MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh gây ho triền miên không dứt nhiều năm, không thể điều trị hồi phục

10-06-2020 - 15:00 PM | Sống

Giãn phế quản là tổn thương không thể hồi phục được. Biến chứng giãn phế quản khi không được điều trị tích cực và không được phòng bệnh tốt có thể dẫn đến một số hậu quả xấu cho người bệnh.

Bệnh nhân bị giãn phế quản hơn 10 năm, thường xuyên ho về đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe. Theo bác sĩ Lê Thu Trang, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một căn bệnh mãn tính gây nhiều phiền toái. Trong bài viết trên trang cá nhân, bác sĩ đã tư vấn cụ thể các dấu hiệu phát hiện và biện pháp dự phòng bệnh.

Giãn phế quản ở thời đại trước khi có kháng sinh là một bệnh thường gặp và thường dẫn đến tàn phế và tử vong. Dù hiện nay có những thay đổi tích cực từ hiệu quả của kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng đường hô hấp nhưng nó vẫn là một bệnh tương đối hiếm ở những nước đã phát triển trong vòng 30 năm qua.

Bệnh giãn phế quản là gì?

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh gây ho triền miên không dứt nhiều năm, không thể điều trị hồi phục - Ảnh 1.

Giãn phế quản (GPQ) là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục, vĩnh viễn không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2 mm. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ho mãn tính, phế quản tăng tiết đờm quá mức và các đợt cấp do nhiễm khuẩn tái phát.

Bệnh gây ra do sự phá hủy tổ chức của thành phế quản – hậu quả của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp mạn tính, sau khi bị một số nhiễm trùng ở phổi, hoặc bẩm sinh trong bệnh xơ nang

GPQ được chia thành: GPQ hình túi, GPQ hình trụ và GPQ hình tràng hạt.

Nguyên nhân nào gây giãn phế quản?

Có nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản, bao gồm 4 nguyên nhân chính:

- Các bệnh di truyền (xơ nang và rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát)

- Các vấn đề của hệ miễn dịch (giảm khả năng chống lại nhiễm trùng)

- Có tiền sử nhiễm trùng phổi trong quá khứ

- Các vấn đề về rối loạn nuốt dẫn tới hít phải làm thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi

Các biểu hiện của bệnh GPQ

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh gây ho triền miên không dứt nhiều năm, không thể điều trị hồi phục - Ảnh 2.

- Ho, khạc đờm kéo dài trong nhiều năm.

- Đờm mủ màu xanh hoặc màu vàng, một số trường hợp có ho đờm lẫn máu.

- Khạc đờm thường tăng lên khi có bội nhiễm.

- Có một số trường hợp ho khan hoặc không ho (GPQ thể khô ở các thùy trên).

- Một số trường hợp có dấu hiệu của viêm đa xoang làm hướng tới hội chứng xoang phế quản.

- Ho ra máu: Có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh.

- Ho máu tái phát nhiều lần, có thể kéo dài nhiều năm. Mức độ ho máu có thể ít hoặc nhiều từ ho máu nhẹ; trung bình, ho máu nặng, ho máu rất nặng và/hoặc gây suy hô hấp cấp.

- Khó thở, có tiếng thở rít: thường xuất hiện muộn, là biểu hiện của suy hô hấp do tổn thương lan tỏa hai phổi; có thể có tím.

- Sốt: Khi có nhiễm khuẩn hô hấp, sốt thường kèm theo khạc đờm tăng và /hoặc thay đổi màu sắc của đờm.

- Đau ngực: Là dấu hiệu của nhiễm khuẩn phổi ở vùng gần màng phổi hoặc túi phế quản giãn căng.

Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và trở nên nặng hơn theo thời gian hoặc khi bị nhiễm trùng hô hấp.

Bệnh giãn phế quản có thể chữa khỏi được không?

- Giãn phế quản là tình trạng các cấu trúc của thành phế quản bị phá hủy nên dễ bị viêm và dễ dàng sập xuống. Kèm theo đó là sự suy giảm thông khí và giảm khả năng dẫn lưu đờm nhầy trong lòng phế quản ra ngoài. Sự tích tụ đờm nhầy tạo điều kiện thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn xâm nhập, cư trú trong lòng phế quản và gây ra các đợt nhiễm khuẩn tái đi tái lại. Tình trạng nhiễm trùng phế quản càng làm nặng lên bệnh giãn phế quản tạo ra vòng xoắn bệnh lý.

- Giãn phế quản là tổn thương không thể hồi phục được, tuy nhiên điều trị giúp giảm triệu chứng, giới hạn chức năng hô hấp và sự tiến triển của bệnh. Điều trị giúp bệnh giãn phế quản không trở nên tồi tệ hơn, và giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại.

- Một số trường hợp bệnh nhân chỉ bị giãn phế quản trong một vùng của phổi, phẫu thuật cắt bỏ phần phổi đó có thể chữa khỏi bệnh.

Phòng bệnh giãn phế quản bằng cách nào?

Để phòng bệnh, bác sĩ nhắc nhở mọi người không nên hút thuốc lào, thuốc lá, tránh môi trường có nhiều khói bụi; thường xuyên vệ sinh miệng, tai-mũi-họng đúng cách; điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai, mũi hòng, rằng miệng và các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi.

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh gây ho triền miên không dứt nhiều năm, không thể điều trị hồi phục - Ảnh 3.

Bác sĩ cũng khuyên mọi người nên tiêm phòng cúm hàng năm để đề phòng những đợt bội nhiễm của giãn phế quản, điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em, đề phòng và lấy sớm dị vật phế quản nếu có.

Đặc biệt, bác sĩ nhấn mạnh rằng, ai cũng cần rèn luyện thân thể thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cổ ngực, đề phòng các đợt bội nhiễm khi đã bị giãn phế quản.

Theo Bác sĩ Lê Thu Trang, bệnh viện Bạch Mai

Thiên An

Trở lên trên