấy que thử Chlor để thử xem nước còn có Javen hay không.
Sơ đồ màng RO liên quan tới hiện tượng nhiễm bẩn độc chất
PV: Quốc khai đã khoá van kết nối nằm giữa màng RO và tank RO2 trước khi tiến hành vệ sinh 4 vỏ màng RO bằng hỗn hợp 3 acid (HCl, HF, và Citric) và không dùng hỗn hợp 3 acid này để tiệt trùng "vòng tuần hoàn". Vậy tại sao 3 acid này vẫn có thể chạy vào tới máy thận để gây ra thảm hoạ?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thứ nhất van đó không gọi là van kết nối mà phải gọi chính xác là van điều chỉnh áp lực xuyên màng RO.
Dưới tác dụng của áp lực xuyên màng, nước bị ép chui qua màng RO vào khoang sau màng để tạo thành nước RO tinh khiết và được dẫn vào "đường thu nước RO", các thành phần hoà tan trong nước không đi qua được màng RO sẽ ở lại trong khoang trước màng và đi ra đường thải.
Van này nếu mở tối đa, sẽ tạo ra áp lực xuyên màng cao nhất, và nếu đóng hoàn toàn sẽ tạo ra áp lực xuyên màng bằng 0. Nếu đóng hoàn toàn van này, và màng RO vẫn còn được lắp trong hộp vỏ màng RO, thì khi bật bơm cao áp, nước sẽ đi từ đường vào ra đường xả và không có nước RO được tạo ra.
Do vậy trong các hướng dẫn về tái tạo màng RO bị tắc do mảng cặn, không nhà sản xuất nào cho phép tháo màng RO ra khỏi hộp màng, và cũng không có khái niệm vệ sinh vỏ màng.
Còn về chuyện tại sao hỗn hợp 3 acid lại có thể chạy vào tới tận máy thận để gây ra thảm hoạ thì lần trước tôi đã giải thích về vấn đề này rồi ( xem tại đây ). Cơ bản là Quốc tháo 4 màng RO ra khỏi 4 hộp vỏ màng RO. Bằng việc này, Quốc đã mở thông "đường thu nước RO" với hộp vỏ màng RO.
Quốc khai đổ hỗ hợp 3 acid trên vào hộp vỏ màng và bật bơm cao áp để sục xả. Hỗn hợp 3 acid này về nguyên tắc sẽ được khuấy lên trong hộp vỏ màng rồi sẽ chảy ra đường xả và "đường thu nước RO".
Lần trước Quốc không khai là Quốc có khoá van chỉnh áp xuyên màng hay không, nhưng lần này Quốc lại khai là có khoá van này trước khi sục xả 4 vỏ màng. Tuy nhiên từ hộp vỏ màng tới van trên có 1 đoạn ống chết (đoạn ống chết chính là đoạn đầu của đường thu RO mà van chỉnh áp phía sau bị khoá hoàn toàn), hoá chất dưới tác dụng của bơm cao áp vẫn được bơm vào đoạn ống chết này.
Do vậy khi kết thúc quá trình sục xả "vệ sinh vỏ màng RO", Quốc lắp màng RO vào thì 1 lượng hỗn hợp 3 acid trên đã nằm sau màng RO. Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm bẩn hoá chất nước RO.
Hơn nữa, có một thông tin rất thú vị trong lời khai của Quốc. Quốc khai là nhận thấy đồng hồ đo độ dẫn điện vọt lên tới vô cực, rồi từ từ giảm xuống tới 8.6 sau khoảng thời gian 1 giờ. Tôi đã cố gắng nghe nhưng không thể xác định được hiện tượng trên được Quốc quan sát vào thời điểm nào!
Nếu Quốc quan sát thấy trong giai đoạn sục xả "vệ sinh 4 vỏ màng" thì Quốc đã không khoá van chỉnh áp xuyên màng RO như đã khai trước toà lần này, và đã bơm thẳng hỗn hợp 3 acid trên vào tank RO2.
Nếu Quốc quan sát được hiện tượng này sau khi đã lắp lại màng RO vào vỏ màng thì Quốc buộc phải mở van chỉnh áp xuyên màng RO.
Sơ đồ màng RO liên quan tới hiện tượng nhiễm bẩn độc chất
PV: Vô cực là gì, thưa ông?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Vô cực là giá trị độ dẫn điện vượt ngưỡng cao nhất có thể đo được của đồng hồ. Điều này cho thấy nồng độ các chất tích điện trong nước rất rất cao.
