MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài phát biểu gây sóng gió của ông Trump

22-05-2017 - 10:52 AM | Tài chính quốc tế

Ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo đoàn kết để tiêu diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan, dẫn đến những phản ứng trái chiều.

Không sử dụng cụm từ "khủng bố Hồi giáo cực đoan" như mọi lần, ông Trump cáo buộc Iran đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính và hỗ trợ các nhóm Hồi giáo. Phát biểu chỉ trích Tehran được ông Trump đưa ra sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Trước khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo đại diện cho hơn một tỉ người ở thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi, ông Trump nói: "Chủ nghĩa khủng bố đã lan rộng khắp thế giới nhưng hòa bình bắt đầu ngay tại đây, trên vùng đất cổ và thiêng liêng này. Tương lai chỉ tốt đẹp hơn nếu quốc gia của các bạn đẩy lui những kẻ cực đoan và khủng bố ra khỏi nơi thờ phụng, cộng đồng, vùng đất thánh của các bạn và trên toàn thế giới".

"Trong nhiều thập kỷ, Iran đã châm ngòi cho các cuộc xung đột giáo phái và khủng bố. Đó là một chính phủ công khai việc giết người hàng loạt, đe xóa sổ Israel, gieo chết chóc nước Mỹ, hủy hoại các lãnh đạo và quốc gia trong chính căn phòng này".


Ông Trump tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo tại thủ đô Riyadh hôm 21-5. Ảnh: REUTERS

Ông Trump tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo tại thủ đô Riyadh hôm 21-5. Ảnh: REUTERS

Nhiều người Hồi giáo đã phản ứng sau bài phát biểu nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên mạng Twitter rằng ông Trump đã "tấn công pháo đài dân chủ của Iran", đồng thời "mua chuộc" các nước Hồi giáo bằng những thỏa thuận thương mại trị giá hàng trăm tỉ USD.

Học giả Iran Trita Parsi cũng phản đối bằng email hôm 21-5, đặt câu hỏi liệu Washington có muốn xem Tehran là kẻ thù hay không.

Người phát ngôn của phong trào Hamas (Palestine) Fawzi Barhoum – đang kiểm soát Dải Gaza – cho rằng cáo buộc của ông chủ Nhà Trắng là "vu khống, cản trở cuộc kháng chiến của người Palestine". Ông Barhoum khẳng định Hamas là một "phong trào giải phóng dân tộc". Trước đó, trong bài phát biểu, tổng thống Mỹ liệt Hamas vào danh sách khủng bố cùng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phong trào Al-Qaeda.

Bên cạnh những chỉ trích, bài phát biểu của ông Trump cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Anwar Gargash đăng đàn trên Twitter: "Hoan hô Tổng thống Trump vì tái khẳng định vai trò của Mỹ. Bài phát biểu là cách tiếp cận hiệu quả, mang tính lịch sử, đồng thời xác định một cách tiếp cận chủ nghĩa khủng bố và cực đoan dựa trên sự tôn trọng và tình hữu nghị".

Các nhóm Hồi giáo người Mỹ dù ủng hộ bài phát biểu của ông Trump nhưng cũng tỏ ra khá thận trọng. Giám đốc Hội đồng Quan hệ người Mỹ và đạo Hồi Nihad Awad bình luận: "Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Ả Rập Saudi là một nỗ lực để hình thành nên giai điệu mới hiệu quả hơn trong mối quan hệ với thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, nó không thể làm lu mờ quãng thời gian chống Hồi giáo nhiều năm qua của Washington cùng những đề xuất chính sách bao gồm sắc lệnh cấm người nhập cư từ một số nước có đông người Hồi giáo sinh sống vào Mỹ".

Phát ngôn viên Cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya, Salaam Bhatti, nói: "Về mặt lịch sử, buôn bán vũ khí dẫn đến xung đột, chiến tranh và chủ nghĩa cực đoan nhiều hơn. Chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Trump vì thừa nhận rằng người Hồi giáo là nạn nhân của khủng bố chứ không phải tình trạng buôn bán vũ khí. Chúng tôi yêu cầu các quốc gia nên cải thiện giáo dục và đầu tư vào các mô hình có lợi cho hòa bình".

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động

Trở lên trên