Bác sĩ trong ekip mổ Song Nhi qua lời 'flex' của con trai: “Ba tôi mặc như bác xe ôm và tự mổ ngón tay'
Bác sĩ CKII Phan Văn Tiếp, trưởng ê-kíp chỉnh hình xương ca mổ phức tạp tách cặp song sinh dính liền bụng chậu Trúc Nhi - Diệu Nhi, đã được khắc họa theo một cách gần gũi và thú vị qua lời kể của con trai.
- 21-07-2023Màn flex làm giảng viên của Midu và khoe thành tích của sao Việt
- 21-07-2023Hội “Flex đến hơi thở cuối cùng” bất ngờ thông báo dừng hoạt động khi có 1,4 triệu thành viên
- 21-07-2023"Chẳng ăn được của nhau", các nhà bán lẻ công nghệ chuyển hướng mới: TGDĐ bắt trend "Very hợp", Di động Việt cũng "Flex đến hơi thở cuối cùng"
Mới đây, phong trào “flexing” đã tạo ra một làn sóng trên mạng xã hội, nơi để mọi người chia sẻ và lan tỏa những điểm sáng của bản thân. Trong đó, có một bài đăng khá đặc biệt đã nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng khi “khoe” về cha của mình - bác sĩ Phan Văn Tiếp.
Bên cạnh hình tượng bác sĩ đáng kính gắn bó gần 50 năm trong nghề cùng những thành tựu đáng ngưỡng mộ như thực hiện 1.000 ca mổ, đạt kỷ lục Việt Nam cá nhân khi là trưởng ê-kíp chỉnh hình xương ca mổ phức tạp tách cặp song sinh dính liền bụng chậu Trúc Nhi - Diệu Nhi…, bác sĩ Tiếp còn hiện lên với hình ảnh gần gũi và bình dị qua lời kể của con trai “có sở thích tự sửa ống nước, ăn mặc như bác xe ôm và tự mổ ngón tay”.
Liên hệ với anh Phan Minh Đức - chủ nhân bài đăng và cũng là con trai bác sĩ Tiếp, chúng tôi đã có cơ hội được nghe anh chia sẻ thêm những kỷ niệm và cuộc đời bình dị nhưng cống hiến hết mình của vị lương y.
“Bác sĩ là công việc thú vị đến nỗi một người nhiều khi phải đánh đổi qua bữa ăn vội”
BS. CKII Phan Văn Tiếp
Đại học Y Dược TP.HCM
Đại học Hospital Dela Rimore (Marseille)
Chuyên khoa cấp I: Phẫu thuật Nhi
Chuyên khoa cấp II: Chấn thương chỉnh hình
Cán bộ giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM từ năm 1981 - 1991
Nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Nhi - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM
Thầy thuốc ưu tú
“Hình ảnh đầu tiên tôi nhớ về ba là tô phở ba húp hết nước khi đang nghỉ giữa giờ hai ca mổ. Đó là trong một đêm ba trực ở bệnh viện, ba có dắt tôi theo.
Ba mặc chiếc áo mổ chạy hối hả vào phòng bác sĩ rồi nói: “Đức, đi ăn phở không, ba chở đi ăn”. Quán phở đó tôi đã quên tên, nhưng nó nằm trong một con hẻm ở gần quận 5, lụp xụp.
Ba ăn nhanh lắm, húp sạch nước rồi lại chạy vội về bệnh viện để mổ ca tiếp theo. Lúc đó cũng đã hơn 11 giờ đêm. Khi ấy tôi mới học cấp 1, dần dần hiểu ra, với ba, làm bác sĩ là công việc thú vị đến nỗi một người nhiều khi phải đánh đổi qua những bữa ăn vội.”
Anh Đức chia sẻ, khi còn bé, chỉ biết ba ngày nào cũng rời nhà đi làm từ 5 - 6h sáng, rồi 6h tối về tới nhà, làm phòng mạch đến 9h tối. Sau đó nếu bệnh viện gọi bác sĩ Tiếp đi mổ thêm thì ca làm việc có thể kéo dài đến tới 12h đêm hoặc muộn hơn.
“Ba dành thời gian cho công việc nhiều lắm. Đã có thời gian tôi tự hỏi ba có yêu công việc hơn gia đình, nhưng đó chỉ là những suy nghĩ ích kỷ và trẻ con. Khi bắt đầu đi làm, tìm được đam mê, tôi mới thấu hiểu được những gì ba làm. Một bài học mà tôi mất gần 20 năm mới có thể hiểu được", anh Đức nói.
Bác sĩ Tiếp trong tiềm thức của anh Đức, dù là ấn tượng trong quá khứ hay hiện tại, dù là tình yêu thương dành cho gia đình hay nhiệt huyết với công việc vẫn luôn giống như một “số pi” - chẳng bao giờ thay đổi:
“Ba vẫn luôn như một con thiêu thân cặm cụi với công việc, yêu thương và hy sinh tất cả cho gia đình. Ba là người nước mắt phải chảy vào trong. Có nhiều nỗi đau khi ba chia sẻ, tôi không hiểu tại sao lại có một người có thể chịu đựng nhiều điều mà vẫn sống hạnh phúc đến như vậy. Tôi nghĩ là do ba tôi đã cố gắng dành mọi sự tập trung cho mẹ tôi, các con và công việc.”