PV: Làm sao ông có thể khẳng định là Quốc hoặc không khoá van chỉnh áp xuyên màng RO hoặc mở van này ra để hỗn hợp 3 acid trên chảy vào tank RO2
BS Bùi Nghĩa Thịnh: À, tôi nói thế vì có hiện tượng sụt giảm giá trị độ dẫn điện mà Quốc đã quan sát thấy.
Đồng hồ đo độ dẫn điện được lắp ngay sau màng RO và trước van chỉnh áp xuyên màng RO. Nếu không có dòng chảy, tức là van chỉnh áp xuyên màng RO ở vị trí khoá hoàn toàn, đồng hồ đo độ dẫn điện sẽ cho ra giá trị hằng định, trong trường hợp này là vô cực. Giá trị vô cực này là kết quả độ dẫn điện đo được của hỗn hợp 3 acid đang nằm trong đoạn ống chết.
Tuy nhiên ở đây có sự sụt giảm giá trị độ dẫn điện từ vô cực xuống 8.6, điều này chứng tỏ có nước với độ dẫn điện thấp hơn (nước mới) đã được hoà thêm vào và làm loãng dần nồng độ chất tích điện trong nước đi qua cảm biến của đồng hồ đo.
Vụ xét xử BS Lương: Giải mã 'bí ẩn lớn' cuối cùng mà cả phiên tòa chưa ai trả lời được!
Bác sĩ bị toà "không cho nói" trong phiên xử Hoàng Công Lương tiết lộ những chuyện chấn động về ngành Y
Vợ chồng luật sư 'bẻ chiều' vụ án chạy thận: Hơn một lần rùng mình kinh hãi; bảo vệ BS Lương trở thành thứ yếu!
"Nước mới" có độ dẫn điện thấp hơn có thể là nước máy với độ dẫn điện khoảng 200 microSiemens/cm trong trường hợp chưa lắp màng RO vào hộp vỏ màng hoặc là nước RO với độ dẫn điện cụ thể của trường hợp này là 8.6 microSiemens/cm trong trường hợp đã lắp màng RO vào hộp vỏ màng.
Với thiết kế của hệ thống RO, van chỉnh áp xuyên màng RO buộc phải mở thì "nước mới" mới được hoà thêm vào hỗn hợp dung dịch 3 acid đang có ở đầu đoạn ống thu RO (chính là đoạn ống chết khi van chỉnh áp đóng). Sau 1 giờ giá trị mới về tới 8.6 và với công suất 1000L/h của hệ thống RO2, thì nửa tank RO2 đã được đổ đầy bằng nước có hỗn hợp 3 acid trên.
PV: Tôi nghe nói đồng hồ đo độ dẫn điện bị hỏng cơ mà!
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Đồng hồ đo độ dẫn điện vẫn đo được giá trị tới tận vô cực, và giảm dần để về tới 8.6 microSiemens/cm. Theo tôi thì đồng hồ bị sai số. Con số 8.6 có thể không chính xác, chị có thể liên lạc với Viện Khoa Học Hình Sự Bộ Công An để biết được mức độ sai số của đồng hồ đo độ dẫn điện của BV Hoà Bình.
PV: Thưa ông, từ phân tích của ông tôi có thể hiểu hỗn hợp 3 acid gây chết người trên là chính Quốc đã bơm vào tank RO2?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Xin cho tôi không trả lời câu hỏi này của chị.
PV: Có ý kiến cho rằng nếu bệnh viện ngày 29/5/2017 ngừng khai thác hệ thống RO2 và chuyển qua dùng hệ thống RO1 để thay thế sản xuất nước RO thì thảm hoạ đã không xảy ra?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Mời chị nhìn vào bản sơ đồ vẽ tay của Quốc. Trên sơ đồ này cho thấy tank RO1 kết nối với tank RO2, rồi từ tank RO2 mới có đường ra "vòng tuần hoàn" để cấp nước cho các máy thận.
Sơ đồ thiết kế hệ thống RO số 2 của BV ĐK HB được Quốc vẽ tay tại cơ quan điều tra.
Do tank RO2 đã nhiễm bẩn độc chất và nếu không được rửa sạch hoàn toàn, thì việc dùng hệ thống RO1 để thay thế hệ thống RO2 cũng không có ý nghĩa gì. Thảm hoạ vẫn xảy ra!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện có rất nhiều thông tin!
Trí thức trẻ