MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học từ Philippines: Tàu trên cao "lết vào ga" vì sợ vỡ dầm, Nhật phải ra tay cứu nguy

11-11-2021 - 17:41 PM | Tài chính quốc tế

Bài học từ Philippines: Tàu trên cao "lết vào ga" vì sợ vỡ dầm, Nhật phải ra tay cứu nguy

Các tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Philippines gặp vấn đề lớn và buộc phải nâng cấp, cải tiến.

Hệ thống vận tải đường sắt trên cao Manila, thường được gọi là LRT, là một hệ thống vận chuyển đường sắt đô thị chủ yếu ở Metro Manila, Philippines.

Tuyến đường dài 33,4 km của LRT chủ yếu hoạt động trên cao và bao gồm hai tuyến và 31 ga. Tuyến số 1, còn được gọi là Tuyến Xanh lá cây (trước đây được gọi là Tuyến Vàng), được mở vào năm 1984 và đi theo hướng Bắc - Nam. Đường số 2, Tuyến Xanh dương (trước đây là Tuyến tím), được hoàn thành vào năm 2004 và chạy theo hướng Đông - Tây.

Đường sắt đô thị ở Philippines

Ban đầu, Tuyến số 1 được xây dựng như một phương tiện giao thông công cộng tối giản và thiếu một số tính năng và tiện nghi. Tuyến số 2 mới hơn đã được xây dựng với các tiêu chuẩn và tiêu chí bổ sung như lối đi không có rào cản. Hiện tại, Tuyến 1 vận chuyển khoảng 500.000 hành khách mỗi ngày trong khi Tuyến 2 phục vụ 200.000 hành khách. Nhân viên tại các nhà ga thường xuyên kiểm tra an ninh và hỗ trợ hành khách.

Bài học từ Philippines: Tàu trên cao lết vào ga vì sợ vỡ dầm, Nhật phải ra tay cứu nguy - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt đô thị tại Philippines.

Vào ngày 12/7/1980, cựu Tổng thống Ferdinand Marcos thành lập Cơ quan Vận tải Đường sắt Hạng nhẹ (LRTA) theo Sắc lệnh số 603. Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos, khi đó là thống đốc của vùng Metro Manila, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của cơ quan này.

Việc xây dựng Tuyến 1 bắt đầu vào tháng 9/1981 do Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Philippines (nay là Tổng công ty Xây dựng Quốc gia Philippines) làm nhà thầu với sự hỗ trợ từ công ty Losser & Cie của Thụy Sĩ (ngày nay là Losser Marazzi), và công ty con của Tập đoàn Dravo Mỹ.

Đi vào hoạt động từ năm 1984

Tuyến đường được vận hành thử nghiệm vào tháng 3/1984. Nửa đầu của Tuyến số 1, từ Baclaran đến Nhà ga Trung tâm, được khai trương vào ngày 1/12/1984.

Nửa tuyến sau, từ Nhà ga Trung tâm đến Monumento, được mở vào ngày 12/5/1985. Tình trạng quá tải và bảo trì kém đã gây ra nhiều thiệt hại vài năm sau khi khai trương. Vào năm 1990, Tuyến số 1 rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng người dân đi tàu quá nhiều.

Có thời kì, các chuyến tàu chạy đến ga Nhà ga Trung tâm phải chậm lại để tránh gây tạo chấn động mạnh, hư hại thêm khi "hàng loạt vết nứt" bắt đầu xuất hiện trên sàn nhà ga cũng như các dầm đỡ bên dưới. Sự xuống cấp sớm của Tuyến 1 đã buộc chính phủ Philippines phải lên kế hoạch nâng cấp và mở rộng hệ thống với sự trợ giúp từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Bài học từ Philippines: Tàu trên cao lết vào ga vì sợ vỡ dầm, Nhật phải ra tay cứu nguy - Ảnh 2.

Xây dựng tuyến 2 và tuyến 3 ở hệ thống đường sắt LRT ở Philippines.

Theo lời kể của Gary L. Satre, phóng viên người Mỹ học thạc sĩ tại Đại học Philippines, kể từ năm 1990, hành khách thường bị buộc phải rời bến vào giờ cao điểm buổi sáng và các chuyến tàu bị hoãn hàng ngày. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong những năm 1990 đã dẫn đến sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông và hậu quả là tắc nghẽn trên các tuyến đường ở Metro Manila gây ra thiệt hại kinh tế và ô nhiễm không khí.

Trong hoàn cảnh đó, đã có những lời kêu gọi về việc tạo ra một hệ thống giao thông công cộng an toàn, thoải mái, rẻ tiền và đúng giờ. Mục tiêu của dự án là mở rộng năng lực vận chuyển của Tuyến đường sắt treo cao (LRT) Metro Manila và cải thiện sự thoải mái của hành khách bằng cách mua các toa xe đầu kéo mới và cải thiện các cơ sở hiện có, qua đó giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường và cải thiện môi trường đô thị.

Theo nghiên cứu của KRI (công ty Nhật Bản chuyên nghiên cứu và tư vấn hợp đồng trong nhiều lĩnh vực như vật liệu điện, vật liệu nano, công nghệ chuyển đổi năng lượng và công nghệ bảo tồn môi trường), dự án nâng cấp LRT của Phillipines khi đó có chi phí ước tính tổng cộng 10,439 triệu yên (gần 2.000 tỉ VNĐ), trong đó 9,795 triệu yên vay ODA từ Nhật Bản.

Chi phí thực tế của dự án lên tới 10.173 triệu yên (chỉ chiếm 97,5% ngân sách kế hoạch), với phần vốn vay ODA của Nhật Bản là 9.315 triệu; do đó cả hai khoản tiền đều gần khớp với ngân sách ban đầu.

Trong kế hoạch dự án, Philippines mua thêm 32 toa nâng sức chứa lên 1.122 hành khách/tàu. Ngoài ra, dự án còn nâng cấp cơ sở vật chất hiện có như: thiết bị điện, kho chứa đường ray, đường ray trên cao, hệ thống tín hiệu / viễn thông, nhà ga, kho toa xe. Chi phí cho dịch vụ tư vấn còn bao gồm: hỗ trợ đấu thầu, quản lý công việc, hỗ trợ kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên