MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học đắt giá từ nhân viên từng làm việc dưới trướng Steve Jobs: Những thử thách kinh khủng nhất đem đến thành tựu to lớn nhất, đối mặt và vượt qua chúng bạn sẽ bất ngờ về khả năng của mình

11-04-2019 - 07:41 AM | Sống

Guy Kawasaki thừa nhận rằng, làm việc với Steve Jobs không hề dễ dàng nhưng điều đó thực sự là một trải nghiệm đáng giá.

Những bài học từ vĩ nhân Steve Jobs luôn là nguồn cảm hứng, kim chỉ nam cho những người đang dấn thân trên con đường tìm kiếm thành công, khao khát làm nên những điều khác biệt trên cuộc đời. 

Guy Kawasaki luôn nhớ về hành trình dài và đầy hào hứng cùng những thất bại và thành công kể từ khi ông bắt đầu làm việc tại Apple năm 1983 và cũng góp phần giúp hãng này trở thành hiện tượng công nghệ như ngày nay. Guy Kawasaki là thành viên của nhóm Macintosh và từng có cơ hội gặp gỡ, làm việc trực tiếp với Steve Jobs.

Kawasaki thừa nhận rằng làm việc với ông chủ của Apple không phải điều dễ dàng nhưng nó thực sự đáng giá. Có những ngày Steve Jobs rất ấn tượng với những việc Kawasaki làm được, nhưng cũng có những ngày kết quả công việc tệ đến mức ông tin chắc rằng Steve Jobs sẽ sa thải mình. Nhưng đó là những ngày làm việc rất thú vị và cho Kawasaki nhiều bài học đắt giá:

Dưới đây là những bài học đắt giá mà Guy Kawasaki học được từ Steve Jobs:

1. Dựa vào chính mình mới là sáng suốt nhất

Ý kiến của một hay nhiều chuyên gia thì chung quy lại cũng chỉ là những ý kiến. Một doanh nhân phải tự dựa vào chính mình để đưa ra các quyết định.

Kawasaki nói: Steve Jobs không bao giờ lắng nghe các chuyên gia, mà ngược lại, các chuyên gia phải lắng nghe ông. Là một doanh nhân, bạn sẽ phải tìm những điều phù hợp cho mình. Đừng chỉ dựa vào ý kiến của người khác".

Jobs cũng đánh giá cao quyền lực của phụ nữ. Ông không quan tâm tới giới tính, chủng tộc, màu da. Với ông, thế giới chỉ có 2 nhóm: Những người "cực điên rồ" và những người nhảm nhí". Đơn giản chỉ vậy thôi.

Bài học đắt giá từ cựu nhân viên từng làm việc dưới trướng Steve Jobs: Những thử thách lớn nhất đem đến những thành tựu lớn nhất, đối mặt và vượt qua chúng bạn sẽ bất ngờ về khả năng của mình - Ảnh 1.

2. Khách hàng không nói cho bạn nhu cầu của họ

Những năm đầu thập niên 1980, Apple đã bán sản phẩm Apples Ils. Nếu bạn hỏi khách hàng muốn điều gì, họ sẽ trả lời rằng họ muốn to hơn, nhanh hơn và rẻ hơn sản phẩm của Apple.

Steve Jobs từng nói một câu rất nổi tiếng: "Nhiều khi, mọi người không biết những gì họ muốn cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy". Sẽ không ai trả lời rằng tôi muốn một sản phẩm như Macbook. Những ý tưởng tốt nhất thường đến từ những người xác định được vấn đề cần giải quyết trước bất cứ ai.

3. Thử thách lớn nhất đem đến thành tựu lớn nhất

Steve Jobs nổi tiếng với việc để ý đến từng chi tiết và sự tinh xảo của sản phẩm. Đó là một thử thách lớn đối với những người làm việc chung với ông. Nhưng đó cũng là một cơ hội tuyệt vời giúp họ rèn luyện khả năng chịu đựng và tăng cường các kỹ năng.

