Bác sĩ BV K: Bức tranh ung thư gan ở Việt Nam còn "đỏ" nếu không điều trị triệt để 2 bệnh này
Ung thư gan là bệnh ung thư đứng đầu ở Việt Nam. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân ung thư gan trên 100.000 dân ở Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Mông Cổ và Lào.
- 20-05-2020Dấu hiệu nhận biết căn bệnh ung thư "sát thủ" khiến 15.000 người Việt tử vong mỗi năm
- 18-05-2020Chuyên gia ung bướu: "Bí quyết" 1 cần, 2 không, 1 ít "chặn đứng" căn bệnh ung thư nguy hiểm
- 16-05-2020Kỹ thuật siêu âm mới có thể tiêu diệt tế bào ung thư dựa trên hiệu ứng sóng dừng
- 14-05-2020Thận sớm tiến triển ung thư nếu không thay đổi 2 thói quen; 6 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc
Căn bệnh ung thư nguy hiểm số 1
Ung thư gan đang trở thành căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Mới đây, anh L.H.Q, một bác sĩ 44 ở Hà Nội cũng qua đời sau 2 tháng bị ung thư gan.
Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, Giáo sư Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm cho biết hiện số bệnh nhân ung thư gan đến điều trị đang gia tăng, tăng nhanh hơn cả ung thư phổi và ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh nhân ung thư gan có đặc điểm chung là đa số đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Chính vì điều này, tỷ lệ chữa thành công thấp và chi phí điều trị lại thêm tốn kém.
Anh Bùi Tiến C. 41 tuổi, Hà Nam đến bệnh viện khám vì gần đây thấy người mệt mỏi, đau hạ sườn. Các triệu chứng xuất hiện lâu nhưng anh C. không đi đến bệnh viện khám mà nghĩ do mệt mỏi và sợ dịch bệnh.
Ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Mông Cổ và Lào
Khi đến viện, bác sĩ cho làm siêu âm gan phát hiện trong gan có u, chất chỉ điểm AFP tăng cao nên anh C. được chỉ định chụp CT ổ bụng. Kết quả CT trong gan có 3 khối u kích thước khối u lớn nhất là 3 cm, nhỏ nhất là 1 cm.
Anh C. tiếp tục sàng lọc các cơ quan khác để xác định ung thư gan nguyên phát hay thứ phát. Kết quả ung thư gan biểu mô. Theo bác sĩ tư vấn, anh C. nên thực hiện nút mạch gan hóa chất thay vì phẫu thuật gan.
Anh C. có tiền sử viêm gan B nhưng anh không biết. Cách đây 10 năm, mẹ anh C. qua đời vì ung thư tụy nhưng bà cũng có tiền sử viêm gan B. Khi anh C. bị ung thư gan, cả em gái, em trai và cháu gái của anh đi khám đều có virus viêm gan B hoạt động rất mạnh. Tuy nhiên, họ không biết mình mang bệnh.
GS Mai Trọng Khoa cho rằng những gia đình như gia đình anh C. có khả năng mắc viêm gan B từ mẹ anh qua quá trình sinh nở nhưng không được điều trị và viêm gan chuyển thành mãn tính, âm thầm phá hủy lá gan mà không biết. Những trường hợp của gia đình anh C. cần theo dõi bệnh viêm gan B 6 tháng 1 lần.
Dấu hiệu của ung thư gan
TS Đỗ Anh Tú – Bệnh viện K Trung ương cho biết các yếu tố nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào gan ở nước ta chủ yếu do viêm gan B. TS Anh Tú chia sẻ theo thống kê từ năm 2010 đến 2016 thì số ca mắc ung thư gan nguyên phát thì 2/3 liên quan tới viêm gan virus B.
Viêm gan B ở Việt Nam chiếm 8 – 20% và người mắc viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan lên tới từ 10 – 15%. 3% dân số mắc viêm gan virus C và nếu không điều trị bệnh triệt để thì bức tranh ung thư gan ở Việt Nam sẽ còn "đỏ".
Các bác sĩ phẫu thuật ung thư gan nội soi
Ngoài ra, tình trạng gan nhiễm mỡ với tăng men gan kéo dài (sau hàng chục năm) cũng có thể dẫn tới ung thư gan nhưng ít gặp hơn. Một số loại hóa chất, độc tố (ví dụ Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus flavus thường có ở hạt ngũ cốc để lâu ngày) có thể gây ra ung thư gan.
Những dấu hiệu triệu chứng của ung thư gan, TS Anh Tú cho biết ban đầu người bệnh có thể thấy giống với các bệnh lý gan khác như vàng da đau bụng, buồn nôn, sờ thấy khối u, ngứa da, sụt cân.
Tuy nhiên, các triệu chứng chưa khẳng định đó là dấu hiệu ung thư mà cần phải đánh giá thêm như chụp CT, MRI xác định có khối u gan không, làm xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư để khẳng định chẩn đoán. Khi chẩn đoán ung thư gan chính xác cần làm thêm sinh thiết gan.
Để phòng bệnh ung thư gan, theo các chuyên gia cần chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan virus B, C để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Cần tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B, đặc biệt là cho tất cả trẻ em sơ sinh theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Những người mắc viêm gan B và C cần tái khám và tầm soát định kì 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, mọi người cần hạn chế rượu bia. Tất cả các bệnh nhân bị viêm gan mạn tính đặc biệt bệnh nhân viêm gan do rượu cần phải tuyệt đối kiêng cữ rượu bia.
Trí thức trẻ