MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Bài Học Đầu Tư ] Chuyên gia mách nước nên xuống tiền mua vào BĐS lúc thị trường khó khăn

05-09-2020 - 09:35 AM | Bất động sản

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Tài Chính, với các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, chỉ nên mua BĐS ở những vùng sẽ có đô thị hóa, có dân sinh sống, chấp nhận chờ 3-5 năm, thậm chí là 10 năm, cơ hội sẽ rất lớn.

NĐT dài hạn chọn lúc thị trường khó khăn để "xuống tiền"

Theo vị chuyên gia này, hiện nay khi đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn. Cơ hội chỉ thực sự đến với những người biết chờ đợi.

Với NĐT cá nhân thì luôn luôn có cơ hội. Các NĐT tham gia thị trường trong khoảng thời gian 3 -5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những NĐT lướt sóng thì lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên.

"Với các NĐT cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ đợi trong trung – dài hạn thì cơ hội mới lớn", ông Hiển nhấn mạnh.

Chia sẻ về xu hướng đầu tư Farmstay ở các tỉnh lân cận Tp.HCM, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, do giá đất các khu vực vùng ven ở Tp.HCM tăng rất cao. Khi giá đất tăng đến mức nào đó cơ hội đầu tư không còn nên NĐT phải đi xa.

[Bài Học Đầu Tư ] Chuyên gia mách nước nên xuống tiền mua vào BĐS lúc thị trường khó khăn - Ảnh 1.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính

Nhưng hiện rất khó để thành công với mô hình Farmstay này vì giá đất của các khu vực đã tăng rất mạnh, khoảng 5 - 10 lần trong vòng 5 năm nay, trong khi đất chủ yếu là đất nông nghiệp.

Nhìn trong dài hạn, ông Hiển cho rằng tiềm năng BĐS phía Nam vẫn tốt. Nguyên tắc BĐS đi sau nền kinh tế, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhưng lạm phát vẫn ở mức 3%, tỷ giá không biến động mạnh, xuất khẩu dù giảm nhưng vẫn tốt so với các nước, dự trữ ngoại hối có thể đạt 100 tỷ USD vào cuối năm, xu thế công nghiệp hóa mạnh, kéo theo làn sóng di dân nên động lực thúc đẩy cho thị trường BĐS phát triển theo.

Có tiền nhàn rỗi nên về tỉnh mua đất giá hợp lý

Theo ông Hiển, xu hướng đổ về các thị trường tỉnh lân cận để mua BĐS không còn là xu hướng mới. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm trước đó, nhưng hiện nay được thể hiện rõ nét hơn.

Nếu có tiền vốn nhàn rỗi thì tiến về vùng lân cận để tìm kiếm các BĐS giá mềm trên dưới 1 tỉ đồng/sản phẩm là điều hợp lý ở thời điểm này. Tu vậy, người mua nên nhắm đến các khu vực mà có cơ sở về dân cư sinh sống, có tốc độ đô thị hóa cao.

Ông Hiển cho rằng, nếu nói về thị trường BĐS Long An thì sẽ tập trung vào hai khu vực là Bến Lức và Cần Giuộc – Cần Đước.

[Bài Học Đầu Tư ] Chuyên gia mách nước nên xuống tiền mua vào BĐS lúc thị trường khó khăn - Ảnh 2.

Cần Giuộc – Cần Đước thì trước đây đã sốt đất do nằm liền kề với cảng Hiệp Phước của Tp.HCM. Cảng này ban đầu được xác định sẽ xây dựng thành cảng biển nước sâu tuy nhiên sau đó kế hoạch này không đạt được khiến cho giá bất động sản khu vực này có giảm đôi chút.

Tuy nhiên, nếu làm tốt các đường sông kết nối với Tp.HCM thì cảng biển Hiệp Phước vẫn có thể đón được các tàu từ 5.000 – 10.000 tấn. Do đó, nếu mạng lưới kết nối đường sông này được phát triển tốt thì BĐS Cần Đước – Cần Giuộc vẫn tiềm năng.

Đối với Bến Lức đây là khu vực đang có nhiều dự án đô thị lớn, có dòng sông Vàm Cỏ Đông rất đẹp, mặt đất bằng phẳng. Đặc biệt, nơi đây phù hợp với loại hình khu công nghiệp đặc thù 4.0. Những khu công nghiệp này không thể làm tại Tp.HCM vì không còn quỹ đất nhưng Long An lại đáp ứng tốt.

"Trong tương lai gần, với sự kết nối của cao tốc Bến Lức – Long Thành, Bến Lức có thể lên thành phố với hai hướng là khu đô thị dân cư liền kề Tp.HCM và BĐS khu công nghiệp nhẹ, công nghiệp 4.0", ông Hiển nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS hiện nay đang đứng trong thế phân vân. Đầu tư vào BĐS đều có 2 xu thế là tâm lý và giá cả. BĐS hiện nay nếu là do Covid-19 thì không sợ vì dịch bệnh có thể qua, còn phát triển BĐS tầm nhìn từ 5-10 năm thì không đáng lo ngại do dịch. NĐT dài hạn họ vẫn xuống tiền và chờ đợi thị trường tốt lên.

Còn mấu chốt của việc vì sao BĐS ở giai đoạn này chậm hẳn là bởi đã có thời gian khá dài BĐS liên tục tăng giá mạnh. Từ năm 2007-2008, BĐS rất mạnh. 2013 đi xuống đến năm 2014-2015 bắt đầu tăng giá trở lại. Giai đoạn này việc tăng giá được xem là bình thường vì bù lại khoảng thời gian trước đó giá BĐS bị nén quá lâu, phục hồi tăng là hợp lý.

Thế nhưng, theo ông Hiển, từ năm 2016-2019, giá BĐS tăng một cách bất hợp lý. Dường như không có miếng đất nào không tăng giá lên gấp 2-3 lần so với một năm trước đó.

"Nguyên tắc của thị trường là khi giá đã tăng một cách đột biến thì cần có thời gian để đi ngang. Phải qua năm 2021 thì mới có thể tăng lại một cách hợp lý", ông Hiển nhấn mạnh.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên