Bài phát biểu truyền cảm hứng của cựu chỉ huy SEAL: "Muốn thay đổi thế giới, bạn phải dám hy sinh tất cả để hoàn thiện phẩm chất thiết yếu này"
Thời đại mới đòi hỏi mọi người phải rèn luyện những phẩm chất mới để trở thành công dân có ích cho xã hội.
- 05-07-2020Chồng cờ bạc nửa đêm về thấy đàn ông lạ trong nhà, hôm sau hỏi danh tính thì lập tức tu chí
- 05-07-2020Rắn không biết bản thân có độc, người không biết chỗ sai của mình: Đẳng cấp đời người ở khả năng thức tỉnh và tư duy
Năm nay, hàng triệu sinh viên tại Mỹ đã không thể tham dự lễ tốt nghiệp của chính mình vì đại dịch Covid-19, trong đó có Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Để động viên lứa sinh viên ra trường năm 2020, Đô đốc William H. McRaven - cựu Cố vấn chính sách nước ngoài cho Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama, người từng tham gia chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden - đã gửi tới một bài phát biểu truyền cảm hứng.
Dưới đây là đoạn trích một phần bài diễn văn đầy ý nghĩa:
Đô đốc William H. McRaven.
“Khi còn là một đứa trẻ vào những năm 50-60, tôi luôn tưởng tượng mình sẽ làm anh hùng. Tôi muốn trở thành Siêu Nhân, với khả năng bay lượn, mình đồng da sắt và năng lực siêu đẳng. Một vị anh hùng sẽ cứu thế giới khỏi thảm họa mỗi ngày. Hoặc trở thành Người Dơi, Người Nhện, Báo Đen, Biệt đội X-men, Bộ tứ Siêu đẳng hoặc Aquaman - nhân vật tôi thích nhất. Tôi muốn cưỡi trên lưng con cá ngựa và chiến đấu dưới nước chống lại kẻ xấu.
Nhưng khi lớn lên và được đi khắp nơi trên thế giới, tôi đã thấy quá nhiều chiến tranh và chết chóc - tôi nhận ra sự thật phũ phàng rằng Captain America sẽ không đến đây và giải cứu mọi người. Siêu Nhân, Người Dơi, Wonder Woman, Góa phụ đen, Biệt đội Báo thù, Liên minh Công lý, Gandolf, Harry Potter hay Aquaman cũng chẳng hề tồn tại. Nếu có ai đó phải giải cứu thế giới khỏi dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu, nghèo đói, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan, sự thiếu khoan dung, các bạn - những bộ não thiên tài của MIT - sẽ là những người đó.
Tuy nhiên, dù bạn xuất chúng ra sao, chỉ trí tuệ và tài năng thôi là chưa đủ. Tôi đã thấy rất nhiều anh hùng trong đời thực, trên chiến trường Iraq và Afghanistan, trong bệnh viện chiến đấu với Covid-19, trên đường phố để bảo vệ cho sự an toàn của nước Mỹ - tôi biết còn nhiều phẩm chất cần thiết khác để trở thành một anh hùng trong thời đại mới. Vì thế, nếu bạn chịu được người thủy thủ già này trong 1-2 phút tới, tôi sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về những phẩm chất mà bạn cần có để cứu thế giới.
***
Đầu tiên, bạn cần phải dũng cảm. Winston Churchill từng nói, lòng dũng cảm là phẩm chất quan trọng nhất, vì nó đảm bảo cho tất cả những phẩm chất còn lại. Ông ấy không chỉ nói tới sự dũng cảm về thể chất, dùng để leo đồi, chạy vào trong một tòa nhà đang cháy, hay ngăn chặn một kẻ điên cầm súng. Ông ấy còn nói tới sự dũng cảm về đạo đức. Lòng dũng cảm để đứng lên bảo vệ niềm tin của mình. Dũng cảm về thể chất là dấu hiệu nhận biết của một chiến binh tuyệt vời, nhưng tôi cho rằng dũng cảm về đạo đức để đấu tranh cho lẽ phải cũng có vị trí quan trọng không kém để làm nên người anh hùng.
Nếu bạn định cứu thế giới, bạn phải giữ vững niềm tin của mình. Bạn phải đối đầu với những kẻ ngu muội bằng sự thật. Bạn phải thách thức những kẻ quá khích bằng lý do. Bạn phải bất chấp những kẻ hay nghi hoặc và yếu đuối - những người không dám đứng thẳng. Bạn phải nói lên sự thật để mạnh mẽ hơn.
Nếu lý tưởng của bạn là tốt đẹp và xứng đáng, có khả năng cứu giúp loài người, vậy bạn phải làm được điều mà mọi hùng sẽ làm. Bạn phải triệu hồi lòng dũng cảm để đấu tranh cho niềm tin của mình. Bạn phải hét vào mặt chúng từ trên đỉnh thú. Bạn phải mắng chúng từ bục giảng. Bạn phải viết bằng cách in đậm, phóng khoáng và gạch chân. Bạn phải đưa niềm tin của mình từ bóng tối để ra ánh sáng ban ngày. Bạn phải thực hiện công khai, sẵn sàng thách thức, đối đầu và tranh cãi.
Sẽ có những kẻ không muốn nghe ý kiến của bạn. Nhất là khi điều đó đúng.
Đôi khi, nói lên sự thật cũng là một điều nguy hiểm. Các tiền bối như Copernicus, Galileo, Kepler, Marie Curie, Grace Hooper và Katherine Johnson - những bộ óc thiên tài dám nói lên sự thật để biến thế giới thành một nơi giàu tri thức hơn, vị tha hơn, dễ sống hơn, họ có được sự dũng cảm. Nếu bạn muốn cứu thế giới, bạn cũng cần lòng dũng cảm.
***
Nếu bạn định cứu thế giới, bạn sẽ phải thật khiêm tốn. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã may mắn được ở gần một vài bộ óc thiên tài. Tôi đã thấy những người thông minh tìm cách xóa sổ dịch bệnh, giảm đói nghèo, phát minh ra các siêu phẩm công nghệ. Trái lại, tôi cũng đã thấy những thiên tài lầm đường lạc lối, kiêu ngạo và tự tin thái quá vào bản thân, hủy hoại thiên nhiên, xây dựng những cố máy chết chóc, đối xử với nhau thiếu tình người và hướng về bạo lực. Nếu không tiếp cận thế giới bằng sự khiêm nhường, bạn sẽ nhanh chóng trở thành một kẻ tầm thường.
Thời gian trong quân ngũ, tôi đã phát hiện rằng không nơi nào trên trái đất dạy bạn khiêm tốn tốt như ở chiến trường. Gian khổ nơi chiến trường sẽ dạy bạn mỗi ngày rằng bạn không hề bất khả chiến bại - rằng việc đi chân trần hoặc việc vác súng trường Kalashnikov đôi khi cũng là kẻ thù đánh bại cả những chiến binh hay công nghệ tốt nhất trên thế giới.
Chỉ một khoảnh khắc nghĩ mình giỏi hơn người khác, bạn sẽ nhanh chóng trở nên tầm thường. Nhưng nếu bạn tiếp nhận mọi nhiệm vụ bằng sự tôn trọng dành cho núi, sông, biển và kẻ thù - bạn sẽ dễ thành công hơn.
Trong cuốn “Lời xin lỗi của Socrates” của Plato, Socrates biện hộ bằng cách nói với quan tòa Athen rằng ông là người khôn ngoan nhất thế giới - hơn bất kỳ ai đang mặc áo chùng và ngồi phán xét ông. Khi được hỏi tại sao lại tự tin tuyên bố như vậy, Socrates đáp, ông là người khôn ngoan nhất vì không biết rất ít về thế giới. Để giải quyết những vấn đề trên thế giới, bạn phải nhận ra mình biết ít chừng nào. Bạn phải nhìn lên những ngôi sao, quan sát qua kính hiển vi, ngắm nhìn đại dương - và tỏ ra khiêm tốn.
Tin rằng bạn biết rõ mọi câu trả lời, rằng bạn nắm trong tay sự thật của vũ trụ, rằng bạn khôn ngoan hơn những người đi trước chính là câu chuyện của những kẻ thất bại. Chỉ khi bạn khiêm tốn, nhận ra được tầm hiểu biết hạn hẹp và giới hạn tri thức của mình, bạn mới tìm được câu trả lời đang tìm kiếm.
***
Nếu định cứu thế giới, bạn phải vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn. Cuộc sống của một đặc vụ SEAL chỉ xoay quanh sự bền bỉ. Làm sao bạn có thể hoàn thành bài huấn luyện của SEAL nếu thiếu điều này? Liệu bạn có thể vượt qua khoảng thời gian xa cách gia đình, những buổi tập trung đến kiệt sức, sự mất mát khi đồng đội hy sinh? Đôi khi, cứu thế giới chỉ đơn giản là chờ đợi. Đừng bao giờ bỏ cuộc dù có gặp chướng ngại vật gì phía trước.
Một người bạn tốt của tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Texas năm 1969 đã làm việc trong ngành dược. Mẹ anh ấy mất vì ung thư hạch bạch huyết khi anh mới 11 tuổi, do đó anh bị ám ảnh với việc tìm ra thuốc chữa. Suốt hàng thập kỷ qua, anh ấy đã theo đuổi một ý tưởng mà nhiều người trong ngành coi là ảo vọng. Liệu cơ thể con người có thể sử dụng chính hệ miễn dịch để đánh bại ung thư? Anh ấy chưa từng bỏ cuộc, và đến năm 2018, Tiến sĩ Jim Allison đã được trao giải Nobel Y học.
Có những nhà khoa học đã thay đổi lịch sử từ khi còn rất trẻ, nhưng hầu hết các phát hiện, các thành tựu, các chiến thắng đều là sản phẩm của một quá trình lâu dài và khổ cực. Và chỉ những người kiên quyết nhất, những người có thể bền bỉ vượt lên thất bại, sự từ chối, sự chế nhạo, cảm xúc và sự eo hẹp thời gian mới có thể cứu thế giới này.
***
Nếu bạn hy vọng sẽ cứu thế giới, bạn phải sẵn sàng hy sinh. Trong lực lượng đặc nhiệm có rất nhiều cái tên xuất sắc đã dành tất cả để bảo vệ tổ quốc. Những người nhận Huân chương Danh dự như Mike Murphy, Mike Monsoor, John Chapman và Robby Miller. Những người phụ nữ xuất chúng như Ashley White và Jennifer Moreno. Các anh hùng trên chiếc trực thăng Turbine 33 và Extortion 17 - những đặc nhiệm SEAL đã đi làm nhiệm vụ và không bao giờ trở về. Họ đã hy sinh để đồng đội được sống.
Tuy nhiên, có một sự hy sinh tuy đời thường hơn nhưng lại rất thiết yếu mà bạn cần có nếu muốn cứu thế giới. Đặc nhiệm SEAL chúng tôi phải rèn luyện mỗi ngày. Những tháng ngày đằng đẵng chỉ toàn những cơn đau thể chất, những cuộc hành quân với ba lô trĩu nặng trên lưng, những bài tập bơi giữa đại dương, những bài tập chạy và sức bền. Đó là những hy sinh cần thiết để sẵn sàng - khi thế giới cần bạn.
Thời xưa, Thomas Edison đã được cấp 1.500 chiếc bằng sáng chế. Từ đèn điện, cho tới máy hát, cho tới máy quay phim, cho tới đèn điện tử chân không và micro than. Ông ấy đã cứu thế giới khỏi bóng tối. Nhưng để làm được vậy, ông ấy phải làm việc 20h/ngày, đến mức việc kinh doanh suýt lụn bại, còn sức khỏe thì tổn hại.
Sẽ dễ dàng hơn nếu tôi đứng đây và nói với các bạn rằng có một nơi mà bạn có thể chu toàn cả sự nghiệp lẫn cuộc sống - nhưng tôi vẫn chưa tìm ra nơi ấy. Rốt cuộc, nếu bạn thấy mục tiêu của mình cao cả, vậy thì hy sinh là điều xứng đáng. Và bạn sẽ tự hào về những gì mà mình đã đạt được.
***
Để cứu thế giới, bạn phải trở thành một con người chính trực. Luôn cố gắng làm những điều đúng đắn và hợp pháp. Đây không phải là điều dễ dàng, và tôi dám cá là đôi khi bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ thất bại vì bạn là con người. Bạn sẽ thất bại vì cuộc sống luôn đẩy ta vào những hoàn cảnh bất trắc. Bạn sẽ thất bại vì luôn tồn tại mâu thuẫn giữa cái tốt và cái xấu.
Khi không duy trì sự chính trực, bạn nên cảm thấy lo lắng. Bạn phải cảm thấy trằn trọc mất ngủ. Bạn phải cảm thấy cắn rứt đến mức hứa sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Bạn thấy đấy, trở thành anh hùng không dễ chút nào. Nó không dễ vì bạn không phải là người mình đồng da sắt, bạn không được mặc giáp che phủ toàn thân, bạn không được ban tặng sức mạnh siêu nhiên - mà bạn là một anh hùng thực thụ. Điều làm nên một anh hùng thực thụ là những khó khăn và khả năng vượt qua chúng.
Nhưng dù bạn chật vật ra sao, thế giới vẫn tin tưởng bạn, dõi theo bạn, cho phép bạn bảo vệ họ - nếu họ biết bạn là người thành thật, đáng tin, nhân hậu và lạc quan. Rằng bạn là một con người chính trực.
***
Cuối cùng, để cứu thế giới, bạn phải có lòng trắc ẩn. Bạn phải biết thương xót người nghèo. Bạn phải biết lo sợ cho những đối tượng dễ tổn thương. Bạn phải khóc vì những người ốm yếu và không thể chữa bệnh. Bạn phải cầu nguyện cho những người không còn hy vọng. Bạn phải đối xử nhân hậu với những người kém may mắn. Anh hùng hy sinh bản thân để làm gì, nếu không phải là để quan tâm những người mà họ đang cố bảo vệ.
Trong lễ tốt nghiệp trực tuyến này, tôi muốn các bạn hứa với tôi một điều.
Hãy hứa rằng các bạn sẽ là thế hệ cuối cùng lỡ mất lễ tốt nghiệp vì một đại dịch. Thế hệ cuối cùng lỡ mất lễ tốt nghiệp vì chiến tranh. Thế hệ cuối cùng lỡ mất lễ tốt nghiệp vì biến đổi khí hậu, bất đồng, bạo lực, chủ nghĩa cực đoan, xả súng, sự cố chấp và sự thờ ơ.”