MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắc Từ Liêm - Hà Nội: Vì sao dân vẫn không được cấp sổ đỏ?

12-07-2017 - 10:49 AM | Bất động sản

Người dân tự ý cơi nới nơi ở trái phép, nhưng nếu điều này phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì chính quyền nên hướng dẫn cho người dân mọi thủ tục cần thiết.

Những năm trở lại đây, với tốc độ đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra khá nhanh. Nhiều con đường, tuyến phố mới được mở mang, xây dựng tạo sự an cư cho người dân, từ đó nâng cao đời sống, phát triển cùng với sự đổi thay của thủ đô. Song song với đó, tình hình quản lý trật tự xây dựng cũng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Tình trạng xây dựng trái phép, không phép, cơi nới, lấn chiếm… diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên để xảy ra tình trạng này, không thể không kể đến những thiếu sót của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ các quy định của Nhà nước nhằm tránh những sai sót không đáng có xảy ra.

Vừa qua, tại khu vực phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cơ quan Báo tiếp nhận đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Tuyết - công dân phường Phúc Diễn về những khó khăn của gia đình bà trong việc xin cải tạo lại phần diện tích nơi ở đã xuống cấp nghiêm trọng của mình.

Đơn có nội dung như sau: “Năm 2006, tôi được bố mẹ cho sử dụng một ngôi nhà hai tầng. Do nhà ở đã xây dựng từ rất lâu nên hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng, nền nhà thấp hơn nền đường nên mỗi khi có mưa, nhà tôi thường bị nước mưa từ ngoài đường tràn vào nhà gây ngập úng, nhiều vị trí tường bị nứt làm thấm dột, rêu mốc và bong tróc từng mảng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và đồ dùng trong nhà. Vì vậy, ngày 30/05/2016, tôi có làm đơn gửi UBND phường Phúc Diễn để xin phép được cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của mình. Tuy nhiên, khi được UBND phường tạo điều kiện cho sửa chữa, do nhà chúng tôi đã bị xuống cấp trầm trọng nên bức tường mục nát đã bị đổ khi vừa cạo đi lớp vữa để chát lại, gia đình tôi buộc phải phá bức tường cũ để xây mới và giữ nguyên hiện trạng móng.

Trong quá trình xây, vì điều kiện nhà đông người nên gia đình tôi có tự ý xây thêm một tum nhỏ để ở. Vì việc này, UBND phường đã lập biên bản đề nghị gia đình tôi tự tháo dỡ phần diện tích tự ý xây thêm. Chúng tôi cũng đã gửi đơn trình bày lên phường đề xin phường xem xét tạo điều kiện cho chúng tôi vì diện tích ở chật chội mà nhà thì đông người. Ngày 18/01/2017, tôi có nhận được kế hoạch cưỡng chế của phường về việc cưỡng chế phần tum nhà của tôi. Cực chẳng đã vì gia đình tôi đông người, vì vậy rất mong Quý báo hỗ trợ, phản ánh khách quan tới chính quyền sở tại để tạo điều kiện cho gia đình tôi có chỗ ăn ở đàng hoàng, ổn định. Tôi xin cam kết, sau này nếu phần diện tích đất nhà tôi bị Nhà nước thu hồi theo quy định thì tôi xin không đòi hỏi bất kỳ khoản bồi thường nào liên quan đến phần diện tích xây thêm cả”.

Về nội dung đơn trình bày của bà Tuyết, ngày 04/07/2017, phóng viên đã về tìm hiểu thực địa và có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn.

Tại buổi làm việc, bà Hà cho biết: “Về đơn trình bày của chị Tuyết là đúng với thực tế. Tuy nhiên về quan điểm của UBND phường là phải xử lý những công trình xây dựng không có phép nên phần diện tích xây thêm của nhà chị Tuyết buộc phải dỡ bỏ”.

Khi nói đến thực trạng khó khăn của gia đình chị Tuyết trong cảnh nhân khẩu gia tăng mà diện tích đất ở chỉ có vậy, bà Hà cũng bày tỏ cảm thông và cũng sẽ xem xét đến yếu tố này. Bà Hà cũng cho biết, phần diện tích đất nhà chị Tuyết là phù hợp với quy hoạch khu dân cư cho nên hoàn toàn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận QSD đất. Vậy tại sao gia đình chị Tuyết lại không thực hiện quy trình xin cấp giấy chứng nhận QSD đất để từ đó xin cấp phép xây dựng đúng theo quy định?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Theo Hiền Anh - Nguyễn Hân

Gia đình pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên