Bài 2: Sẵn sàng đón thêm làn sóng đầu tư mới?
Bất chấp những lo ngại và khó khăn rất lớn gần đây khi dịch bệnh bùng phát, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp FDI, các đối tác quốc tế của Việt Nam đều khẳng định sự tin tưởng vào công cuộc phòng chống dịch và môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
- 25-09-2021Thủ tướng: 'Cố gắng đến 30/9 từng bước nới lỏng giãn cách có kiểm soát'
- 25-09-2021TP.HCM dự thảo phân vùng giao thông thành 3 khu vực sau ngày 1/10
- 25-09-2021CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, nhiều ý kiến khẳng định ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng Chính phủ là "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh".
Lạc quan về tương lai của Việt Nam
Tuần trước, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN khẳng định "sự lạc quan về tương lai của Việt Nam", tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Họ đồng thời cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép COVID-19 của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Khẳng định "ủng hộ định hướng chính sách chiến lược" của Thủ tướng Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hiệp hội này cũng nêu hàng loạt kiến nghị. Thực tế, phần nhiều kiến nghị này đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tích cực xem xét, giải quyết, như việc thực hiện chiến lược vaccine, huy động nguồn lực y tế ngoài công lập, thiết lập trạng thái "bình thường mới", bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực giãn cách, kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch hay sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố…
Tại cuộc họp ngày 23/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ cơ chế chính sách để huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch; các địa phương cần thành lập ngay Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình Chính phủ đã làm.
"Các mô hình bong bóng sản xuất được tạo ra ở TP.HCM và ở các tỉnh khác (như "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến"- BT) để cho phép hoạt động liên tục trong thời gian COVID-19 là một biện pháp tạm thời cực kỳ hữu ích", văn bản kiến nghị của các hiệp hội đánh giá. Tuy vậy, các mô hình này không hoạt động tốt đối với các nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực giày dép và may mặc. Xét về yếu tố bền vững và lâu dài, cần điều chỉnh để giảm gánh nặng về chi phí, hậu cần cho doanh nghiệp và bảo đảm sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ: Với 550 doanh nghiệp thành viên của AmCham và 2.000 đại diện doanh nghiệp cá nhân trên khắp cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ chúng tôi cam kết với Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư trong tương lai”. Ảnh: VGP
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết: Với 550 doanh nghiệp thành viên của AmCham và 2.000 đại diện doanh nghiệp cá nhân trên khắp cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ chúng tôi cam kết với Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư trong tương lai".
Trong một cuộc khảo sát mới nhất đối với các thành viên AmCham Việt Nam, 85% số doanh nghiệp cho rằng, vaccine là chìa khóa giúp mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. 49% số doanh nghiệp Hoa Kỳ được hỏi cho biết hầu hết hoặc tất cả lực lượng lao động của họ đã được tiêm chủng ít nhất một liều, gần gấp đôi tỷ lệ của vài tuần trước đó.
Bên cạnh đó, Amcham đặc biệt hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID và việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại an toàn và phục hồi kinh tế.
"Quan trọng nhất, theo tôi, ngay bây giờ, cộng đồng doanh nghiệp FDI cần biết được thông tin rõ ràng về các định hướng, lộ trình chính sách của chính quyền. Khi chúng ta tiến tới trạng thái như Việt Nam gọi là "bình thường mới", ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp, đồng bộ giữa thực thi các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, tính sẵn sàng và hợp lý của công tác xét nghiệm nhanh, các phản ứng y tế để sàng lọc F0 nhanh chóng giúp bảo đảm an toàn cho người lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Mary Tarnowka cho biết.
Chính sách chống dịch linh hoạt, khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hiện nay đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời, nhiều công ty Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.
Theo đại diện KOCHAM, Việt Nam tự hào là quốc gia có môi trường đầu tư tối ưu với chi phí lao động thấp cũng như các chính sách ưu đãi của Chính phủ với các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, việc Chính phủ Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ký kết các FTA với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, RCEP cũng được đánh giá là có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc Hong Sun: "Nhiều công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hiện nay đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời, nhiều công ty Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam trong tương lai". Ảnh: VGP
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, như cho phép nhập cảnh các chuyên gia, rút ngắn thời gian cách ly… Để đạt được mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch vừa phát triển, tăng trưởng nền kinh tế, Chính phủ đang rất tích cực phân phối và tìm kiếm nhiều nguồn vaccine. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ tiêm chủng rất cao đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, đợt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đã diễn ra hết sức thành công và chuẩn mực.
"Tôi nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang có niềm tin rất lớn vào các chính sách kiểm dịch của Chính phủ Việt Nam. Điều này thể hiện ở việc có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nỗ lực mở rộng đầu tư vào Việt Nam ngay cả trong tình hình hạn chế di chuyển và xuất nhập cảnh không được tự do vì COVID-19", ông nói. Đơn cử, cuối tháng 8, LG đầu tư thêm 1,4 tỷ USD cho dự án tại Hải Phòng và nhiều dự án tỷ USD khác cũng đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc xem xét.
"Việc hợp tác của Việt Nam với Hàn Quốc - một cường quốc về lĩnh vực công nghệ thông tin, được kỳ vọng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chắc chắn rằng các công ty về lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc sẽ tích cực cân nhắc đầu tư vào Việt Nam", ông nói.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các lĩnh vực như phát triển vaccine, công nghệ sinh học và thành phố thông minh… cũng là các lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đều đang gặp khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Hơn bao giờ hết, KORCHAM hy vọng rằng môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam sẽ sớm trở về trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.
"Chúng tôi hiểu rằng mặc dù Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hết sức để có được vaccine, nhưng đây là điều không hề đơn giản do sự mất cân bằng cung cầu và khan hiếm trên toàn thế giới", ông Hong Sun chia sẻ. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp ít nhất 1 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam vào tháng tới.
Đồng tình rằng doanh nghiệp chưa thể di dời trong ngắn hạn, nhưng Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho rằng đẩy nhanh tiêm vaccine và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh linh hoạt hơn, bao gồm cả việc hạn chế cách ly và xét nghiệm với người đã tiêm 2 mũi không chỉ giúp Việt Nam củng cố thêm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp mà còn sớm nắm bắt được cơ hội hấp thu thêm dòng vốn FDI mới vượt trội.
Trong khi đó, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định: Trong vòng 10 đến 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản.
"Hầu như sẽ chẳng có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù tất nhiên họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới. Các công ty Nhật Bản có thể sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách đẩy mạnh đa dạng hóa và phân tán hoạt động. Hoặc, họ cũng có thể tăng cường đặt hàng bên ngoài và đi thuê nhà xưởng", ông nói.
Việt Nam có thể đón một làn sóng FDI mới trong thập kỷ tới
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Việt Nam có thể đón một làn sóng FDI mới trong thập kỷ tới nếu tiếp tục duy trì và phát huy các thành tích cải cách như những năm qua. Về lâu dài, một khi COVID-19 được kiểm soát trở lại, EU và Việt Nam có cơ hội đáng kể để tăng cường thương mại và đầu tư nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Đánh giá cao các thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với các đại sứ và doanh nghiệp châu Âu ngày 9/9 vừa qua, đại diện Eurocham cho rằng, sự thay đổi về quan điểm, tư duy cũng như cách tiếp cận chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất để ứng phó linh hoạt với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, đồng thời mở ra hy vọng phục hồi sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Cho rằng phòng chống, thích ứng hay khắc phục những hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra cần một lộ trình, không thể giải quyết trong "một sớm một chiều", Chủ tịch Alain Cany đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng một cách hài hoà và tinh tế giữa bảo vệ sức khỏe toàn dân và thúc đẩy kinh tế. Trên tinh thần tin tưởng vào hợp tác lâu dài và tình hữu nghị bền chặt, EuroCham đang làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ Việt Nam đạt được "mục tiêu kép" này.
Mặt khác, phân tích về những thách thức trước mắt, ngắn hạn do COVID-19 gây ra, ông Alain Cany thông tin từ khi làn sóng COVID-19 thứ 4 xuất hiện, chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ đạt ngưỡng 15,2 điểm.
"Để ứng phó với tình huống khó khăn, trước tiên, EuroCham hoàn toàn ủng hộ chiến lược vaccine của Việt Nam. Đây là điều kiện thiết yếu để thực hiện lộ trình mở cửa lại các hoạt động kinh tế và trở về cuộc sống bình thường sau đại dịch", ông Alain Cany cho biết.
Ngoài ra, 51% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng hiện nay không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc doanh nghiệp cần làm gì trong trường hợp xuất hiện ca F0 tại nhà máy.
"Yêu cầu hiện nay là mở cửa dần dần các tỉnh, thành phố, để các hoạt động thương mại diễn ra trong điều kiện bình thường mới. Việc nối lại hoạt động kinh tế cần gắn liền với thực hiện triệt để các quy định nhất quán, tập trung nhằm giảm bớt sự nhầm lẫn của doanh nghiệp FDI về các quy định và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, đồng thời hợp lý hóa, đơn giản hóa hơn nữa các yêu cầu hải quan", Chủ tịch EuroCham đề nghị.
Nhiều "đại bàng" FDI quyết tâm "xây tổ" tại Việt Nam
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng mặc dù dịch COVID-19 đang gây ra những tác động tiêu cực, nhưng xét về dài hạn Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. "Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (Nghị quyết 105) và chuyển hướng phòng chống dịch, là tin đáng mừng đối với nhà đầu tư nước ngoài".
Ông Choi Joo Ho khẳng định trong thời gian tới, nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi, duy trì, và phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng thì sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.
Ông cho biết mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, Samsung đạt được mục tiêu xuất khẩu, "nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng của Samsung tại TPHCM sớm hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến chúng tôi sẽ đạt vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay".
Nói về lời hứa đưa Việt Nam trở thành trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung, ông Choi Joo Ho cho biết: Quá trình xây dựng Trung tâm R&D mới của Công ty gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và thành phố Hà Nội, Samsung sẽ hoàn thiện công trình an toàn vào cuối năm 2022, đúng như cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Khi được hoàn thiện, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Samsung và chính là mảnh ghép quan trọng để tạo nên bức tranh đầu tư chiến lược trị giá 17,7 tỷ USD của Samsung tại Việt Nam.
Khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Bình Dương, Tetra Pak Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì hoạt động sản xuất. Và mới đây, Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro. "Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch", ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam nói.
Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ 11,5 tỉ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỉ vỏ hộp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu…
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, bao gồm khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD trong 2 năm, đưa tổng đầu tư lên hơn 730 triệu USD.
Ông Binu Jacob cho biết các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này.
"Chúng tôi tin rằng, nếu chỉ tập trung vào kết quả lợi ích trước mắt thì khó đi xa, nhưng muốn vươn cao và vươn xa thì phát triển bền vững là con đường duy nhất", Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nói. "Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam".
Ông nhìn nhận, một trong các yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp thành công chính nhờ sự hỗ trợ đến từ chủ trương và hành động của Chính phủ kiến tạo và chính quyền địa phương khuyến khích doanh nghiệp phát triển. "Chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển của Chính phủ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã tạo được niềm tin, khuyến khích doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh".
Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro: "Các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển đã tác động đến gần 100 công ty Italy đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, chưa hề có công ty Italy nào đóng cửa hay dịch chuyển sang các quốc gia khác". Ảnh: VGP
Không nghi ngờ gì khi Việt Nam là một điểm đến
Sự cởi mở của nền kinh tế, mạng lưới các FTA rộng lớn, lực lượng lao động trẻ được đào tạo bài bản, giai cấp trung lưu đang nổi lên là những yếu tố khiến Việt Nam là điển hình thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro chia sẻ. "Không nghi ngờ gì khi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài", ông nói.
Đề cập tới tình hình và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Italy tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Antonio Alessandro cho biết: Các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển đã tác động to lớn đến gần 100 công ty Italy đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, chưa hề có công ty nào đóng cửa hay dịch chuyển sang các quốc gia khác.
Nhìn chung, tất cả các quốc gia đều phải tìm ra một phương thức mới, hay còn gọi là một "trạng thái bình thường mới", giúp mọi người được bảo vệ nhờ vaccine và tiếp tục sống an toàn trong đại dịch, giảm thiểu tối đa các nguy cơ, đồng thời cho phép thực hiện các hoạt động kinh tế, Đại sứ nhấn mạnh thêm và gợi ý rằng, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách.
Đại sứ cho rằng, Việt Nam đã chứng minh một khả năng phi thường trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong suốt 14 tháng qua. Tuy nhiên, việc duy trì "zero COVID" đã trở nên khó khăn do sự xuất hiện của biến chủng Delta. Thời điểm hiện tại rất quan trọng đối với Việt Nam nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng như một công cụ quan trọng và hiệu quả nhất để đối phó với virus và tránh các biện pháp hạn chế gây bất lợi cho nền kinh tế.
Thông qua cơ chế COVAX, Italy đã viện trợ 1,6 triệu liều vaccine Astra Zeneca đến Việt Nam như một minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia và thể hiện niềm tin của phía Italy vào tính hiệu quả của chiến lược vaccine mà Việt Nam đang triển khai.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen: "Các nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm đến Việt Nam và muốn duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài tại đây". Ảnh: VGP
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen cũng nhận định Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách tích cực bất chấp đại dịch. Các nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm đến Việt Nam và muốn duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài tại đây.
"Cũng như Việt Nam, hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhưng tôi tin rằng, các nhân tố khiến Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài như vị trí địa chiến lược quan trọng; khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam với các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và các vùng địa lý khác, quy mô thị trường lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á; lực lượng lao động trẻ và có học vấn tốt… vẫn không thay đổi và còn nguyên giá trị", ông nói.
Điều mấu chốt hiện nay là phải tập trung vào chống dịch, đồng thời giảm thiệt hại của các chính sách đóng cửa và chống đứt gãy chuỗi sản xuất. Thời gian còn lại trong năm 2021 rất quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Hiện có khoảng 130 doanh nghiệp FDI của Đan Mạch hoạt động tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong vài tháng qua do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong một số trường hợp, Đại sứ quán Đan Mạch đã đề xuất vấn đề lên chính quyền địa phương và đã nhận được phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng Việt Nam, phía Đan Mạch đánh giá rất cao các hỗ trợ này.
Đại sứ Đan Mạch đề xuất chính sách cho phép các doanh nghiệp có một tỷ lệ nhân viên đã được tiêm chủng đầy đủ trở lại làm việc thay vì chờ tới khi đạt đủ miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Liên quan tới các biện pháp giúp Việt Nam thu hút nhiều FDI hơn, tăng cường môi trường kinh doanh thuận lợi rất quan trọng.
VGP