Theo anh Đức, việc khiến bác sĩ Phan Văn Tiếp cảm thấy hạnh phúc và thành tựu nhất trong suốt gần 50 năm hành nghề ý của mình chính là quá trình xây dựng lên khoa chỉnh hình nhi ở Trung Tâm Chấn Thương chỉnh hình.
“Đặc biệt là về chuyên mổ trật khớp háng ở trẻ em. Ba tự hào về điều này lắm, ba cũng không nói nhiều, chắc chỉ nói được 1-2 câu. Tôi cũng không dám thay ba nói về điều này vì tôi không có chuyên môn.” - anh Đức chia sẻ.
Khi được hỏi về câu chuyện bác sĩ Tiếp tự phẫu thuật tay cho chính mình, anh Đức chia sẻ một cách nhẹ nhàng: "Ba mình kể ngắn gọn lắm. Một hôm đẹp trời ba ngủ dậy thì một ngón tay bị co cơ nên không mở được. Vậy là ba quyết định tự mổ tay cùng với một học trò của mình. Ba cũng không nghĩ đó là vấn đề lớn. Thấy cần phải mổ thì mổ thôi.
Tinh thần của bác sĩ thì cứng. Ba mình sau đó còn khoe là xem ba "ngầu" chưa. Ba ở ngoài đời thì rất thích đùa nên mấy chuyện với người khác có thể là nghĩ nghiêm trọng, nhưng với ba, nếu có góc nhìn hài hước thì không có gì là quá nghiêm trọng cả."
“Con chỉ mong trở thành 1% con người như ba”
Anh Đức vẫn luôn cố gắng ghi chép và thu thập lại những mảnh ký ức về người cha già đáng kính cũng như gia đình bởi thời gian cứ trôi nhưng trí nhớ của mỗi người lại có hạn.
“Ở bệnh viện, ba có biệt danh là “ông ngoại”, tôi cũng không biết từ đâu mà có, chắc do khuôn mặt già trước tuổi từ khi còn trẻ của ba. Ở nhà, tôi hay thấy ba mày mò ngồi chế tác những dụng cụ mổ trong những ngày nghỉ. Mỗi lần ba làm được gì hay thì hay khoe với mấy anh chị em chúng tôi, dù lúc đó chẳng ai hiểu gì.
Ngoài ra, ba là một người giản dị. Nếu vật dụng trong nhà còn sửa được thì phải tập sửa, không được vứt đi. Ba tôi vẫn lái 1 con xe jupiter cũ mèm từ hơn chục năm về trước, ngày ngày vẫn đèo chị tôi đi làm cùng hơn 20 cây số.”
Không chỉ là một bác sĩ giỏi, những bài học về cuộc sống mà bác sĩ Phan Văn Tiếp dạy lại cho các con.
“Khi còn học cấp 2 ở trường Nguyễn Du, lần đó trước khi đi học, cả tôi và ba đều “được” mẹ mắng trước khi rời nhà. Ba đèo, tôi ngồi vắt vẻo sau xe. Tôi hỏi ba “Tại sao ba chịu đựng mẹ được hay vậy? Mẹ chửi dữ dội quá!” Ba bảo “Con thấy phim hề Sác-Lô hay mặc dù nó không có tiếng phải không?” Tôi gật đầu, cũng ậm ừ đồng ý.
“Nếu như khi mẹ la, con tập tắt tiếng lại, như là tắt tiếng trên TV, con sẽ tập trung vào hành động của mẹ. Lúc đó, con sẽ thấy thương mẹ hơn biết nhường nào”.
Tôi cứng đơ người. Bài học đó tôi vẫn hoài ngẫm nghĩ cho đến ngày hôm nay. Khi nhìn một sự việc, nếu mục đích là để thấu hiểu, ngoài việc thay đổi góc nhìn còn phải biết tập trung vào cách nhìn mới. Lúc đó hy vọng điều kì diệu sẽ xảy ra.” - anh Đức chia sẻ.
“Ba tôi muốn truyền nghề lại cho 2 người anh của tôi, nhưng cuộc sống đưa đầy thì cả 2 đều có định hướng khác sau khi trở thành bác sĩ. Tôi thì chắc chắn không theo nghề y vì tôi học IT. Mặc dù vậy, ba không bao giờ ép buộc con cái phải theo ngành của mình. Ba tôi hiểu được mỗi người đều có đam mê riêng, chỉ cần con cái hạnh phúc là ba tôi vui. Đơn giản nhỉ!”
Khi được hỏi về những lời còn chưa thể nói với ba suốt bao năm qua, anh Đức chia sẻ: “Nếu có thì đó là: Con vẫn không hiểu được tại sao “heart capacity” - dịch một cách sến súa là “dung tích trái tim” ba có thể lớn đến như vậy sau bao nhiêu bi kịch của bản thân. Ba bị chính ông bà nội bỏ rơi từ khi còn bé, nhưng ba vẫn luôn thương họ.
Ba bị chính dòng họ lấy đi tài sản, mọi thứ, nhưng ba vẫn nói “ngày nào ba còn làm được, mổ được thì ba còn kiếm lại được, miễn là tụi con đừng học đòi cách đốt tiền”. Ngày ông nội mất, gia đình vợ sau ông nội cũng không cho ba đến thắp nhang. Vậy mà ba vẫn luôn vui vẻ mỗi ngày.
Con chỉ mong trở thành 1% con người như ba.”
Phụ nữ Việt Nam