Hãy nghĩ tới những khách hàng khó tính nhất của bạn, rõ ràng là không dễ chịu gì khi đối mặt với họ. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, khi phục vụ tốt những khách hàng như vậy, bạn cùng đồng thời có khả năng làm việc tốt hơn.

Bài học rút ra ở đây là hãy chấp nhận thử thách, đừng trốn tránh và bỏ qua chúng, bạn chắc chắn sẽ bất ngờ về khả năng của mình.

4. Giá trị của thiết kế

Steve Jobs bị ám ảnh với những thiết kế tuyệt vời. Ông yêu cầu mọi nhân viên chú ý đến từng chi tiết nhỏ của sản phẩm và đó là điều đã khiến Apple thành công.

Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu nhằm xác định hình ảnh thương hiệu được thực hiện ở Đức. Khi được yêu cầu viết ra cụm từ đầu tiên mọi người nghĩ đến khi họ nhìn thấy tên công ty, nhiều người tham gia đã ghi ra từ "thiết kế" khi nhắc tới Apple.

5. Càng đơn giản càng tốt

Bài học đắt giá từ cựu nhân viên từng làm việc dưới trướng Steve Jobs: Những thử thách lớn nhất đem đến những thành tựu lớn nhất, đối mặt và vượt qua chúng bạn sẽ bất ngờ về khả năng của mình - Ảnh 2.

Một trong những nguyên lý chính trong nỗi ám ảnh về thiết kế của Steve Jobs là: Càng đơn giản càng tốt. Ông là một người ưa sự tối giản. Ông cũng nổi tiếng với việc sử dụng đồ họa và phông chữ khủng. Điều này thể hiện cả trong các bản thuyết trình của Jobs.

Hầu hết các slide đều có nền xanh đậm hoặc đen với font chữ từ 90 đến 190 và độ dài chỉ vài từ. "Đây là chìa khóa để tạo ấn tượng. Chỉ cần làm điều này, và bạn sẽ làm tốt hơn so với 90% những người sử dụng PowerPoint", Steve Jobs từng nói.

6. Thay đổi suy nghĩ là một dấu hiệu của trí thông minh

Khi Steve Jobs ra mắt iPhone, đây là một sản phẩm với hệ thống lập trình khép kín, đảm bảo sự an toàn và tin cậy. Một năm sau, Apple mở cửa, cho phép người dùng iPhone có thể sử dụng các ứng dụng của bên thứ 3. Điều này khiến doanh số của iPhone tăng đột biến. Chắc chắn nhiều người không thể tưởng tượng nổi sự "thay đổi chóng mặt" của Apple?

Nhưng đó là một sự đảo ngược tư duy 180 độ rất thông minh và đầy can đảm của ông chủ Apple. Bài học rút ra là: Hãy linh hoạt khi cần thiết.

7. Kỹ sư cũng là nghệ sĩ

Steve Jobs đối xử với các kỹ sư như những người làm nghệ thuật. Bởi họ không chỉ là những người tạo ra một cỗ máy và những dòng code. Những người kỹ sư cũng là những người sáng tạo nghệ thuật với "bảng màu" là những thiết kế phần mềm và phần cứng.

8. Giá cả và giá trị không giống nhau

Mọi đồ vật đều có giá cả nhưng giá trị của nó là gì? Các yếu tố như mức độ dễ dàng khi sử dụng, hiệu quả và chi phí hỗ trợ thấp hơn chính là giá trị của sản phẩm. Đó là những điều sẽ thu hút khách hàng nhiều hơn. Các công ty như Apple đều được xây dựng dựa trên tiền đề: Các khách hàng sẽ phải trả giá thành cao cho một sản phẩm có chất lượng tốt.

Không ai mua sản phẩm Macintosh bởi giá cả của nó cao, họ lựa chọn nó vì những giá trị sản phẩm đem lại.

Tôi hy vọng rằng, mọi người đều có ít nhất một cơ hội để làm việc cùng những người xuất sắc như Steve Jobs. Đó không phải điều dễ dàng nhưng nếu có thể vượt qua được sự khó khăn đó, bạn chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều giá trị và trở nên giỏi giang hơn.

Minh Ngọc

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên