MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học từ Toyota: Đừng chỉ làm công việc giống người khác, năng lực cạnh tranh tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư công sức của bạn!

Để cạnh tranh thắng lợi thì “cách sử dụng máy móc” rất quan trọng. Nếu trong hướng dẫn ghi cần 3 người để vận hành thì phải suy nghĩ xem 2 người hay thậm chí là 1 người liệu có vận hành được không!

Sử dụng máy móc tối tân mà không đầu tư suy nghĩ thì cũng khó nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong một lần nhập khẩu máy móc hiện đại xưởng Toyota, kỹ thuật viên của công ty đã rất hồ hởi đến báo cáo với ông Taiichi Ohno, lúc ấy là Phó GĐ Toyota: “Chúng ta đã có một chiếc máy tuyệt vời!”.

Đáp lại sự hứng khởi từ nhân viên của mình, ông Ohno hỏi lại: “Đây có phải là chiếc máy do cậu sáng chế không?”.

Người nhân viên trả lời: “Không phải, chiếc máy này được nhập từ Mỹ về”.

Ông Ohno hỏi tiếp: “Vậy đây có phải chiếc máy duy nhất tại Nhật không?”.

“Không phải, chiếc máy này trước đây đã được Nissan mua về!”, người này bối rối.

“Chúng ta dùng một chiếc máy đắt tiền mua từ Mỹ về để sản xuất và xuất khẩu ô tô sang thị trường Mỹ. Khi xuất khẩu chúng ta lại mất thêm chi phí vận chuyển sang bên đấy. Theo cậu với cách làm này chúng ta có thể cạnh tranh với giá xe của Mỹ được không? Chúng ta không được làm giống cách mà người Mỹ đã làm!”.

Sau đó, vừa nhìn chiếc máy, ông hỏi tiếp: “Tại sao để vận hành chiếc máy này phải cần đến 3 người?”

“Tại vì ở Mỹ nó cũng cần vận hành bởi 3 người”, anh kỹ thuật viên lí nhí trả lời.

“Nếu ở Mỹ cần tới 3 người thì hãy suy nghĩ cách vận hành chỉ cần 1 người tại Nhật. Nếu sử dụng cùng số người như bên Mỹ thì các anh chỉ có thể nhận lương thấp hơn người Mỹ!” ông Ohno nói đầy nghiêm khắc bởi theo cách đánh giá của ông, nhân viên của mình chính là mẫu người “bị máy móc sử dụng” chứ không phải là người “sử dụng máy móc”.

Phải tuỳ chỉnh máy móc

Trong phương thức hoạt động của Toyota, những kỹ sư “bị máy móc điều khiển” được gọi là “kỹ sư catalog”. Những người này thường chỉ đọc catalog và hướng dẫn sử dụng, thấy hay thì mua. Sau khi mua về họ cũng chỉ sử dụng theo hướng dẫn và chế tạo những sản phẩm theo hướng dẫn. Như thế sẽ rất khó cạnh tranh với các công ty khác.

Để cạnh tranh thắng lợi thì “cách sử dụng máy móc” rất quan trọng. Nếu trong hướng dẫn ghi cần 3 người để vận hành máy thì phải suy nghĩ xem với 2 hay thậm chí chỉ 1 người có thể vận hành được không? Thực hiện được điều này đồng nghĩa với việc đã nâng cao hiệu quả so với các đối thủ khác.

Máy móc hiện đại giờ không quá khó để nhập về, tuy nhiên nếu dùng những chiếc máy giống nhau với cách sử dụng như nhau thì không thể tạo ra sự khác biệt. Phải đưa trí tuệ của con người vào máy móc thì năng lực cạnh tranh mới tăng lên đáng kể.

“Không đơn giản chỉ mua máy móc tối tân, sử dụng con người và vật liệu có thể tạo ra được sản phẩm tốt và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cách làm ưu việt, công phu đến mức nào, nhân viên đồng lòng dốc sức cho công việc ra sao, liên kết giữa các nhân viên có ăn khớp như những bánh răng không? Chính những điều này mới tạo ra sự khác biệt với các công ty khác!”, ông Fuji Cho, nguyên giám đốc Toyota cho biết.

Do đó, bài học từ công ty này chính là phải bỏ công sức ra để tuỳ chỉnh, cải tiến công cụ máy móc theo cách riêng của mình. Đấy chính là cách để công ty có sự khác biệt, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác!

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên