MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học khởi nghiệp từ Lê Diệp Kiều Trang: Có những người 20 năm kinh nghiệm nhưng thực sự chỉ là 1 năm kinh nghiệm được thực hiện 20 lần

01-04-2018 - 09:41 AM | Doanh nghiệp

Làm sao để xây dựng đội ngũ, làm sao để tìm được đội ngũ đưa công ty trong thời gian rất ngắn từ số 0 đến một thành công nào đó? Đây là câu hỏi của nhiều người làm khởi nghiệp và được người đứng đầu Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ cách đây không lâu.

Lê Diệp Kiều Trang vốn được biết đến trong giới khởi nghiệp với dự án Misfit Wearables. Đây là Startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể. Năm 2015, Misfit được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD.

Theo Lê Diệp Kiều Trang, bài toán đầu tiên của startup là tuyển dụng. Điều này cực kỳ quan trọng. "Đây được xem là viên gạch đầu tiên đặt nền móng, xác định DNA của công ty", người quản lý Facebook Việt Nam nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của Lê Diệp Kiều Trang, nhân sự của Misfit tính đến lúc bán công ty có hơn 20 người đều là những Ph.D người Việt được đào tạo tại nước ngoài. Họ trở về từ Standford, MIT, Technion. Nếu không phải là Misfit, họ đã ở lại nước ngoài.

Cô cũng chia sẻ thêm nhờ đội ngũ này Misfit thu hút được thủ khoa, á khoa của các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Chính nhờ văn hóa học hỏi rất mạnh, những bạn trẻ này được các anh chị đi trước dành thời gian đào tạo chưa có cơ hội đi du học nước ngoài. Đó là nguồn hấp dẫn nhất để thu hút được nhân tài được đào tạo tại Việt Nam của Misfit.

Điều thứ hai cô học được trong quá trình khởi nghiệp chính là về IQ. Theo đó khi còn làm cho Mckensey, Trang cho rằng IQ cực kỳ quan trọng. Nếu không có IQ khó có thể phát hiện được những công nghệ mới nhưng khi nhúng tay vào làm công việc rồi Kiều Trang mới nhận ra thực ra kỹ năng mới quan trọng.

"Việc thông minh, phát minh ra được điều gì đó cũng quan trọng nhưng kỹ năng mới là cái chuyển hóa sự thông minh thành cái gì đó có ích có nghĩa", người đứng đầu dự án Facebook Việt Nam nhấn mạnh.

Bài học thứ ba cô muốn gửi gắm tới những người làm khởi nghiệp là số năm kinh nghiệm thực ra không quan trọng bằng sự am hiểu. Theo cô, những người trẻ hay những doanh nghiệp trẻ chắc gặp nhiều người nói với mình rằng: "Hãy nghe chú đi, bác đi, 20 năm kinh nghiệm chú biết phải làm gì". Và thực tế Trang cũng từng làm theo lời khuyên này để rồi nhận ra 20 năm kinh nghiệm đó nhiều khi chỉ là 1 năm kinh nghiệm thực hiện 20 lần.

"Vì có những người họ làm đi làm lại 1 năm đó trong cùng 1 cách. Và đây cũng là lời nhắc nhở với chính mình và team của mình là năm sau phải khác hơn năm trước còn không nó chỉ là 1 năm kinh nghiệm 20 lần", Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ về tầm quan trọng của đổi mới.

Bài học thứ tư trong quá trình khởi nghiệp chính là phù hợp văn hóa công ty. Để đi được nhanh thì đội ngũ phải đồng lòng, bởi không ai trong đội ngũ giỏi và làm được hết mọi chuyện mọi lúc. Cách là của Misfit là có một nhóm cùng che chở bảo vệ cho nhau. Khi 1 team thất bại thì còn team khác thành công, tập trung đi nhanh trong thời gian ngắn.

Để xây được đội ngũ như vậy như vậy thì điều quan trọng là để những người có tiếng nói là những người có thể đẩy công ty đi về phía trước. "Thế giới này tồn tại một vấn đề: Những kẻ ngờ nghệch và ngông cuồng thường quá tự tin. Còn những người khôn ngoan hơn thì lại quá ngờ vực bản thân mình", Lê Diệp Kiều Trang dẫn chứng lời của Bertrand Russell.

Cuối cùng cô nhắc tới bài học xương máu trong quá trình làm khởi nghiệp của mình là thấm thía điều thấy tương lai rất mờ mịt không biết mình sẽ đi đến đâu, có thành công hay không, tiền bạc đổ vào không biết nó sẽ ra như thế nào. Công sức cứ dồn vào cho công kinh doanh. Nhưng điều lớn nhất của khởi nghiệp là mình được làm những điêù mình chưa có khả năng làm. Hằng ngày mình phải đối diện với những bài toán mới, những lĩnh vực mới mình chưa bao giờ làm.

"Khởi nghiệp là trường học đẩy mình đi tới và mỗi ngày luôn là một ngày học hỏi. Công việc đó thú vị hơn nhiều, ý nghĩa hơn về mặt tài chính sau này mình đạt được", Lê Diệp Kiều Trang nhắn nhủ.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên