Bài toán đảm bảo chất lượng giáo dục tư thục
Lấy chất lượng làm trọng tâm phát triển, đầu năm 2019, NHG thành lập Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) chuyên trách cho hoạt động ĐBCLGD trên toàn hệ thống K-12. Riêng tại các đại học thuộc NHG - để đảm bảo tính tự chủ - sẽ tự thành lập Ban ĐBCLGD của riêng mình.
Để đảm bảo tính nhất quán, khách quan cũng như minh bạch, Hội Đồng ĐBCLGD được thành lập, gồm 17 thành viên bao gồm lãnh đạo các cấp. Ngoài chức năng tham mưu về chiến lược, Hội đồng cũng đảm bảo tiếng nói của các cơ sở, của phụ huynh học sinh được lắng nghe đúng mực và kịp thời.
Tiến sĩ Trần Xuân Thảo – Phó Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển giáo dục của NHG, từng là Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng ĐBCLGD NHG đã có những chia sẻ về cách mà NHG kiểm soát, kiểm định, cam kết và thực thi những tiêu chuẩn khắt khe trong quy trình vận hành hệ thống.
Chân dung TS. Trần Xuân Thảo.
Mệnh đề về chất lượng
Theo TS. Trần Xuân Thảo, mục tiêu chung của xây dựng hệ thống ĐBCLGD là cải tiến chất lượng đào tạo, cải tiến các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, các hoạt động hỗ trợ phát triển kỹ năng sinh viên và các đơn vị quản lý của nhà trường.
Đối với hoạt động ĐBCLGD về quá trình dạy và học, các trường thường phải định nghĩa thế nào là chất lượng (phải được đồng thuận bởi lãnh đạo và giảng viên trong trường) rồi xây đựng quy trình ĐBCL.
Với quan niệm chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu, Woodhouse (1999) cho rằng đảm bảo chất lượng là “các hệ thống, chính sách, thủ tục, quy trình, hành động và thái độ được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ sở giáo dục xác định, xây dựng và triển khai nhằm đạt được, duy trì, giám sát và củng cố chất lượng”.
Một tiết học tại Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA).
“Nguyên tắc ĐBCLGD là phải đồng thời sử dụng nhiều công cụ để có kết quả chính xác và khách quan hơn và ưu tiên sử dụng công cụ đánh giá trực tiếp kết quả học tập sinh viên hơn là các công cụ gián tiếp như bản tham khảo ý kiến của học sinh”, TS. Thảo cho biết.
Thêm vào đó, công tác ĐBCLGD của các trường thường xây dựng dựa trên các yêu cầu của các đơn vị quản lý nhà nước như Bộ GD&ĐT, các tổ chức KĐCL, khuyến cáo của các tổ chức nước ngoài tài trợ (như UNESCO hay Ngân hàng Thế giới) và mục tiêu của các trường.
Gia tăng giá trị hiệu quả
Theo TS. Thảo, một số trường thuộc hệ thống NHG hoạt động theo mô hình trường quốc tế, áp dụng các quy chế và quy định quốc tế về chất lượng là một lợi thế cho công tác ĐBCL. “Theo cam kết, các trường phải đảm bảo các quy định về chất lượng quốc tế này để được phép hoạt động dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế. Các mô hình này cũng được mô phỏng để áp chung chung cho toàn hệ thống”, TS chia sẻ.
Cơ sở vật chất phòng tin học Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc UK Academy.
Quan trọng nhất, hoạt động ĐBCLGD đòi hỏi sự đầu tư đúng và đủ về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người cũng như tài chính. TS Thảo cho biết: “Ý thức được tầm quan trọng của đầu tư trong hoạt động ĐBCL, NHG ngay từ đầu đã chỉ đạo rất quyết liệt về tính hiệu quả trong đầu tư, để vừa loại bỏ những hoạt động kém chất lượng kém hiệu quả, vừa khuyến khích phát triển và nhân rộng những cách làm hay có chất lượng và hiệu quả cao”.
Được biết, chu kỳ kiểm định chất lượng trung bình khoảng 5 năm. Do đó, Hội đồng ĐBCLGD có những mục tiêu sau cho 5 năm tới (2019 - 2024). Trong đó, xây dựng cấu trúc nhân sự và hệ thống văn bảm ĐBCL, báo cáo hiện trạng trên toàn hệ thống, tổ chức hệ thống thông tin bao gồm đưa ứng dụng CNTT vào hệ thống là những mục tiêu trọng điểm.
Một tiết học tại Trường Hội nhập Quốc tế iSchool.
Bên cạnh đó, Hội đồng và Ban ĐBCLGD sẽ tổ chức và tham dự tập huấn, tiến hành đánh giá trong, kiểm định chất lượng trên toàn hệ thống. “NHG chủ trương đảm bảo tính trung thực và minh bạch. Sự quan tâm của lãnh đạo về ĐBCLGD vừa là áp lực và cũng là động lực để các trường đẩy mạnh hoạt động ĐBCLGD. Những cải tiến chất lượng vừa qua trong hệ thống đã được lãnh đạo NHG quyết định trên cơ sở những kết quả ban đầu của hoạt động ĐBCL”, TS Thảo chia sẻ.
Cô giáo cùng học trò Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy trong một hoạt động thí nghiệm khoa học.
TS. Trần Xuân Thảo có bằng Tiến sĩ Quản lý giáo dục tại ĐH Pennsylvania (Hoa Kỳ), Thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Canberra (Úc) và cử nhân Trường Đại học Sư phạm Huế.
Ông từng là Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam. Từ năm 1998, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách về quản trị giáo dục chuyên nghiệp tại nhiều tổ chức, đơn vị và trường đại học. Ông được Bộ Ngoại giao Hoa kỳ trao tặng Bằng khen Danh dự Cao cấp.